Gặp khó khi đưa thương hiệu ô tô mới vào sản xuất lắp ráp

TRẦN THỦY 04/07/2024 04:16

Các doanh nghiệp muốn chuyển một thương hiệu ô tô mới, từ nhập khẩu nguyên chiếc sang sản xuất lắp ráp trong nước, nhưng gặp khó ngay từ ban đầu.

Gặp khó vì thuế nhập khẩu linh kiện

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, năm 2023 Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 2,835 tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô từ nước ngoài. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là từ Trung Quốc, tiếp đến là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hiện tại nhập khẩu linh kiện ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế 0% (theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN), còn từ các khu vực khác vẫn phải chịu thuế nhập khẩu.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, từ đầu năm 2018 Chính phủ đã ban hành Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện. Theo đó, những linh kiện ô tô trong nước chưa sản xuất được, nhập khẩu từ khu vực ngoài ASEAN, sẽ được hưởng ưu đãi thuế suất 0%, với điều kiện những mẫu xe tham gia chương trình này phải đạt được sản lượng nhất định theo quy định.

 Dự án nhà máy ô tô Thành Công- Việt Hưng tại Quảng Ninh

Dự án nhà máy ô tô Thành Công- Việt Hưng tại Quảng Ninh.


Theo quy định tại Nghị định số 26/2023/NĐ-CP, với ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu từ 9 chỗ ngồi trở xuống, tham gia chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện từ năm 2023, phải đạt sản lượng chung tối thiểu kỳ xét ưu đãi 6 tháng là 11.500 chiếc và sản lượng riêng một mẫu xe là 4.500 chiếc; với kỳ 12 tháng sản lượng chung tối thiểu phải đạt là 23.000 chiếc và sản lượng riêng một mẫu xe là 9.000 chiếc. Việc chọn kỳ xét ưu đãi 6 tháng hay 12 tháng, tùy thuộc vào các doanh nghiệp.

Thời gian qua một loạt các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt được sản lượng theo quy định, đã được hoàn thuế, giúp giảm chi phí, hạ giá thành.
Tuy nhiên, với những thương hiệu xe mới, doanh nghiệp muốn chuyển từ nhập khẩu nguyên chiếc sang sản xuất lắp ráp trong nước, không dễ gì đạt được sản lượng theo quy định để được hưởng ưu đãi.

Đại diện Công ty TC Motor cho biết, chuẩn bị đưa thương hiệu ô tô Skoda vào sản xuất lắp ráp tại nhà máy ở Quảng Ninh, Việt Nam. Đây là dòng xe của châu Âu, linh kiện chủ yếu nhập khẩu từ châu Âu. Nhưng Skoda lại là thương hiệu mới, còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam, nên không dễ gì đạt được ngay sản lượng theo quy định, để được hưởng ưu đãi thuế.

Trong khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Liên minh châu Âu (EU) về Việt Nam ngày càng giảm, tới năm 2025 chỉ còn từ 30-35% thì việc chuyển một thương hiệu châu Âu, từ nhập khẩu sang sản xuất lắp ráp trong nước, là nỗ lực lớn của doanh nghiệp, nhưng lại gặp khó ngay từ ban đầu.

Quan điểm trái ngược

Theo tính toán của các doanh nghiệp, với một mẫu SUV hạng C, phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện 1.500 USD (tương đương với 36 triệu đồng), rồi lại bị thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đánh chồng lên, cộng vào lên tới gần 50 triệu đồng/xe, so với những đối thủ cùng phân khúc được ưu đãi. Số tiền thuế nhập khẩu linh kiện nộp càng nhiều, càng đẩy giá xe tăng cao, vì thế sẽ khó cạnh tranh, nên rủi ro rất cao.

Ngay từ năm 2018, VAMA đã kiến nghị bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện cho tất cả các nhà sản xuất ô tô mà không gắn với điều kiện về sản lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất lắp trong nước.

xxx

Các doanh nghiệp muốn chuyển một thương hiệu ô tô mới, từ nhập khẩu nguyên chiếc sang sản xuất lắp ráp trong nước, nhưng gặp khó ngay từ ban đầu. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, Bộ Tài chính có quan điểm ngược lại, cho rằng giảm thuế nhập khẩu linh kiện mà không gắn với yêu cầu về sản lượng thì khó duy trì được ngành công nghiệp ô tô. Chương trình yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết, để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia phải đầu tư và nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe.

Các doanh nghiệp mong muốn có sự hỗ trợ để đưa những mẫu xe mới, thương hiệu xe mới vào sản xuất lắp ráp tại Việt Nam và đã từng đề xuất lên các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách nào dành cho những trường hợp này. Trong khi đó, ô tô nhập khẩu với giá cạnh tranh ngày càng tràn vào nhiều.

Theo kỹ sư Nguyễn Minh Đồng, quy mô thị trường và sản lượng lớn mới là các yếu tố chủ chốt, quyết định đến nội địa hóa và sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Tại Việt Nam thuế phí quá cao, đẩy giá bán xe tăng cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp, khiến cho quy mô thị trường và sản lượng ô tô tăng rất chậm. Khi thị trường và sản lượng còn chưa đủ lớn, cần có ưu đãi mạnh mẽ cho sản xuất và khuyến khích tiêu dùng. Quy định phải đạt sản lượng tối thiểu mới được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện, không có nhiều ý nghĩa trong việc thúc đẩy nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Có thể bạn quan tâm

  • Công nghiệp ô tô Việt Nam có đón bắt được “cơ hội vàng”?

    Công nghiệp ô tô Việt Nam có đón bắt được “cơ hội vàng”?

    04:46, 30/05/2024

  • Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn

    Sản lượng giảm, công nghiệp ô tô đã khó càng khó hơn

    04:40, 26/01/2024

  • Giương “cờ trắng” trước ô tô nhập khẩu?

    Giương “cờ trắng” trước ô tô nhập khẩu?

    04:21, 20/06/2024

  • Ô tô nhập khẩu ưu đãi lớn, doanh số bán bứt phá

    Ô tô nhập khẩu ưu đãi lớn, doanh số bán bứt phá

    04:43, 08/06/2024

  • Công nghiệp hỗ trợ ô tô đứng trước cơ hội lớn

    Công nghiệp hỗ trợ ô tô đứng trước cơ hội lớn

    00:30, 27/06/2024

  • Nhận nhiều ưu đãi, ô tô Trung Quốc ôm tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam

    Nhận nhiều ưu đãi, ô tô Trung Quốc ôm tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam

    04:12, 24/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gặp khó khi đưa thương hiệu ô tô mới vào sản xuất lắp ráp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO