FTA tiếp tục là xung lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng

ĐỖ HUYỀN 01/02/2022 05:30

Theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng kinh tế năm 2022 vẫn rất sáng nhờ tác động tích cực từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thế hệ mới.

>> COVID-19 tác động như thế nào tới việc thực hiện các FTA thế hệ mới?

Trong năm 2021, Việt Nam trải qua một năm đầy thách thức trước đại dịch COVID-19, tuy nhiên, bằng tất cả sự nỗ lực Việt Nam vẫn được ghi nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn và kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục mới.

Điều đó cho thấy, Việt Nam đã ngày càng khai thác, tận dụng tốt hơn các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển ngoại thương trong bối cảnh khó khăn, thách thức bởi đại dịch.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp thì FTA thế hệ mới được xem là

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp thì FTA thế hệ mới được xem là "cửa sáng" giúp Việt Nam vượt khó, giúp Việt Nam đẩy mạnh các mối quan hệ thương mại cũng như các đối tác để phục hồi nhanh hơn sau đại dịch.

Nhiều kết quả tích cực

Nhìn lại việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua có thể thấy đã tác động tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước trong khu vực và thế giới đầu tư vào trong nước. Trong năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng - điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Mặc dù quý III nền kinh tế "chao đảo" vì đại dịch nhưng trong 11 tháng  vẫn ghi nhận vốn FDI đăng ký đạt 26,46 tỷ USD ở 18 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 11 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính và cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới góp phần tích cực đối với phát triển thương mại, khi thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Mặc dù bị tác động mạnh mẽ bởi đại dịch COVID-19 song tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, vượt mốc 600 tỷ USD. Kết quả này đạt được là nhờ sự nỗ lực rất lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và kết quả thực thi các hiệp định như CPTPP, EVFTA.

Đặc biệt, năm đầu thực thi EVFTA đã đem lại những kết quả rất khả quan. Trao đổi thương mại hai chiều đạt 54,6 tỷ USD, tăng trưởng 11,9%, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 38,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Ở chiều ngược lại, EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 16,2 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sử dụng C/O mẫu EUR.1 đạt khoảng 7,71 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của Liên minh châu Âu theo EVFTA. 

Một hiệp định khác là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA) được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU. Sau gần 1 năm triển khai, tính đến hết tháng 10/2021, thương mại 2 chiều đạt gần 5,5 tỷ USD, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt 4,735 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Anh đạt 706 triệu USD, tăng 25,3%.

Về tác động theo ngành, đối với lĩnh vực công nghiệp, các hiệp định thương mại tự do góp phần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế; tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng của khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỷ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế nhà nước. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực như đã đề ra trong Chiến lược Xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, với sự gia tăng tỷ trọng của nhóm hàng chế biến, chế tạo (từ mức 82,9% của năm 2018 lên 84,3% năm 2019).

>> FTA thế hệ mới - "cửa sáng" vượt COVID

Đáng chú ý, về quản lý nhà nước, với những cam kết thực thi trong các hiệp định, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - những hiệp định với tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử vô tư... sẽ góp phần tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực (về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp...) và tạo nên môi trường thương mại công bằng.

Dù vậy, đại dịch COVID-19 đã gây khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Trong 11 tháng năm 2021, có 106,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; trong đó, có 54,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số doanh nghiệp thành lập mới. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng với trên 300 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% tổng kim ngạch và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu và lỏng lẻo…

Thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu

Về vấn đề này, TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) cho biết, tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo ông Khôi, việc đàm phán và ký kết thành công nhiều FTA với các đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội về tăng trưởng kinh tế, đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu. Việc thực thi các FTA, đặc biệt là thương mại giữa Việt Nam và châu Âu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng từ khi có EVFTA, nhưng doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết những cơ hội lớn tại thị trường tiềm năng này và vẫn đang tiếp tục mở ra cơ hội lớn cho thúc đẩy xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong năm 2022.

Thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa, sẽ có xu hướng chuyển dịch thị trường hàng hóa theo chiều sâu dưới tác động của việc thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và các hiệp định vừa ký kết như RCEP, UKVFTA. Cùng với thực hiện các cam kết FTA với các nước châu Âu và các khu vực khác trên thế giới sẽ giúp phát triển thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trở nên đa dạng, cân bằng hơn và đạt hiệu quả tốt hơn”, TS Lê Huy Khôi nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022 được hy vọng sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch COVID-19... Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu và mang lại hàng hóa chất lượng cao cho người tiêu dùng. Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi nhờ nhu cầu cao đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủy sản vượt khó nhờ FTA thế hệ mới

    04:45, 23/08/2021

  • FTA thế hệ mới - "cửa sáng" vượt COVID

    11:00, 16/08/2021

  • COVID-19 tác động như thế nào tới việc thực hiện các FTA thế hệ mới?

    04:00, 31/05/2021

  • Việt Nam và các FTA thế hệ mới: Đường cao tốc đã mở!

    05:30, 12/02/2021

  • FTA thế hệ mới và những cơ hội cho Việt Nam

    00:30, 01/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
FTA tiếp tục là xung lực cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO