Khoảng cách giàu nghèo ở nước ta đang nới rộng, bẫy thu nhập trung bình hiện hữu. Tính GDP để tăng thêm 500USD/người có ý nghĩa gì?
GDP (Gross Domestic Product) - hay còn gọi là Tổng sản phẩm quốc nội - đó là loại kiến thức phổ thông được dạy trong chương trình địa lý cấp 2. Nhưng bây giờ nó trở nên khá trừu tượng với nhiều người.
Trước khi viết bài này, tôi đã làm khảo sát nhỏ với 5 người, cùng một câu hỏi “Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?”. Không một ai nhớ rõ, phải nhờ Google.
Sau khi Google nói 2.540 USD/ người, nhóm 5 người này bắt đầu cãi nhau, họ bảo gia đình tôi 4 người, hai con nhỏ đi học, lấy đâu ra 2.540x4? Tức là số tiền hơn 238 triệu đồng/năm.
Nhóm này có 3 người là giáo viên, quân nhân, mặc dù được xếp vào hạng ổn định hơn đại đa số nhưng thu nhập chính thức cả năm không thể đạt con số đó. Họ bắt đầu cãi nhau dữ dội hơn, cho dù tất cả đều biết có những người giàu và siêu giàu ở đâu đó đang “chia đều” gánh cho cả xã hội.
Vài năm nay, Việt Nam góp mặt ngày một nhiều trong danh sách tỷ phú đô la do Forbes bình chọn, khối tài sản của các đại gia được “soi” rất kỹ, thậm chí có người đã tính khối tiền như núi của doanh nhân kia nếu tiêu một tỷ đồng/ngày thì phải mất hàng trăm năm mới hết sạch!
Nghịch lý là ai cũng chỉ nhìn về hào quang đó để võ đoán tăng trưởng kinh tế, xã hội giàu lên, nhưng đằng sau đó, có hàng triệu người phá sản, hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể - đồng nghĩa với việc họ không còn đóng góp đáng kể gì cho GDP.
Thật sự, không mấy ai quan tâm đến khái niệm GDP và GDP/đầu người của đất nước, vì điều đó đối với hầu hết là không quan trọng bằng mâm cơm gia đình. Mặc nhiên đối với chính quyền, cơ quan hoạch định chính sách - GDP là biểu số hết sức quan trọng.
Mới đây, Tổng cục Thống kê “tính lại” GDP làm cho dân bỗng dưng…giàu lên gần 500 USD mỗi người và quốc gia có thêm 40 tỷ USD. Số tiền này sao tự dưng có?
Tổng cục Thống kê đã “gom” thêm vài lĩnh vực kinh tế phi chính thức như nuôi lợn, trồng rau, tự tiêu dùng, nhà ở tự có. Tương tự, theo cách tính mới dù chưa công bố chính thức nhưng có thể dự đoán rằng, cơ quan này sẽ tìm thêm những dịch vụ như thế để tính vào GDP.
Có thể bạn quan tâm
13:05, 16/08/2019
14:00, 12/08/2019
GDP có rất nhiều cách tính, bao gồm Phương pháp chi tiêu, Phương pháp giá trị gia tăng, Phương pháp thu nhập…, điểm chung của các phương pháp này là tuân theo công thức định sẵn, rất lý tính.
Ví dụ, phương pháp chi tiêu được tính như sau: “tổng tiêu dùng + đầu tư + chi tiêu chính phủ + cán cân thương mại = GDP”. Chưa biết cách tính mà Tổng cục Thống kê gọi là “mới” như thế nào, nhưng hầu như không thấy “nuôi lợn, trồng rau, tự cung…” - với tư cách là hình thái kinh tế tự nhiên trong những phương pháp phổ biến trên.
Nhà tôi nuôi gà, lợn, trồng rau để tự cung ứng thực phẩm trong cơn bão thực phẩm bẩn tràn lan, tức là tôi không mang hàng hóa đó ra lưu thông trên thị trường để hình thành chuỗi giá trị cho xã hội.
Lúc đó, đóng góp của lĩnh vực kinh tế này là con số 0, trái lại khi tự cung tức là triệt tiêu động lực mua sắm, làm giảm cầu - điều này có hại, bởi vì tổng của những cái giảm cầu đơn lẻ sẽ tạo thành áp lực giảm cầu trong toàn nền kinh tế.
Nói rộng ra, một khi giảm cầu xuất hiện luôn là tín hiệu xấu với tăng trưởng kinh tế, trên lý thuyết sẽ kéo giảm GDP!
Lĩnh vực kinh tế tự cung, tự cấp mà Tổng cục Thống kê muốn tính vào GDP là một đặc điểm của nền kinh tế tự nhiên, phi thị trường - đối lập với kinh tế hàng hóa, thị trường như hiện nay.
Kinh tế thị trường ra đời cùng với sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, tức là khoảng thế kỷ 17, điều đó đồng nghĩa với nền kinh tế tự nhiên tự cung, tự cấp chỉ có từ thế kỷ 17 trở về trước!
Lưu ý rằng: “GDP là [giá trị thị trường] của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong một phạm vi lãnh thổ quốc gia trong thời gian một năm”.
Định nghĩa trên đã thẳng thắn loại bỏ kinh tế tự cung, tự cấp phi thị trường ra khỏi GDP, bởi hàng hóa, dịch vụ phải được gắn vào “giá trị thị trường” mới có cơ sở đưa vào GDP.
Nếu cách tính “mới” ở Việt Nam có thể lượng hóa được lĩnh vực kinh tế phi chính thức cũng là điều đáng hoan nghênh, tuy cái mới luôn rất khó chấp nhận.
Vấn đề khó hơn ở chổ, làm sao để Tổng cục Thống kê nắm hết lĩnh vực kinh tế phi chính thức - thế giới đang nhức đầu tìm cách quản lý.
GDP tăng lên là điều đáng mừng, nhưng bối cảnh Việt Nam hiện nay lo nhiều hơn. Làm sao để người dân cảm nhận được mình vừa có thêm 500USD/năm? Điều đó được mang lại bởi một phép tính hay là mồ hôi nước mắt?
Và vẫn như câu chuyện của tôi và 5 người kia, họ không phải là tầng lớp nghèo khổ, họ không ở dưới đáy xã hội nhưng sao họ không chấp nhận số tiền mình làm ra mà GDP gán cho?
Tầng lớp được xem có “điều kiện” trong xã hội vẫn bị “chia” cho một khoản thu nhập ảo để tạo ra con số bình quân! Còn hàng chục triệu người nghèo ở thành phố, nông thôn, vùng sâu vùng xa hầu như được “cho không biếu không” GDP!?
Kết luận ở đây là: Khoảng cách giàu nghèo ở nước ta đang nới rộng, bẫy thu nhập trung bình hiện hữu. Vậy, tính GDP để tăng thêm 40 tỷ USD và 500USD/người có ý nghĩa gì?