Theo Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, có một số nhóm cổ phiếu sẽ chịu tác động tiêu cực, nhưng sẽ có nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá dầu thô thế giới giảm mạnh.
Hai kịch bản cho giá dầu Brent
Theo Yuanta Việt Nam, giá dầu đã xảy ra hai giai đoạn khủng hoảng lớn: Giai đoạn khủng hoảng năm 2008, giá dầu Brent đã mất hơn 74% giá trị tính từ mức đỉnh 140 USD/thùng và giai đoạn khủng hoảng dư cung năm 2014. “Giá dầu Brent vẫn còn đang trong giai đoạn khủng hoảng thừa kéo dài từ năm 2014. Điều đó cộng với dịch bệnh COVID-19 đã khiến giá dầu Brent tiếp tục xác lập mức đáy mới”, Yuanta Việt Nam nhận định.
Yuanta Việt Nam cho rằng sẽ có hai kịch bản cho giá dầu Brent. Thứ nhất, các quốc gia ngừng hút dầu, hoặc nền kinh tế toàn cầu hoạt động trở lại ổn định vào cuối quý 2/2020. Chỉ số Baltic (mức phí cước vận tải biển thế giới) đã giảm về đáy của giai đoạn khủng hoảng năm 2008. Nếu các nền kinh tế lớn dần hoạt động sản xuất trở lại vào cuối quý 2 thì nhu cầu dầu có thể sẽ hồi phục trở lại trong quý 3. Theo đó, giá dầu Brent cân bằng và tạo đáy tại vùng 16,04 USD – 16,37 USD/thùng. Sau đó, giá dầu Brent có thể tăng về mức 49,65 USD/thùng.
Thứ hai, trường hợp các quốc gia tiếp tục duy trì sản xuất dầu nhằm giữ thị phần. Khi đó, giá dầu Brent có thể tiếp tục giảm thêm 50% so với giá trị hiện tại ngày 24/04/2020, tức là giá dầu Brent có thể sẽ giảm về vùng giá 9 – 10 USD/thùng.
“Xét trên mô hình giá, chúng tôi cho rằng, giá dầu Brent đã kết thúc chu kỳ giảm từ năm 2014 tại vùng giá 16,04 USD – 16,37 USD/thùng. Do đó, chúng tôi nghiêng nhiều hơn ở kịch bản 1 có thể xảy ra”, Yuanta Việt Nam nhận định.
Nhóm cổ phiếu bị tác động tiêu cực
Theo Yuanta Việt Nam, việc giá dầu giảm khiến hai ngành chịu tác động tiêu cực chính là sản xuất và dịch vụ dầu khí và ngành cao su. Cụ thể, với ngành sản xuất và dịch vụ dầu khí, giá dầu giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực tới triển vọng dài hạn của các doanh nghiệp xây lắp dầu khí như PVD, PVS, tuy nhiên triển vọng ngắn hạn chịu ít tác động do các công ty này có các hợp đồng đã ký kết cho năm 2020 nên khối lượng công việc sẽ không có nhiều sự thay đổi.
Đối với các doanh nghiệp như PLX, OIL, BSR sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn, bởi khi giá dầu giảm đột ngột sẽ khiến cho các doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng cho hàng tồn kho, bên cạnh đó sản lượng cũng sụt giảm do ảnh hưởng của các biện pháp cách ly xã hội. Đối với PVT, nhu cầu nhập khẩu dầu của các nhà máy lọc dầu giảm do lượng hàng tồn kho ở mức cao cũng sẽ tác tới doanh thu. Bên cạnh đó, quyết định cắt giảm sản lượng của các nước trong OPEC+ sẽ khiến cho giá cước vận tải giảm.
Với ngành cao su, giá cao su thiên nhiên có quan hệ mật thiết với giá dầu, giá dầu giảm sẽ kéo theo giá cao su giảm. Các cổ phiếu như DPR, TRC, DRI sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do giá cao su giảm, trong khi PHR có nguồn thu từ chuyển nhượng đất nên sẽ hạn chế phần nào tác động của giá cao su vào kết quả kinh doanh.
Nhóm cổ phiếu được hưởng lợi
Theo Yuanta Việt Nam, các nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá dầu giảm gồm sản xuất và chế biển thủy sản; Nhiệt điện khí; Săm lốp; Phân bó; Ngành nhựa; Vận tải; Hóa chất.
Đối với ngành phân bón, giá khí đầu vào được tính theo công thức: 46% giá dầu FO + thuế và các chi phí cố định khác. Giá dầu giảm sẽ kéo theo giá khí giảm, tuy nhiên một số mỏ áp dụng mức giá sàn (không tiết lộ mức giá sàn cụ thể). Do đó, mức độ tác động chỉ vừa phải. Các cổ phiếu hưởng lợi là DCM, DPM.
Với ngành nhựa, nguyên liệu nhựa chiếm khoảng 60% trong cơ cấu chi phí của các công ty sản xuất ống nhựa, bao bì nhựa. Giá dầu giảm sẽ kéo theo giá hạt nhựa giảm và giúp cho các doanh nghiệp này cải thiện biên lợi nhuận gộp. Các cổ phiếu hưởng lợi là BMP, NTP, AAA.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 22/04/2020
09:00, 06/04/2020
11:36, 09/03/2020
13:57, 04/03/2020
11:00, 12/02/2020
Đối với ngành vận tải, các cổ phiếu hưởng lợi là VTP, SKG, VJC, HVN, VNS. Bởi vì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 20% chi phí giá vốn của VTP, giá xăng dầu giảm sẽ làm tăng biên lợi nhuận gộp của VTP. Đối với SKG, chi phí nhiên liệu là dầu DO chiếm 50% chi phí hoạt động và có tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp hàng không, chi phí nhiên liệu chiếm trung bình khoảng 40% tổng chi phí.
Với ngành hóa chất, cổ phiếu hưởng lợi là PLC. Bởi các sản phẩm của PLC chủ yếu là dầu mỡ nhờn, nhựa đường và hóa chất. Nguyên liệu đầu vào của PLC là các sản phẩm từ quá trình chưng cất và lọc từ dầu thô, chiếm khoảng gần 60% tổng chi phí. Bên cạnh hưởng lợi từ giá dầu xuống thấp, PLC còn hưởng lợi từ quyết sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ.
Đối với ngành sản xuất và chế biến thủy sản, các doanh nghiệp thủy sản đều xuất khẩu phần lớn các sản phẩm của mình, chi phí vận chuyển chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu chi phí. Giá dầu giảm sẽ giúp cho các doanh nghiệp này tiết kiệm chi phí vận chuyển. Các cổ phiếu hưởng lợi là VHC, FMC, MPC, ANV.
Với ngành nhiệt điện khí, các doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi từ phần điện năng bán trên thị trường cạnh tranh (chiếm khoảng 20% sản lượng điện thương phẩm). Các cổ phiếu hưởng lợi là POW, NT2, nhưng rất hạn chế.
Với ngành săm lốp, giá cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên có quan hệ mật thiết với giá dầu. Giá dầu giảm sẽ kéo theo giá cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên (chiếm trên 40% cơ cấu nguyên vật liệu) giảm, ngoài ra các phụ gia, hóa chất (chiếm 17% cơ cấu nguyên vật liệu) trong quá trình sản xuất săm lốp cũng giảm theo. Các cổ phiếu hưởng lợi là DRC, CSM.
Do Yuanta Việt Nam nghiêng về kịch bản 1, do đó các nhà đầu tư nên hạn chế bán ra ở nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu. Đối với các nhóm chịu tác động tích cực từ giá dầu thì có thể tiếp tục chú ý các nhóm này vì kết quả kinh doanh quý 2 có thể sẽ còn khả quan.