Từng là chuỗi bán lẻ điện máy chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam nhưng Nguyễn Kim đã để mất thị phần khi đối thủ mở rộng nhanh chóng.
Đầu năm 2020, sau 5 năm giữ 49% cổ phần Nguyễn Kim, Tập đoàn Central Group của Thái Lan thông qua các công ty con đã hoàn tất việc mua lại 100% chuỗi điện máy lâu đời bậc nhất Việt Nam.
Chuỗi điện máy tiên phong một thời
Cửa hàng đầu tiên của Nguyễn Kim được khai trương vào năm 1996 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Đây là nơi đầu tiên ở TP.HCM kinh doanh sản phẩm điện tử, điện máy chính hãng theo mô hình bán lẻ hiện đại.
Gần 20 năm sau đó, Nguyễn Kim tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trên thị trường điện máy. Công ty mở mới nhiều trung tâm mua sắm, lập ra website bán lẻ điện máy đầu tiên ở Việt Nam. Cuối năm 2007, Nguyễn Kim mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.
Thời điểm 2010, theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường Nielsen, 99% người tiêu dùng bình chọn Nguyễn Kim là nhà bán lẻ hàng điện máy tiêu dùng số 1 tại Việt Nam.
Năm 2015, khi bán 49% cổ phần cho Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group, Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên cả nước và vẫn dẫn đầu thị trường về thị phần. Thời điểm đó, Nguyễn Kim chiếm 12% thị phần điện máy chính hãng tại Việt Nam, xếp trên Điện máy Xanh (8%) và Điện Máy Chợ Lớn (7,5%).
Năm 2013, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 8.400 tỷ đồng và tăng lên 9.000 tỷ vào 2014. Giai đoạn 2015-2016 doanh thu của công ty ổn định ở mức 9.500 tỷ đồng.
Là đơn vị tiên phong trên thị trường điện máy nhưng Nguyễn Kim lại hụt hơi khi Thế Giới Di Động nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh điện máy với thương hiệu mới Điện máy Xanh được chuyển đổi từ Dienmay.com.
Năm 2016, Điện máy Xanh tăng tốc độ mở cửa hàng và có 250 siêu thị, vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ điện máy chính hãng với 16% thị phần. Năm 2017, thị phần của Điện máy Xanh tiếp tục tăng mạnh lên 30% trong khi tổng thị phần bán lẻ của các chuỗi khác cũng là 30%.
Hiện tại, chuỗi bán lẻ điện máy của Thế Giới Di Động đã vượt 1.000 cửa hàng và chiếm 38% thị phần sau 9 năm ra đời. Trong khi đó, Nguyễn Kim có 70 siêu thị sau 24 năm hoạt động.
Với kênh bán hàng online, Nguyễn Kim cũng tỏ ra lép vế khi có số lượt truy cập website trung bình mỗi tháng đạt hơn 3 triệu, theo báo cáo của iPrice. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh có lượng truy cập website ổn định 9-10 triệu lượt/tháng.
Năm 2019, Nguyễn Kim hợp tác với FPTShop để khai thác thêm kênh bán hàng thương mại điện tử nhưng đã dừng việc thử nghiệm sau vài tháng.
Trong bản công bố thông tin về thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi điện máy Nguyễn Kim, Central Retail của Thái Lan cho biết trong quý III/2019, công ty mẹ NKT của Nguyễn Kim đóng góp gần 3.300 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn.
Nếu kết quả kinh doanh giữa các quý không chênh lệch lớn, ước tính doanh thu của Nguyễn Kim đạt trên 13.000 tỷ đồng năm 2019. Con số này bằng khoảng 22% doanh thu 58.000 tỷ đồng của Điện máy Xanh.
Các chuỗi bán lẻ điện máy đang gặp thách thức khi thị trường hàng điện tử đã bắt đầu đi xuống với tổng doanh thu năm 2019 là 45.500 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2018, theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường GfK. Điểm sáng với các ông lớn là ngành hàng điện lạnh năm qua tăng trưởng 3%, đạt quy mô 39.700 tỷ đồng.
Sau khi hệ thống VinPro của Vingroup giải thể cuối 2019, Nguyễn Kim và Điện Máy Chợ Lớn là hai chuỗi bán lẻ còn lại cạnh tranh cùng Điện máy Xanh tại khu vực miền nam. Trong khi đó, thị trường phía Bắc phân mảnh hơn với một số nhà bán lẻ khác như MediaMart, Pico, HC.
Thương vụ được các nhà phân tích đánh giá là khôn ngoan của gia đình ông Kim, sau khi chứng kiến lĩnh vực kinh doanh chuỗi siêu thị điện máy đã đến giai đoạn bão hoà, trong khi sức ép cạnh tranh đang vô cùng khốc liệt với sự hiện diện của Điện Máy Xanh.
Hiện tại, pháp nhân lõi nắm gần như toàn bộ hoạt động đầu tư của gia đình ông Kim là CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (NKID). Công ty này đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nguồn vốn NKID cũng đã được tăng thêm sau khi ông Kim chuyển nhượng chuỗi siêu thị Nguyễn Kim cho Central Group từ năm 2015.
CRC đã rót bao nhiêu tiền để mua đứt Nguyễn Kim?
Trước đó, vào tháng 6/2019, CRC thông qua công ty thành viên đã mua toàn bộ 51% cổ phần còn lại tại CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (NKT), qua đó sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim và một số công ty con khác. CRC cho biết thương vụ trị giá 2.659 tỷ đồng, trong đó 2.246 tỷ đồng tiền mặt và 348 tỷ đồng dưới dạng nợ dài hạn.
CRC bắt đầu rót vốn vào NKT kể từ tháng 1/2015, sở hữu 37,66 triệu cổ phần (chiếm 49% vốn NKT) với giá trị khoảng 3,4 tỷ Baht. Trong năm 2018, CRC còn phải trả thêm khoản tiền trị giá 929 triệu Baht theo một số thỏa thuận trong hợp đồng.
Hiện tại, ông Philippe Jean Broianigo (SN 1960) đang là Tổng Giám đốc của NKT. Trong khi đó, vị trí Chủ tịch HĐQT NKT do ông Sudhitham Chirathivat – thành viên gia tộc Chirathivat giàu thứ 2 tại Thái Lan, sáng lập Central Group – nắm giữ.
Tham vọng của ông lớn Thái
Trước khi hoàn tất thâu tóm Nguyễn Kim, Central Group đã sở hữu hệ thống đại siêu thị Big C Việt Nam, chuỗi siêu thị Lan Chi Mart ở thị trường nông thôn khu vực Bắc Bộ, GO! Market, trung tâm thương mại Robins tại Hà Nội và TP.HCM, phân phối độc quyền một số thương hiệu thời trang quốc tế tại Việt Nam.
Hiện tại Central Group đang nuôi hy vọng sẽ tăng trưởng thêm trong mảng cửa hàng bách hóa ở Đông Nam Á.
Mới đây, Tập đoàn bán lẻ Central Group đã niêm yết Central Retail lên sàn chứng khoán Thái Lan và huy động được 78,1 tỷ bath – cũng là đợt IPO lớn nhất tại Thái Lan. Lượng tiền thu về từ đợt IPO sẽ được sử dụng để mở rộng và cải tiến mạng lưới cửa hàng nội địa và quốc tế.
Trong cuộc phỏng vấn sau đợt niêm yết Central Retail, ông Yol Phokasub, CEO của Central Retail, cho hay: “Chúng tôi tập trung vào mở rộng hoạt động ở Thái Lan và Việt Nam”.
Tại thời điểm này, 75% doanh thu của Central Retail đến từ Thái Lan, 17% đến từ Việt Nam và 7-8% đến từ Italy.
Ông Yol tự tin nói rằng: “Trong vòng 5 năm, phần doanh thu từ Việt Nam sẽ tăng lên 25%”.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 kéo dài 2 năm qua đã khiến thời hoàng kim của ngành bán lẻ điện máy qua đi. Từ mấy năm nay, để cầm cự, các chuỗi bán lẻ phải chạy đua khuyến mãi, giảm giá quanh năm nhưng sức mua vẫn không cải thiện là bao.
Có thể bạn quan tâm
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ… HẾT “VIỆT” (KỲ 7): Huda vẫn “đậm tình miền Trung”
07:08, 24/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 6): Sabeco "giảm thu vẫn tăng lãi" khi vào tay Người Thái
05:00, 23/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 5): Bi kịch Tribeco!
05:33, 22/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 4): Viso: Từ thương hiệu Việt tới “cảm tử quân”
05:08, 20/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 3): P/S "bán mình" tưởng mất hoá ra được, ngỡ được mà lại mất!
05:10, 19/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT VIỆT (Kỳ 2): Highlands Coffee "nhảy múa" trong tay Jollibee
11:56, 18/10/2021
THƯƠNG HIỆU VIỆT ĐÃ... HẾT "VIỆT" (Kỳ 1): Khát vọng vươn mình của Diana!
12:10, 17/10/2021