Dịch bệnh được kiểm soát cùng với giá heo hơi neo cao đã kéo lợi nhuận của “ông lớn” ngành chăn nuôi Dabaco lên cao nhất lịch sử hoạt động.
Theo đó, Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.609 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn trong kỳ giảm 4% so với cùng kỳ, nên lợi nhuận gộp của “ông lớn” ngành chăn nuôi này tăng mạnh 134% so với cùng kỳ, lên 817 tỷ đồng.
Trong kỳ này, doanh thu từ hoạt động tài chính của DBC cũng tăng mạnh 164% so với cùng kỳ năm trước, lên 19 tỷ đồng. Mặc dù, các chi phí của doanh nghiệp trong kỳ đều tăng so với cùng kỳ như chi phí tài chính tăng 36%, chi phí bán hàng tăng 18% và chi phí quản lý tăng 11%, nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 508 tỷ đồng, tăng mạnh 600% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp ngành chăn nuôi này. Với mức lợi nhuận đột biến này, DBC đã hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2025.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tăng đột biến là nhờ tình hình dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát, người chăn nuôi và bản thân DBC đã đẩy mạnh tái đàn. Bên cạnh đó, giá heo hơi quý I/2025 ở mức trung bình trên 70.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ tới 40%. Ngoài ra, một số lĩnh vực cũng được cải thiện để tăng lợi nhuận, như mảng dầu thực vật.
Đáng chú ý, vào cuối tháng 3/2025 vừa qua, DBC đã công bố thương mại vaccine Dacovac-ASF2 phòng dịch tả lợn châu Phi (ASF), đồng thời khánh thành nhà máy sản xuất vaccine Dacovet. Vaccine đã được cấp phép lưu hành thương mại từ ngày 28/02/2025. Đây là một trong những động lực để doanh nghiệp đặt ra mục tiêu kỷ lục cho năm 2025.
Theo Agriseco Research, DBC đã và đang triển khai nhiều dự án nhằm gia tăng công suất với các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Dự án chăn nuôi Thanh Hóa (Công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm); Dự án lợn giống Phú Thọ - giai đoạn 3 (Công suất: 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm). Tổng công suất mảng chăn nuôi heo tăng khoảng 25% so với trước đó.
Ngoài ra, DBC cũng đang đầu tư nhà máy ép dầu giai đoạn 2 và đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine Dacovac với công suất 200 triệu liều/năm được kỳ vọng sẽ bắt đầu thương mại hóa từ cuối quý I/2025.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, Agriseco Research cho rằng, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực từ năm 2025 qua đó thúc đẩy xu hướng thị phần từ nhỏ lẻ chuyển sang các doanh nghiệp lớn hoàn thiện chuỗi giá trị. Tính đến cuối năm 2024, thị phần của hộ chăn nuôi chỉ còn 25%, do đó việc DBC gia tăng công suất phù hợp với xu thế dịch chuyển trong ngành.
Bên cạnh đó, với biên lợi nhuận gộp cao, vaccine sẽ trở thành một mảng kinh doanh mới đóng góp đáng kể vào cơ cấu lợi nhuận của DBC.
“Triển vọng lợi nhuận 2025 của DBC còn được hỗ trợ từ diễn biến tích cực của giá heo và giá thức ăn chăn nuôi thay đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, giá lợn đã tăng 30% so với cùng kỳ trong khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm sâu”, Agriseco Research đánh giá.
Theo Chứng khoán VCBS, giá thịt heo tiếp tục đà tăng trong 2 tháng đầu năm, sau đó điều chỉnh giảm từ giữa tháng 3, xuống 69.000 đồng/kg vào cuối quý I/2025. Nguyên nhân chủ yếu từ: Giá heo tiếp tục tăng cao do nguồn cung heo thiếu hụt cục bộ do dịch bệnh diễn ra trong những tháng cuối năm 2024 tại các tỉnh khu vực phía Nam gây thiệt hại đàn heo nái; Việc di dời các trang trại ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi theo quy định khiến nhiều trại gia công để trống chuồng; Sự quyết liệt trong công tác phòng chống buôn lậu cũng khiến giá thịt heo gia tăng.
Bên cạnh đó, giá heo giảm trở lại do người chăn nuôi đã đẩy mạnh tái đàn. Tổng số heo cả nước tính đến cuối tháng 2/2025 ước đạt 26.802 nghìn con, tăng 3,2% so với cùng kỳ.
Về triển vọng giá thịt heo, VCBS cho rằng, giá thịt heo dự báo dao động trong biên độ hẹp. Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, năng suất sinh sản của đàn nái tại Việt Nam vẫn còn khá thấp so với khu vực và thế giới, mới đạt 18 – 20 con/nái/năm, trong khi các nước khác đạt 24 – 28 con/nái/năm.
Đơn vị này nhận định, giá thịt heo khó tăng mạnh do thịt heo nhập khẩu nhiều, tăng gấp đôi so với các năm trước. Sản lượng thịt heo xuất chuồng quý I/2025 tăng 5% so với cùng kỳ.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm giải pháp hạ nhiệt thuế đối ứng của Mỹ, việc nhập khẩu các mặt hàng đầu vào cho nông nghiệp như đậu nành, khô đậu nành, ngô và heo giống từ Mỹ sẽ góp phần làm cân bằng cán cân thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, và cũng giúp chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm nếu có ưu đãi thuế cho các mặt hàng được nhập khẩu từ Mỹ”, VCBS nhận định.