GDP từ góc nhìn chính sách công: (Bài 1) Đánh giá lại GDP trở thành “sự kiện nóng”

PGS. TS. Phạm Quý Thọ - Nguyên trưởng khoa CSC, Học viện CS & PT, Bộ KH & ĐT 04/11/2019 10:58

Về khía cạnh chuyên môn các băn khoăn được đặt ra vì sao một số lượng doanh nghiệp lớn tạo ra gần một phần tư GDP lại chưa được tính vào từ những năm trước.

Hàng năm các tổ chức kinh tế quốc tế có uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) công bố các số liệu GDP của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đối với các nước phát triển có nền kinh tế thị trường hiện đại sự sai lệch giữa số liệu quốc gia với ‘số liệu quốc tế’ hầu như không đáng kể, nhưng đối với các nước kém phát triển kinh tế, các nước có nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường, thì sẽ có sự sai lệch nhất định.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều nguyên nhân cả khách quan hay chủ quan, từ phương pháp tính, cơ sở dữ liệu sơ cấp, nhận thức về nội hàm các khái niệm liên quan… 

Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả ban đầu về việc đánh giá lại GDP theo Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã từng công bố chính thức.

Nghĩa là GDP năm 2017 tăng từ 220 tỷ USD lên 275 tỷ USD. Như vậy, ước tính đến nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD và GDP bình quân đầu người nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD, năng suất lao động cũng tăng cao tương ứng với tỷ lệ tăng GDP khi số lao động không đổi.

Trong một cuộc họp báo ông Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã cho biết rằng với phương pháp tính hiện tại phù hợp với thông lệ quốc tế việc đánh giá lại quy mô GDP lần này được bổ sung thông tin từ Tổng Điều tra, chủ yếu là từ cơ quan thuế, trong đó bao quát thêm khoảng 76.000 doanh nghiệp trước đây chưa được tính.

‘Sự kiện này’ đang tạo lên tranh luận nóng. Chẳng hạn, về khía cạnh chuyên môn các băn khoăn được đặt ra vì sao một số lượng doanh nghiệp lớn tạo ra gần một phần tư GDP lại chưa được tính vào từ những năm trước.

Dù tranh luận có thể tiếp tục với các ý kiến khác biệt, tuy nhiên có thể nhận định rằng Tổng cục Thống kê vẫn bảo vệ quan điểm của mình và số liệu ‘GDP mới’ được công bố sẽ là chính thức. Việc còn lại là cần thận trọng tính các cân đối vĩ mô có liên quan và những đến tác động không nhỏ và nhiều mặt của nó.

Việc trình bày bắt đầu từ nhận định GDP là một thước đo tăng trưởng kinh tế, phạm trù vốn là một thuộc tính thị trường và được sử dụng rộng rãi để xác định quy mô của một nền kinh tế. Chỉ tiêu này luôn được hoàn thiện, và mỗi khi thay đổi do phương pháp tính hoặc bổ sung vào các mô hình lượng hoá, GDP luôn được xem xét một cách thận trọng, liệu nó làm thay đổi quy mô hay tính chất của tăng trưởng kinh tế.

Từ góc nhìn chính sách công, GDP cần được nghiên cứu khách quan để vận dụng phù hợp trong điều kiện chuyển đổi sang kinh tế thị trường nói chung và định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng.

Sau cùng, việc phân tích khái quát GDP gắn với thể chế sẽ là gợi ý làm sâu sắc thêm quan điểm và các giải pháp cải cách thể chế kinh tế ở nước ta hiện nay.

Việt Nam có nền kinh tế chuyển đổi đặc thù từ chế độ kế hoạch hoá tập trung sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tính đặc thù ấy bao trùm lên việc vận dụng các quy luật cũng như công cụ của thị trường, trong đó có thước đo tăng trưởng GDP, vào các điều kiện cụ thể và từng thời kỳ chuyển đổi.

=>> Mời độc giả đón đọc bài 2: GDP – “thước đo” tăng trưởng thuộc kinh tế thị trường

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
GDP từ góc nhìn chính sách công: (Bài 1) Đánh giá lại GDP trở thành “sự kiện nóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO