Quản trị

Gen Z cần gì để “sống sót” trong thị trường lao động đầy biến động?

Nguyễn Chuẩn 22/04/2025 10:41

Thế hệ Gen Z tại Việt Nam, dự kiến sẽ chiếm một phần ba lực lượng lao động vào năm 2025, đang buộc phải tái định nghĩa sự nghiệp của mình dưới sức ép của thị trường lao động biến động.

Theo báo cáo “Xu hướng Việc làm Toàn cầu 2023” của LinkedIn, 65% công việc hiện tại sẽ biến mất hoặc thay đổi hoàn toàn vào năm 2035. Trong khi đó, khảo sát của Deloitte (2024) chỉ ra rằng 76% Gen Z Việt Nam lo lắng về khả năng thích nghi với yêu cầu công việc tương lai.

softskill(1).jpg
Thế hệ Gen Z tại Việt Nam cần tái định nghĩa sự nghiệp của mình dưới sức ép của thị trường lao động biến động.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, chuyên gia Lê Cường Thịnh (Nhà huấn luyện doanh nghiệp thuộc tổ chức ActionCOACH) đưa ra lời khuyên: “Sự nghiệp không còn là một đường thẳng tuyến tính, nó là mạng lưới đa chiều, nơi kỹ năng mới là “tiền tệ” quyền lực”.

Lifelong learning - chiến lược sinh tồn

Khái niệm “lifelong learning” (học tập suốt đời) từ lâu bị coi là một tuyên ngôn sáo rỗng, nhưng với Gen Z, đây là phương thức tồn tại. “Thế giới thay đổi nhanh đến mức kiến thức bạn học hôm nay có thể lỗi thời vào ngày mai”, ông Thịnh nhấn mạnh. Minh chứng là sự bùng nổ của AI như ChatGPT, khiến hàng loạt vị trí như kế toán viên, nhân viên nhập liệu, hay thậm chí lập trình viên cơ bản đối mặt nguy cơ bị thay thế.

Vị chuyên gia đưa ra câu chuyện của Trần Đức Anh (25 tuổi, Hải Phòng) , tốt nghiệp ngành truyền thông năm 2021, anh nhận ra kiến thức đại học không đủ để cạnh tranh. Đức Anh tự học Data Analysis qua Coursera, tham gia workshop về Digital Marketing, và hiện làm Remote Content Strategist (sáng tạo nội dung) cho một công ty Đức. “Nếu chỉ dựa vào bằng cấp, tôi đã thất bại ngay từ vòng “gửi xe””, Đức Anh chia sẻ.

Theo báo cáo của Microsoft (2023), 82% lãnh đạo doanh nghiệp tại ASEAN ưu tiên tuyển dụng nhân sự có khả năng “unlearn and relearn” (xóa bỏ kiến thức cũ và học cái mới). Điều này đặt lực lượng lao động trẻ hiện nay trước yêu cầu phải “học như một phản xạ”, không chỉ qua trường lớp, mà qua mọi trải nghiệm: từ thất bại trong dự án, đến va chạm với khách hàng khó tính.

Xây dựng “năng lực lõi”

Trên thực tế, không phải chức danh công việc mà năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm và học nhanh mới là “tài sản” thật sự, theo một nghiên cứu của McKinsey. Chuyên gia Thịnh khẳng định: “Chức danh có thể biến mất sau một đêm, nhưng tư duy phản biện, khả năng hợp tác, hay kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ theo bạn suốt đời”. Đây chính là “năng lực lõi” mà Gen Z cần tích lũy.

lct(1).jpg
Chuyên gia Lê Cường Thịnh - Nhà huấn luyện doanh nghiệp thuộc tổ chức ActionCOACH.

