Đầu tư

“Gấp rút” hoàn thành các dự án cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Bài và Ảnh: Hương Giang 24/11/2024 00:30

Về cơ bản, tiến độ bàn giao mặt bằng của địa phương đang chậm, song, nhà thầu sẽ dồn lực hoàn thành tất cả các dự án trong nửa đầu tháng 1/2025 để kịp phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Đó là khẳng định của đại diện các chủ đầu tư dự án và cơ quan quản lý tại TPHCM, liên quan tới việc đẩy nhanh tiến độ loạt công trình khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, nhằm mục tiêu về đích vào cuối năm để "giải thoát" cảnh ùn tắc giao thông dịp cao điểm.

sân bay
Khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, liên tục trong tình cảnh ùn tắc giao thông dịp cao điểm.

Khơi thông trước tết

Theo ông Lương Minh Phúc, từ đầu năm đến nay, loạt công trình giải tỏa giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất lần lượt được khởi công và tăng tốc, nhằm mục tiêu về đích dịp cuối năm để "giải thoát" cảng hàng không nhộn nhịp nhất nước khỏi cảnh ùn tắc kéo dài nhiều năm qua.

Đơn cử, tại dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân), dự kiến công trình sẽ thi công khoảng 6 tháng, thông xe vào 31/12 năm nay. Sau khi hoàn thành, cầu Tân Kỳ Tân Quý cùng với đường Tân Kỳ Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng sẽ hình thành trục giao thông thông suốt từ QL1A đến trung tâm TP và Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất. Đây là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay.

Cũng theo ông Phúc, thời gian hoàn thành cầu đã được điều chỉnh lùi tới tháng 1/2025 (trước Tết Nguyên đán). Song, một trong những trở ngại hiện nay là việc di dời lưới điện hạ thế và trạm biến áp chậm tiến độ, do các đơn vị chưa thống nhất hình thức di dời. Bên cạnh đó, đường Tân Kỳ Tân Quý đến nay đã trễ hẹn 1 tháng vẫn chưa hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng.

Đwongf Trần quốc hoàn
Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Cùng với cầu Tân Kỳ Tân Quý và dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, công tác mở rộng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cũng được TCIP liên tục thông tin tăng tốc chạy nước rút, mục tiêu thông xe toàn bộ đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa vào ngày 31/12/2024. Song, kế hoạch này đã "thất bại" do tốc độ giải phóng mặt bằng (GPMB) tại phía các địa phương không đạt yêu cầu. Cụ thể, đến nay toàn dự án đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc. Trong đó, gói thầu hầm chui và hệ thống đường từ Phan Đình Giót đến Thăng Long đã đạt 99% tiến độ. Từ 10/8, hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn đã được thông xe. Các gói thầu lớn khác như cầu vượt trước nhà ga T3 và hệ thống đường giữa tuyến đã hoàn thành từ 75 - 95%. Tuy nhiên, gói thầu số 13 gồm xây dựng đường và vuốt nối mở rộng đường Trường Chinh ở cuối tuyến đang gặp trở ngại về mặt bằng. Từ khi khởi công ngày 30/9/2023, phần đường này mới đạt 65% khối lượng công việc do chưa được bàn giao mặt bằng từ 68 hộ dân.

Tương tự, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng từ nửa năm trước đã thi công di dời hạ tầng kỹ thuật sau khi hoàn tất di dời cây xanh. Q.Tân Bình đã tích cực vận động người dân sớm bàn giao nốt mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành vào cuối năm.

Theo ông Lương Minh Phúc, trong quá trình triển khai các dự án vấn đề khăn nhất hiện nay vẫn là khâu GPMB. Do dó, ngoại trừ dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đã chốt thời gian thông xe vào 30/12 /2024, hầu hết các dự án còn lại đều phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng. Theo đó, nếu Bộ Quốc phòng giao mặt bằng đường Hoàng Hoa Thám trước 30/11/2024 thì chủ đầu tư sẽ kịp thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn - Nhà ga T3 - Hoàng Hoa Thám vào 31/12/2024 như kế hoạch. Đoạn còn lại từ Hoàng Hoa Thám đến cuối tuyến sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán 2025 nếu Q.Tân Bình kịp giao mặt bằng vào 30/11/2024.

"Về cơ bản, tiến độ bàn giao mặt bằng của địa phương đang chậm, mặc dù phía chủ đầu tư và lãnh đạo TP liên tục nhắc nhở, thúc ép từ đầu năm. Nếu Q.Tân Bình giữ đúng lời hứa bàn giao 100% mặt bằng vào 30.11 thì các nhà thầu sẽ dồn lực hoàn thành tất cả các dự án này trong nửa đầu tháng 1/2025 để kịp phục vụ bà con dịp cao điểm Tết Nguyên đán", ông Phúc chia sẻ.

T3- 2
Ông Lê Khắc Hồng - Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng Nhà ga T3: Toàn bộ tiến độ chung của dự án nhà ga T3 đến nay đạt khoảng 75%. Trong đó, phần thô của nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%, vượt tiến độ 15 ngày; xây thô kiến trúc đạt 97%.

Giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông

Liên quan tới tiến độ dự án nhà ga T3 – Sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Khắc Hồng - Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng Nhà ga T3, cho biết tiến độ chung của dự án đến nay đạt khoảng 75%. Trong đó, phần thô của nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%, vượt tiến độ 15 ngày; xây thô kiến trúc đạt 97%. Trong tháng 12 tới, chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ các lớp mái và sàn đá nhà ga hành khách. Hạng mục nhà để xe (quy mô 2 tầng hầm, 4 tầng nổi) tiến độ đạt 100% bê tông thô, chỉ còn 5% xây thô kiến trúc, dự kiến hoàn thành vào 30.6 tới. Đặc biệt, phần sân đỗ máy bay đã hoàn thành 100% từ tháng 7, hiện đang tiến hành các thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác.

"Công tác thi công các hạng mục công trình đang được kiểm soát và thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đã đề ra. Chúng tôi đang gấp rút triển khai công tác hoàn thiện kiến trúc, xây dựng, nội thất và lắp đặt trang thiết bị để hoàn thành công trình, đưa vào khai thác vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 30/4/2025, vượt 2 tháng so với kế hoạch", ông Hồng thông tin.

Đánh giá về tiến độ các dự án cửa ngõ sân bat Tân Sơn Nhất, đại diện Sở GTVT TPHCM, nhận định: đường Tân Kỳ Tân Quý là tuyến đường quan trọng kết nối cửa ngõ phía tây bắc TPHCM với sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, việc mở rộng đường này từ đường Bình Long đến Mã Lò đang sắp hoàn thiện, tuy nhiên đoạn còn lại từ Bình Long đến Trường Chinh bị thắt cổ chai, chưa thể mở rộng, kẹt xe triền miên. Hiện nay, đoạn từ Bình Long đến Lê Trọng Tấn chưa lập dự án, mới đang ở bước nghiên cứu đưa vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa đã được thông qua chủ trương đầu tư dự án mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 96 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2026 và hoàn thành trước năm 2030.

Cũng theo Sở GTVT TPHCM, kế hoạch dài hơn, hiện Sở GTVT đang nghiên cứu hệ thống đường trên cao từ QL22 chạy về Trường Chinh, Cộng Hòa nối sang sân bay Tân Sơn Nhất đi về hướng đường Phạm Văn Đồng. Bên cạnh đó, trong quy hoạch TP đã nghiên cứu để điều chỉnh đường sắt đô thị theo hướng từ Gò Vấp qua gần Nhà ga T2 nối qua tuyến metro số 2 trên đường Trường Chinh. Trong tương lai sẽ có mạng lưới đường trên cao, đường sắt đô thị giải quyết giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong thời gian chờ đợi các dự án hoàn chỉnh, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP đang thực hiện một số giải pháp như điều chỉnh giao thông linh hoạt ở cầu vượt thép Hoàng Hoa Thám với thời gian cao điểm sáng và chiều khác nhau; tổ chức giao thông linh hoạt bằng rào kéo di động trên đường Cộng Hòa (tại giao lộ Cộng Hòa - Ấp Bắc, Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý); cải tạo kích thước hình học tại giao lộ Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn và Cộng Hòa - Trường Chinh để tăng khả năng thoát xe qua nút… Song song đó, điều chỉnh, can thiệp thời lượng các tủ tín hiệu giao thông kết nối về trung tâm trên trục đường Cộng Hòa để giải phóng lưu lượng trên tuyến thông qua trung tâm điều khiển. Xây dựng kịch bản chống ùn tắc giao thông để điều tiết linh hoạt bằng đèn tín hiệu giao thông, camera và phối hợp lực lượng điều tiết giao thông, truyền thông để xử lý khi xảy ra ùn tắc giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Gấp rút” hoàn thành các dự án cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO