GAS được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch điện khí LNG tại Việt Nam, khi là đơn vị cung cấp khí LNG nhập khẩu và phát triển các cơ sở hạ tầng liên quan.
>>>“Lực đẩy” cho GAS
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 45.257 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của GAS đạt hơn 9.185 tỷ đồng, giảm hơn 23,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của GAS tăng mạnh gần 77% so với cùng kỳ, lên hơn 1.134 tỷ đồng, chủ yếu là đến từ lãi tiền gửi với hơn 1.033 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động tài chính lại giảm hơn 44% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 170 tỷ đồng. Các chi phí khác như: Chi phí quản lý doanh nghiệp và Chi phí bán hàng lần lượt là gần 733 tỷ đồng và hơn 1.182 tỷ đồng, lần lượt tăng 39% và 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, GAS ghi nhận khoản lợi nhuận khác giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 22 tỷ đồng. Kết quả, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế bán niên của GAS đạt gần 6.613 tỷ đồng, giảm hơn 23,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm này chủ yếu xuất phát từ giá bán trung bình giảm (do khủng hoảng năng lượng qua đi trong khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại) và sự cạnh tranh gay gắt từ nhiệt điện than khi tình trạng thiếu hụt nguồn cung than nguyên liệu trên toàn quốc được cải thiện từ đầu năm 2023.
Hiện GAS đang sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi lớn nhất trong số 21 doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD trên thị trường Chứng khoán Việt Nam, với 40.767 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,7 tỷ USD và chiếm 46% tổng tài sản. Con số này, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với cuối quý I/2023. Đây cũng là khoản tiền đã mang về cho GAS 1.033 tỷ đồng tiền lãi sau 6 tháng đầu năm.
Đánh giá về kết quả kinh doanh của GAS, Chứng khoán MBS cho rằng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GAS trong nửa đầu năm 2023 đã lần lượt đạt 59% và 101% kế hoạch doanh nghiệp đặt ra trong năm 2023. Tuy nhiên, MBS lưu ý rằng, GAS thường ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế thực hiện cao hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra, đồng thời, kịch bản đưa ra trong dự phóng doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2023 khá thận trọng khi cho rằng, giá dầu Brent chỉ đạt 70 USD/thùng, nhưng trên thực tế, giá dầu trung bình trong quý II/2023 đạt 78 USD/thùng.
Nhận định về triển vọng của GAS, MBS cho biết, theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, tổng công suất điện khí LNG sẽ là 22.400 MW tương đương 14,9% tổng công suất nguồn điện của cả nước. Xu hướng chuyển dịch sang điện khí LNG sẽ giúp GAS hưởng lợi nhờ tiên phong cung cấp LNG cho các khách hàng điện khí và công nghiệp và phát triển các cơ sở hạ tầng liên quan.
Tuy nhiên, tiềm năng khí còn lại của Việt Nam không còn nhiều, các mỏ khí chủ lực đã và đang trong giai đoạn suy giảm tự nhiên. Theo Báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của PVN, mỏ khí lớn nhất ở Lô 06.1 bể khí Nam Côn Sơn đã suy giảm từ mức 2,1 tỷ m3 năm 2021 xuống còn 0,9 tỷ m3 năm 2023 và có khả năng phải tạm dừng khai thác vào năm 2024.
Bên cạnh đó, việc khai thác các mỏ khí lớn như Lô B và Cá Voi Xanh chưa thể được thực hiện trong ngắn hạn, do đó việc GAS phải tiến hành nhập khẩu LNG nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy điện khí là tất yếu.
“Mặc dù quá trình chuyển dịch LNG sẽ được hỗ trợ một phần bởi tình hình giá LNG châu Á diễn biến thuận lợi, chúng tôi cho rằng hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vòng tròn đàm phán giá điện – đàm phán giá khí của các nhà máy điện khí, ảnh hưởng tới khả năng ký hợp đồng mua LNG dài hạn của GAS”, MBS nhận định.
Về dự án khí – điện Lô B – Ô Môn, MBS cho rằng, đây là dự án quan trọng với GAS vì sẽ giúp bù đắp sản lượng khí giảm sút từ các bể cũ như Cửu Long và Nam Côn Sơn. Với giả định quyết định đầu tư cuối cùng được phê duyệt vào đầu năm 2024, ngày đón dòng khí đầu tiên diễn ra vào cuối 2026 – đầu 2027 theo kịch bản tích cực, MBS dự phóng, sản lượng khí từ Lô B sẽ đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng khí khô sản xuất của GAS trong năm 2027.
MBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GAS trong năm 2023 sẽ lần lượt đạt 91.130 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ và 12.743 tỷ đồng, giảm 15,4% so với cùng kỳ dựa trên các giả định sau:
Thứ nhất, giá dầu thô thế giới được dự báo duy trì quanh mức 83 - 86 USD/thùng trong giai đoạn 2023 - 2024, hỗ trợ giá bán khí không bao tiêu;
Thứ hai, sản lượng khí thương phẩm nửa cuối năm 2023 kỳ vọng ổn định so với đầu năm nhờ sự hồi phục của khách hàng đạm và khách hàng công nghiệp, tuy nhiên nhìn chung doanh thu bán khí khô sụt giảm svck do sản lượng khí vào bờ thấp hơn và giá dầu giảm từ mức đỉnh năm 2022.
Thứ ba, sản lượng từ bể Cửu Long (giá đầu vào thấp hơn các bể còn lại) suy giảm khiến biên lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ; Và cuối cùng là, giá LNG tại khu vực châu Á duy trì ở mức thấp, khoảng 13 USD/mmBtu trong giai đoạn 2023 - 2024, thuận lợi cho việc nhập khẩu LNG của GAS.
Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán này cũng chỉ ra một số rủi ro đầu tư đối với GAS như: Sản lượng khí đầu vào và đầu ra thấp hơn dự kiến; Giá bán khí không cao như dự kiến do ảnh hưởng từ giá dầu; Tiến độ đàm phán GSPA, GSA và PPA của chuỗi dự án Lô B – Ô Môn chậm hơn dự kiến.
Có thể bạn quan tâm
PV GAS lần thứ 11 liên tiếp được vinh danh: “Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2023”
17:00, 18/08/2023
PV GAS đẩy mạnh truyền thông bảo vệ an ninh, an toàn hành lang đường ống dẫn khí
12:29, 17/08/2023
PV GAS hưởng ứng Tuần Lễ Văn hóa Dầu khí lần thứ XIV năm 2023
11:51, 15/08/2023
“Lực đẩy” cho GAS
03:00, 19/07/2023
PV GAS công bố và trao quyết định về công tác cán bộ cấp cao
11:00, 16/06/2023