Sổ tay khởi nghiệp

“Gắn” doanh nghiệp với giáo dục khởi nghiệp

Thanh Hương 17/05/2025 8:50

Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn khoảng cách cần thu hẹp.

7.jpg
Thực hành nhóm trong Khóa đào tạo các cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở trường Đại học Hùng Vương do Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia – Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp thực hiện.

Đã có nhiều trường học chủ động “mời” doanh nghiệp cùng tham gia quản trị một phần hoạt động đào tạo, ươm tạo khởi nghiệp – thông qua các trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm, quỹ đầu tư chung. Sự thiếu đồng hành của doanh nghiệp trong các quá trình trên dẫn đến việc chưa hình thành một hệ sinh thái mà ở đó nhà trường và doanh nghiệp coi nhau là đối tác chiến lược.

Nhìn ra thế giới

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xây dựng được những mô hình gắn kết chặt chẽ giáo dục – doanh nghiệp trong khởi nghiệp và đào tạo kỹ năng doanh nhân. Mô hình “Dual System” của Đức chính là hệ thống đào tạo nghề kết hợp song song giữa nhà trường và doanh nghiệp, được coi là nhân tố chính tạo nên lực lượng lao động tay nghề cao và tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên Đức.

Mô hình đã thu hút sự tham gia toàn diện của doanh nghiệp vào đào tạo (từ xây dựng chương trình đến đánh giá kết quả) tạo nên nguồn nhân lực có tư duy khởi nghiệp và kỹ năng thực tiễn vững.

Còn Israel nổi tiếng với văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ và sự gắn kết cao giữa các viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp., Israel đã khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật, nhiều trường trung học có chương trình ươm tạo ý tưởng khoa học trẻ. Ở bậc đại học, các trung tâm chuyển giao công nghệ (TTO) của trường như Technion, Hebrew University hoạt động rất hiệu quả, biến các sáng chế trong phòng thí nghiệm thành startup.

Chính phủ Israel còn thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp ngay trong trường đại học, giúp sinh viên tiếp cận vốn dễ dàng để khởi sự doanh nghiệp công nghệ.

Hợp tác viện trường – doanh nghiệp tại Hoa Kỳ - là quê hương của các trường đại học khởi nghiệp hàng đầu thế giới như Stanford, MIT, UC Berkeley… Mô hình ở Mỹ khá đa dạng nhưng đều có quan hệ mật thiết giữa trường đại học và doanh nghiệp/nhà đầu tư.

Các trường đều có vườn ươm khởi nghiệp (incubator, accelerator) nằm ngay trong campus, nơi sinh viên có thể phát triển dự án với sự cố vấn của giảng viên và doanh nhân, đồng thời kết nối đến mạng lưới nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon, Boston…. Nhiều trường thành lập quỹ đầu tư thiên thần do cựu sinh viên đóng góp để rót vốn cho dự án của sinh viên hiện tại (ví dụ: quỹ Dorm Room Fund).

Thách thức tại Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5.635 là số dự án khởi nghiệp trung bình mỗi năm của sinh viên giai đoạn 2020–2024 (tổng cộng ~33.808 dự án). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khởi nghiệp/thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đã có thời điểm đạt 8%, tăng gấp 4 lần so với năm 2014 (chỉ ~2%).

Đến năm 2024, đã có 43,5% (100/230) trường đại học thành lập được Trung tâm hoặc bộ phận hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, tạo đầu mối kết nối giữa nhà trường với mạng lưới cố vấn, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Nhiều trường đã tích hợp chức năng hỗ trợ khởi nghiệp vào các phòng ban hiện có hoặc thành lập các vườn ươm tạo ngay trong khuôn viên. 58% cơ sở giáo dục đại học đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình chính khóa (bắt buộc hoặc tự chọn, tối thiểu 2 tín chỉ).

Tuy nhiên, cần nhìn thẳng vào các nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hạn chế trong phối hợp giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp thời gian qua. TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã chỉ ra một số hạn chế. Nguyên nhân lớn là khung pháp lý hiện hành cho liên kết trường – doanh nghiệp trong hoạt động khởi nghiệp còn thiếu đồng bộ và động lực. Trường học công lập bị ràng buộc bởi các quy định về quản lý tài sản, tài chính, dẫn tới e ngại trong hợp tác với doanh nghiệp (sợ sai quy chế, thanh tra…). Trong khi đó, doanh nghiệp chưa có động lực đủ mạnh (về thuế, thương hiệu hay lợi ích khác) để đầu tư thời gian, nguồn lực vào hoạt động tại trường.

Mặt khác, truyền thống giáo dục Việt Nam vốn coi trường học là nơi truyền thụ kiến thức hàn lâm, còn doanh nghiệp lo chuyện kinh doanh – sự tách biệt này ăn sâu. Nhiều nhà quản lý giáo dục vẫn chưa cởi mở mời gọi doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, lo ngại doanh nghiệp can thiệp làm giảm chất lượng học thuật.

Hợp tác giữa trường và doanh nghiệp chủ yếu dừng ở các đợt thực tập ngắn, chưa đi vào đồng thiết kế chương trình hay nghiên cứu chung dài hạn. Sinh viên do đó chưa được chuẩn bị đầy đủ kỹ năng khởi nghiệp (quản trị, marketing, gọi vốn…) trong quá trình học, khiến doanh nghiệp khó tương tác với các dự án của sinh viên một cách chuyên nghiệp. Nhận diện đúng các nguyên nhân này sẽ giúp đề ra giải pháp trúng hơn trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Gắn” doanh nghiệp với giáo dục khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO