Khởi nghiệp

Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước

Ngọc Tú 13/01/2025 22:49

Văn hóa khởi nghiệp sáng tạo nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đối mặt với rủi ro để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo.

van-hoa-doanh-nghiep-starup.jpg

Tại Hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hình thành hệ sinh thái cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TPHCM, gần 900 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Việt Nam có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.

Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Nghị quyết xác định các nhóm quan điểm chỉ đạo. Trong đó, Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Điểm mới cũng xác định rõ vai trò "là động lực chính", gắn kết phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với đổi mới phương thức quản trị quốc gia, xem khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là công cụ quan trọng để thực hiện "đổi mới" theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia.

Nghị quyết đề ra một số nhóm mục tiêu từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử...; yêu cầu tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Để văn hóa khởi nghiệp sáng tạo phát triển bền vững, yếu tố an toàn và bảo mật cần được đặt lên hàng đầu. Một không gian mạng an toàn, nơi dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ, sẽ là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng những quy tắc ứng xử lành mạnh trên không gian số, nơi các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc được giữ gìn và phát huy, tránh những tác động tiêu cực từ công nghệ đến xã hội.

Thủ tướng từng khẳng định, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững đất nước; vừa có thời cơ, thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức, điều quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển đất nước.

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng phát triển nhanh và bền vững của các quốc gia, nhất là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định "Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh", "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số".

Xây dựng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là hành trình khơi dậy khát vọng, lan tỏa cảm hứng và kiến tạo tương lai. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa tư duy đổi mới, chính sách hỗ trợ, công nghệ hiện đại và tinh thần dấn thân của con người Việt Nam.

Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể viết nên một chương mới, nơi văn hóa khởi nghiệp sáng tạo trở thành ngọn lửa thắp sáng những thành công rực rỡ, đưa đất nước vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO