Theo Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài, thời gian tới công ty muốn hướng tới thị trường Đông Nam Á với tư cách là nhà bán lẻ hàng đầu. Tuy nhiên, giấc mơ vẫn còn khá...xa.
Tại buổi ra mắt chuỗi TopZone chuyên bán sản phẩm Apple của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG), ông Nguyễn Đức Tài tiết lộ trong tương lai, Thế Giới Di Động sẽ không dừng lại ở việc bán điện thoại, điện máy. Theo tầm nhìn được chia sẻ trên trang chủ, Thế Giới Di Động đặt kỳ vọng trở thành nhà bán lẻ số một tại thị trường Đông Nam Á.
"Chúng tôi không nói về Việt Nam nữa. Tại thị trường Việt Nam, quy mô của Thế Giới Di Động đã vượt trội. Chúng tôi nói về thị trường Đông Nam Á. Vì vậy, Hiểu Em (CEO chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh) sẽ là người tiếp tục thực hiện giấc mơ đó. Chúng ta sẽ bước ra khỏi phạm vi một nhà bán lẻ điện thoại, điện máy để lấn sân sang những phân khúc khác", ông Tài cho biết.
Theo báo cáo Top 100 nhà bán lẻ châu Á của Euromonitor, MWG hiện xếp thứ 10 trong số các nhà bán lẻ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, tham vọng "xưng danh" trên thị trường khu vực của Thế giới di động gặp khá nhiều lực cản. Trước tiên phải kể đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến một số mặt hàng của ngành bán lẻ trong khu vực cũng gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, trong trường hợp muốn lấn sân sang các nhóm hàng khác tại thời điểm này, Thế Giới Di Động có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của iPrice Group và AppsFlyer đã phân tích trên hơn 12,4 triệu lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên các thiết bị Android và thấy rằng tỷ lệ gỡ ứng dụng tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, lên đến 49% giai đoạn quý 2 năm 2020. Người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng xoá các ứng dụng không phù hợp sau khi thử dùng. Vì vậy, một trong những trọng tâm của các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam trong 2021 là cần cải thiện trải nghiệm hơn nữa cho khách hàng mới, giữ vững thị phần trong nước mới có cơ hội nghĩ tới thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam được khuyến nghị cần tiếp tục tập trung vào nguồn nhân lực, tìm kiếm và trọng dụng nhân tài. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh thị trường tăng trưởng mạnh mẽ nhưng đây lại là lĩnh vực mới, chưa có nhiều trường lớp đào tạo bài bản, chuyên sâu.
"Miếng bánh thị trường thương mại điện tử trị giá hàng tỷ USD chỉ có một, doanh nghiệp nào sớm có sự chuẩn bị, đón đầu thị trường và thực thi chiến lược nhanh chóng sẽ giành lấy phần "bánh" lớn hơn. Tuy vậy, việc chắp bút "vẽ" lại thị phần của thị trường thương mại điện tử không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được", báo cáo nhận định.
Nhìn rộng ra thị trường Đông Nam Á, nơi mà Thế Giới Di Động đặt mục tiêu trở thành "ông vua", có rất nhiều "chướng ngại vật" mà doanh nghiệp này cần vượt qua. Theo báo cáo của Euromonitor International, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại London, tính riêng trong năm 2020, Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ lớn thứ 10 tại khu vực Đông Nam Á, tụt hạng so với một năm trước đó, đồng thời là đơn vị bán lẻ duy nhất của Việt Nam có mặt trong top 10.
Dữ liệu từ năm 2020 cho thấy kỳ lân Tokopedia PT đến từ Indonesia là doanh nghiệp bán lẻ đứng đầu, doanh thu hơn 11,6 tỷ USD. Đứng ở những vị trí tiếp theo trong top 5 lần lượt là Seven & I Holdings Co (11,5 tỷ USD), Sea LTD (8,7 tỷ USD), Tesco Plc (6,5 tỷ USD) và Sumber Alfaria Trijaya Tbk PT (6,4 tỷ USD). Riêng doanh thu Thế Giới Di Động trong năm 2020 đạt hơn 4,4 tỷ USD, tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2019.
Về Thế Giới Di Động, doanh thu năm 2020 là 108.546 tỷ đồng, với hơn 4.500 cửa hàng trên toàn quốc tính đến cuối tháng 9, theo VietnamCredit. Thế Giới Di Động là nhà bán lẻ đứng đầu tại Việt Nam về cả doanh thu và lợi nhuận, bỏ khá xa những đơn vị lớn khác như Wincommerce, SVC, FRT,…
Tuy nhiên, nhìn rộng hơn, so sánh doanh thu của Thế Giới Di Động với những đơn vị bán lẻ đang đứng đầu thị trường Đông Nam Á hiện nay như Tokopedia, Seven & I Holdings Co, Sea LTD,… vẫn còn một khoảng cách tương đối xa.
Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu trở thành người dẫn đầu ngành bán lẻ thị trường Đông Nam Á như những gì ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ không phải là chuyện một sớm một chiều. Thế Giới Di Động vẫn còn nhiều việc phải làm.
Có thể bạn quan tâm
Đường về tay doanh nghiệp ngoại của Pymepharco
04:37, 27/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ… HẾT “VIỆT” (KỲ 9): “Lùng bùng” số phận Bibica!
05:00, 26/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ… HẾT “VIỆT” (KỲ 8): Nguyễn Kim và nỗi buồn "vua điện máy" một thuở
11:00, 25/10/2021
“Cú xoay người” 40 tỷ USD của PayPal!
05:09, 25/10/2021
Toan tính của “gã khổng lồ” Jollibee
03:00, 25/10/2021
Nhà máy cell pin nghìn tỷ: Khát vọng lớn của Vinfast!
05:00, 24/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 6): Sabeco "giảm thu vẫn tăng lãi" khi vào tay Người Thái
05:00, 23/10/2021