Gelex thử thách điện mặt trời

Hoàng Yến 10/05/2018 11:11

Tcty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vừa cho biết sẽ đầu tư vào dự án điện mặt trời với quy mô hơn nghìn tỷ đồng.

Dù nhu cầu về điện mặt trời rất lớn, nhưng việc Việt Nam chưa có công nghệ, cộng với thông tin về thị trường này còn mập mờ sẽ là những thách thức lớn đối với Gelex. Gelex cho biết đang hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời có tổng mức đầu tư 1.245 tỷ đồng với công suất 50 MWp. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 70 ha tại tỉnh Ninh Thuận, dự kiến khởi công trong tháng 4/2018 và hoàn thành vào tháng 5/2019. Tổng điện năng sản xuất của nhà máy khoảng 82 triệu kWh/năm.

Sức nóng điện mặt trời

Kể từ tháng 3/2016, khi Thủ tướng ban hành Quyết định 428/QĐ-TTg quy hoạch lượng điện tái tạo theo từng giai đoạn, nhất là từ tháng 4/2017 - ấn định giá bán điện mặt trời ở mức 9,38 Uscents/kWh, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này bắt đầu tăng mạnh. Theo thống kê của các nhà đầu tư trong ngành, hiện có hơn 100 dự án loại này đang xin cấp phép và xây dựng. Không chỉ các doanh nghiệp tư nhân, mà những DNNN và doanh nghiệp nước ngoài cũng không muốn chậm chân trong việc nắm bắt cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Bộ Công thương, dự báo đến năm 2025, khi nhu cầu điện tăng gấp đôi, Việt Nam sẽ cần đầu tư 74 tỷ USD vào các nhà máy năng lượng than, khí gas, gió, mặt trời và thủy điện. Do đó, dư địa phát triển của ngành năng lượng sạch trong giai đoạn tới rất lớn. Hạn mức lượng điện mặt trời đến năm 2020 là 850 MW và 4.000 MW đến năm 2025 (điện tái tạo là gần 10.000 MW).

1.245
tỷ đồng là tổng mức đầu tư của Tcty Thiết bị điện Việt Nam vào nhà máy điện mặt trời có công suất 50 MWp.

Ngoài thuận lợi chung về nhu cầu cao và hạn mức còn nhiều, Gelex còn có lợi thế lớn nhờ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực điện. Gelex là tận đoàn hàng đầu cả nước sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dây và cáp điện, máy biến áp, động cơ điện, máy phát điện, thiết bị đo điện. Đặc biệt, Gelex cũng là đơn vị sản xuất công-tơ hai chiều dùng cho ngành điện mặt trời.

Xin được dự án ở tỉnh Ninh Thuận cũng được xem là “may mắn” của Gelex. Bởi Ninh Thuận và Bình Thuận là hai tỉnh có lượng bức xạ nhiệt và số giờ nắng trung bình cao nhất cả nước, đạt lần lượt 5 kWh/m2 và 4 giờ/ngày. Nhiều chủ đầu tư không xin được dự án tại đây nên phải tìm đến các tỉnh ven biển miền Trung.
Theo các nhà đầu tư ngành này, đầu tư điện mặt trời vào thời điểm này còn có lợi về chi phí đầu tư. Nếu như khoảng 5 năm trước đây, chi phí đầu tư cho mỗi MW tốn khoảng 2-2,5 triệu USD, thì nay chỉ còn khoảng 1 triệu USD, thậm chí thấp hơn. Đây cũng là chi phí đầu tư mà Gelex công bố.

Thách thức của Gelex

Điện mặt trời là lĩnh vực đầu tư mới mà các doanh nghiệp Việt Nam chưa có kinh nghiệm triển khai và hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ. Vì thế, hầu hết các dự án trong nước gần đây đều tìm hướng ra từ việc hợp tác với đối tác nước ngoài với tỷ lệ góp vốn phổ biến là 3-7. Việc triển khai thực hiện dự án dưới hình thức do đối tác nước ngoài làm tổng thầu (EPC). Gelex cũng buộc phải chọn giải pháp này và vô hình trung sẽ phụ thuộc phần nào vào đối tác ngoại.

Về dài hạn, theo ông Nguyễn Đức Anh – Giám đốc Cty VES (Vietnam Eco-Solution) – đơn vị tổng thầu cho một số dự án điện mặt trời tại Việt Nam, các chủ đầu tư sẽ tính đến chuyện bán lại phần vốn cho đối tác nước ngoài khi dự án đã phát điện thương mại. “Thậm chí họ sẽ bán lại nghĩa vụ trong dự án cho ngân hàng như kiểu các Cty bất động sản đang làm, để giải quyết bài toán vốn đầu tư lớn”, ông Đức Anh nhận xét.

Ngoài ra, các dự án phải phát điện thương mại trước tháng 6/2019 mới nhận được các ưu đãi như quy định hiện hành. Sau thời gian này, dự án có thể phải chịu thêm điều chỉnh về chính sách do quy hoạch sản lượng điện thay đổi. Trong khi đó, để thúc đẩy dự án triển khai nhanh, Gelex cần sớm giải quyết tốt bài toán về khả năng thanh toán hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Trong đó, rủi ro trong khoảng thời gian EVN ngừng mua điện để bảo trì lưới điện sẽ gây ra tổn thất khó dự tính trước cho nhà đầu tư.

Rủi ro vận hành cũng là điều khiến Gelex phải lưu tâm khi tham gia vào lĩnh vực mới này. Bởi trước đó, dự án Tuấn Ân có công suất 10 MW tại Khánh Hòa đã bất ngờ bị cháy hàng chục ngàn tấm pin khi chưa lắp đặt. Rủi ro bất ngờ này khiến dự án này có khả năng nối lưới đầu tiên tại Việt Nam đã phải dời lại từ tháng 2/2017 đến nay.

Theo báo cáo mới công bố của Cty nghiên cứu Stoxplus, không có thông tin toàn diện về thách thức lớn với các nhà đầu tư và phát triển dự án năng lượng tái tạo. Thông tin trôi nổi có thể tạo sự nhầm lẫn và do dự cho các nhà đầu tư.

3 phân khúc điện mặt trời

Điện mặt trời hiện được chia làm 3 phân khúc: dự án nối lưới (Solarfarm), dự án thương mại (commercial) và dự án dân dụng (civil).

Dự án nối lưới là các dự án có quy mô lớn, được xây dựng với mục đích bán điện cho EVN trong thời hạn 20 năm. Tính đến hiện tại, Bộ Công thương đã cấp phép hết hạn mức quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 là 850 MW. Hầu hết các dự án có công suất từ 50 MWp trở xuống (cao hơn phải chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Tổng số dự án đã được cấp phép và đang xây dựng ước tính chỉ hơn con số 10 và chưa có dự án nào chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Dự án thương mại và dân dụng phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất ở quy mô công nghiệp, các hộ kinh doanh nhỏ và gia đình. Công suất tại mỗi điểm đấu nối từ 1 MWp trở xuống (mức được xem là dự án cấp tỉnh, chủ đầu tư chỉ cần đăng ký với điện lực tỉnh là có thể triển khai ngay). Theo ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc VES, dự án thương mại và dân dụng sẽ là hai phân khúc phát triển sôi động trong thời gian tới.

Trong vài năm gần đây, đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân và cơ quan nhà nước lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho cơ quan, nhà xưởng riêng. Ông Nguyễn Đức Anh cho biết, làm điện mặt trời thương mại và mái nhà là bài toán đầu tư hấp dẫn. Vốn đầu tư cho phân khúc này không quá lớn nhưng thời gian hoàn vốn nhanh, khoảng 6-7 năm, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) có thể lên đến 25%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gelex thử thách điện mặt trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO