"Gạn đục khơi trong" để tìm cán bộ cho Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước

Thanh Hà 12/03/2018 22:02

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ của Uỷ ban cần "gạn đục khơi trong" để tìm người, vì thành hay bại đều từ công tác cán bộ mà ra, quyết định tính hiệu quả trong hoạt động của Uỷ ban.

Ngày 12/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ cấu, nhiệm vụ của Uỷ ban này, trình Chính phủ cho ý kiến.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Hành lang pháp lý riêng cho “siêu ủy ban”

    Hành lang pháp lý riêng cho “siêu ủy ban”

    06:06, 25/02/2018

  • Tách chức năng quản lý vốn Nhà nước, đưa về “siêu Ủy ban”

    15:28, 12/02/2018

  • Chân dung Chủ tịch “siêu Ủy ban” quản lý 5 triệu tỷ đồng

    05:28, 10/02/2018

  • Chính thức thành lập “siêu uỷ ban” quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

    13:30, 05/02/2018

Qua rà soát lại cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của các bộ để xây dựng Nghị định, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết sẽ có 5 bộ không tiếp tục duy trì Vụ Đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Riêng Bộ Xây dựng sẽ vẫn giữ lại Vụ Quản lý doanh nghiệp vì Bộ Xây dựng không có doanh nghiệp nào chuyển giao về Uỷ ban.

Tuy nhiên, Vụ này cũng chỉ tồn tại cho đến khi Bộ Xây dựng hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt và chuyển đại diện chủ sở hữu Nhà nước về SCIC.

Một nội dung quan trọng được Tổ công tác tập trung thảo luận là lựa chọn nhân sự, cán bộ cho Uỷ ban trong thời gian tới. Theo Chủ tịch Uỷ ban Nguyễn Hoàng Anh, công việc này phải được thực hiện minh bạch, bảo đảm tuyển chọn được người tài trong quản lý, phát triển khối tài sản, vốn của Nhà nước trong đầu tư, kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng cho biết Uỷ ban sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về tiêu chí quản lý doanh nghiệp trực thuộc Uỷ ban, quản lý cán bộ trong thời gian tới. “Đây là việc quan trọng, không thể nôn nóng, con người đến đâu thì Uỷ ban sẽ hoạt động đến đấy để bảo đảm hiệu quả nhất”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh công tác cán bộ phải tuân thủ Đề án của Bộ Chính trị về thành lập Uỷ ban là bảo đảm không làm tăng thêm biên chế Nhà nước, đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu nhân sự phải bảo đảm “tác nghiệp được ngay”.

 “Uỷ ban là cơ quan trực tiếp thực thi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nên nhân sự phải đảm đương nhiệm vụ được ngay là rất quan trọng, để công việc không bị đình trệ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Do vậy, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu các bộ, ngành liên quan tập trung, chủ động tuyển chọn, đề xuất lên Chủ tịch Uỷ ban danh sách cán bộ chất lượng cao của bộ, ngành, lĩnh vực để quyết định. 

“Các bộ 'gạn đục khơi trong' để tìm người, vì thành hay bại đều từ công tác cán bộ mà ra. Danh sách cán bộ phải cụ thể, chi tiết về tên tuổi, nghiệp vụ, năng lực. Làm minh bạch ngay từ đầu càng tốt cho Uỷ ban về sau”, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ nhấn mạnh.

Trên cơ sở cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Uỷ ban xây dựng Đề án tuyển chọn cán bộ công chức, gắn với vị trí việc làm. Trước mắt, với các chức danh Phó Chủ tịch Uỷ ban, Phó Thủ tướng đưa ra yêu cầu mỗi Phó Chủ tịch có chuyên môn sâu ở mỗi lĩnh vực tương ứng và phải được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Uỷ ban và Tổ giúp việc tính toán định hướng thành lập các cơ quan, đoàn thể trực thuộc Uỷ ban để nhanh chóng hoàn thiện bộ máy.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập theo Nghị quyết 09/NQ-CP có chức năng “đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Ủy ban chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hiệu quả sử dụng tài sản và vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chịu sự giám sát của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban. Trong đó có ba vấn đề quyết định hoạt động của Ủy ban thứ nhất, cơ cấu tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu năng. Thứ hai, đội ngũ công chức chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn cao. Thứ ba, hệ thống xử lý thông tin hiện đại để cập nhật và xử lý kịp thời, đưa ra quyết định tối ưu.

Theo báo cáo từ Bộ Tài Chính, trong số 21 tập đoàn, tổng công ty dự kiến chuyển giao về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có báo cáo sơ bộ về tổng tài sản, nắm giữ vốn Nhà nước thì tới nay đã có 20 tập đoàn, tổng công ty đã có báo cáo sơ bộ (chưa có báo cáo quyết toán...), còn 1 doanh nghiệp là SCIC chưa có báo cáo. Tổng tài sản của 20 tập đoàn, tổng công ty này là trên 1,6 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu Nhà nước là khoảng 800.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Gạn đục khơi trong" để tìm cán bộ cho Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO