Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại cảm giác ổn định trong một môi trường thương mại đầy biến động bằng cách thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn rõ ràng.
Khi Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Singapore (USSFTA) bước sang năm thứ 20, việc Mỹ áp thuế cơ bản 10% đối với Singapore đã phủ bóng lên hai thập kỷ hợp tác kinh tế bền chặt giữa hai nước.
Được Quốc hội Mỹ phê chuẩn với kỳ vọng “tăng cường và củng cố quan hệ thương mại vững mạnh giữa Mỹ và Singapore”, USSFTA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Mỹ với một quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, và cho đến nay vẫn là FTA duy nhất của Mỹ với một nước ASEAN.
Tuy nhiên, những chính sách thuế quan quy mô lớn mà Mỹ đang áp dụng hiện nay được xem là sự gián đoạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử thương mại toàn cầu. Cuộc chiến thương mại đang diễn ra cùng với sự rút lui khỏi chủ nghĩa đa phương của Mỹ đang đe dọa cả hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ và sự cởi mở.
Các biện pháp đơn phương như áp thuế, dù có thiện chí đều làm suy yếu tính dự đoán mà hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay được xây dựng để bảo vệ.
Theo Jesslene Lee, nhà nghiên cứu tại Viện Năng lực Cạnh tranh Châu Á (ACI), sự chuyển hướng sang các cuộc đàm phán song phương, như trong chính sách thương mại gần đây của Mỹ, cho phép các nước lớn tận dụng sức mạnh thị trường của mình, gây bất lợi cho các quốc gia nhỏ như Singapore, vốn thường có vị thế đàm phán yếu hơn. Kết quả là lòng tin và sự ổn định trong thương mại toàn cầu đang bị xói mòn.
Tuy nhiên, bà Lee cho rằng, điều quan trọng là phải nhìn nhận rằng chưa phải là đã mất hết hy vọng. Được thiết lập qua nhiều năm hợp tác, các khuôn khổ thể chế hóa vẫn cho thấy sức mạnh bền bỉ. Giới quan sát nhận định, các FTA tạo ra tác động lâu dài và tiếp tục là trụ cột của quan hệ kinh tế.
"FTA mang lại tính liên tục trong bối cảnh thương mại đầy biến động bằng cách thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn rõ ràng. Khi các cam kết từ những hiệp định này lan tỏa sang nhiều quốc gia, sự hài hòa về quy định giúp củng cố hợp tác kinh tế", chuyên gia này nói.
Ảnh hưởng sâu rộng của các FTA được minh chứng rõ qua USSFTA. Nhiều quy định cốt lõi trong hiệp định như về chính sách cạnh tranh đã được lặp lại trong các hiệp định song phương sau này của Mỹ cũng như trong các hiệp định thương mại khu vực quy mô lớn. Các cam kết chung về chính sách cạnh tranh góp phần tạo nên môi trường pháp lý an toàn và dễ dự đoán cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, các điều khoản thúc đẩy thương mại điện tử được đưa vào USSFTA nay đã trở thành chuẩn mực cơ bản cho quy định về thương mại số trong các FTAs. Các hiệp định mới hơn đều phát triển từ nền tảng này, mở rộng phạm vi cam kết sang các vấn đề mới như dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và an ninh mạng.
Các khuôn khổ thể chế hóa được thiết lập thông qua FTA cũng tiếp tục duy trì tính nguyên vẹn, đảm bảo các kênh hợp tác ổn định và cởi mở.
Luật Cạnh tranh Singapore năm 2004, được ban hành nhằm thực hiện nghĩa vụ theo USSFTA, cho thấy cách mà một FTA có thể để lại tác động dài hạn đến khung pháp lý và chính sách trong nước.
Những hệ quả từ các khuôn khổ thể chế hóa lâu dài này là rất sâu sắc khi quan hệ thương mại và đầu tư đã được gắn kết bền chặt. Các khuôn khổ thể chế hóa hiện có đã vượt qua thử thách của thời gian, trở thành nền tảng vững chắc cho quan hệ kinh tế mạnh mẽ.
Đồng quan điểm, ông Paul Cheung, Giám đốc ACI nhận định, FTA tiếp tục là công cụ được ưa chuộng để thúc đẩy hội nhập kinh tế. Nhiều hiệp định đang được nâng cấp nhằm đáp ứng các ưu tiên thương mại mới, như gỡ bỏ rào cản phi thuế và tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng.
Bản nâng cấp của Khu vực Thương mại Tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) đã chính thức có hiệu lực từ tháng 4 năm nay, trong khi phiên bản nâng cấp của Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) dự kiến sẽ được hoàn tất vào tháng 10/2025. Hiệp định thương mại giữa Singapore và Liên minh Thái Bình Dương – khối gồm Chile, Colombia, Mexico và Peru, đại diện cho nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới – cũng đã có hiệu lực với ba trong số năm nước ký kết.
Ông Cheung cũng chỉ ra, các hình thức hợp tác thể chế mới cũng đang xuất hiện để bổ sung cho các FTAs truyền thống. Các Hiệp định Kinh tế số (DEA), với mục tiêu thiết lập các quy tắc tiêu chuẩn cao cho thương mại số, đang dần trở thành công cụ then chốt trong hội nhập kinh tế.
Hiệp định Kinh tế số đầu tiên trên thế giới như DEPA (Hiệp định Đối tác Kinh tế Số) được ký năm 2020, vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm rộng rãi. Tính đến tháng 7 năm 2025, đã có bảy quốc gia (gồm Trung Quốc, Canada, Costa Rica, Peru, UAE, El Salvador và Ukraine) nộp đơn xin tham gia DEPA.
Singapore và Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA) cũng vừa hoàn tất đàm phán một DEA vào đầu tháng này. Các cuộc đàm phán cho Hiệp định Khung Kinh tế số ASEAN, dự kiến là hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới được kỳ vọng sẽ hoàn tất trước cuối năm nay.
Các chuyên gia đánh giá, những nỗ lực nâng cấp FTA hiện có và đàm phán các DEA mới phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về các khung thể chế hướng đến tương lai, phù hợp với thực tế kinh tế đang thay đổi.
Đặc biệt, các quốc gia đang tìm kiếm các cơ chế thể chế để điều tiết nền kinh tế số đang bùng nổ. Một hệ thống quản trị thương mại số chặt chẽ sẽ giúp các nước tận dụng hiệu quả những cơ hội tăng trưởng mới trong thương mại số, nơi mà hơn hai phần ba giá trị mới trong thập kỷ tới dự kiến sẽ đến từ các nền tảng số.
Thay vì từ bỏ các khuôn khổ thể chế, các quốc gia đang nỗ lực làm sâu sắc và hiện đại hóa. Những hiệp định thế hệ mới tiếp tục lồng ghép các cam kết pháp lý, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn và củng cố hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên luật lệ.
Hơn nữa, các quốc gia vẫn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại bất chấp việc Mỹ hiện không tham gia. Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước còn lại không hủy bỏ hiệp định mà tiếp tục thúc đẩy với tên gọi CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). CPTPP hiện là một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), mà Mỹ cũng không tham gia.
Những rủi ro trong một thế giới thương mại đang thay đổi là có thật và sâu sắc, nhưng sự gắn bó lâu dài với các khuôn khổ hợp tác thể chế hóa vẫn là lực lượng ổn định then chốt giúp duy trì hệ thống thương mại toàn cầu.