McKinsey cũng dự báo đến năm 2025, Gen Z sẽ chiếm hơn một phần tư lực lượng lao động toàn cầu, với đặc điểm là những “digital natives” có yêu cầu cao về môi trường làm việc linh hoạt và ý nghĩa. Kết quả nghiên cứu của YouNet ECI cũng chỉ ra rằng khi được khai thác đúng cách, Gen Z có thể nâng tổng chi tiêu thương mại điện tử từ 4,5 tỷ USD (2023) lên 20,3 tỷ USD vào năm 2028, minh chứng cho khả năng thích ứng và áp dụng kỹ năng số mạnh mẽ của thế hệ này

Theo chuyên gia Lê Cường Thịnh, Gen Z cần định nghĩa lại “tài sản nghề nghiệp”. Thay vì chạy theo job title (chức danh công việc), hãy đầu tư vào bộ kỹ năng có thể kết hợp linh hoạt. Ví dụ: Kỹ năng bán hàng + Quản lý dữ liệu khách hàng + Lập kế hoạch = Business development. Kỹ năng đào tạo nội bộ + Giao tiếp + Biết dùng công cụ số = HRD. Viết nội dung tốt + Hiểu hành vi khách hàng + Biết dùng AI = Content Creator. Khả năng ngoại ngữ + tư duy logistic = Quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu.

Luôn sẵn “kế hoạch B”

“Khi cửa chính đóng lại, hãy mở cửa sổ và nhớ đừng đặt tất cả trứng vào một giỏ”, ông Thịnh gợi ý. Trên thực tế, bài học tưởng chừng cũ kỹ này lại trở thành nguyên tắc sống còn cho Gen Z trong bối cảnh doanh nghiệp đóng cửa ồ ạt. Ông Thịnh nói thêm: “Hãy luôn có nguồn thu nhập phụ hoặc kỹ năng “tay trái’”.

Theo McKinsey, bối cảnh kinh tế không ngừng biến động hiện nay có thể khiến “kế hoạch B” không còn là lựa chọn, mà là chiến lược giảm thiểu rủi ro. Trong khi đó, theo khảo sát của Advertising Vietnam, Gen Z coi work-life balance (cân bằng giữa công việc và cuộc sống) và đa dạng nguồn thu nhập là ưu tiên hàng đầu, với hơn 60% người tham gia cho rằng họ sẽ tìm kiếm cơ hội khác nếu không đạt được sự linh hoạt mong muốn. Bên cạnh đó, 30% Gen Z kỳ vọng chính sách làm việc linh hoạt trở thành tiêu chuẩn cơ bản tại nơi làm việc

Xu hướng này đang bùng nổ tại Việt Nam. Theo Nielsen (2023), 41% Gen Z có ít nhất hai nguồn thu nhập, từ bán hàng online đến freelance design. Thậm chí, nhiều người xây dựng “personal brand” từ sớm – như trường hợp của Hà My (21 tuổi, Hải Phòng), sinh viên Luật nhưng nổi tiếng trên TikTok với chuỗi video phân tích xu hướng pháp lý, giúp cô nhận hợp đồng cộng tác từ các văn phòng luật.

Nếu sáng mai thức dậy bạn mất đi công việc hiện tại thì bạn còn gì trong tay?. Câu hỏi của chuyên gia Thịnh không nhằm dọa dẫm, mà thức tỉnh Gen Z về một chân lý: trong thế giới VUCA (biến động, không chắc chắn, phức tạp, mơ hồ), sự “an toàn” duy nhất nằm ở khả năng thích nghi. Như Sheryl Sandberg (Cựu COO của Meta) từng nói: “Thứ duy nhất không thể lấy đi khỏi bạn là kỹ năng và tư duy”.

Hãy tưởng tượng sự nghiệp như một cây cầu. Nếu chỉ xây một trụ cột (một kỹ năng chuyên môn), cây cầu dễ sụp đổ. Nhưng khi bạn có nhiều trụ cột (kỹ năng đa dạng, tư duy mở, mạng lưới quan hệ), dù một trụ gãy, cầu vẫn đứng vững. Đã đến lúc ngừng hỏi “Tôi nên làm nghề gì?” mà chuyển sang “Tôi có thể trở thành ai, và cần học những gì để đạt điều đó?”. Câu trả lời sẽ định hình không chỉ sự nghiệp, mà cả cách chúng ta tồn tại trong một thế giới không ngừng đổi thay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gen Z cần gì để “sống sót” trong thị trường lao động đầy biến động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO