Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng cũng đang vừa dần đi qua thời kỳ này của cơ cấu dân số, vừa nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
>>>Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp cần thể chế mới để cải thiện lực lượng lao động
Cấu trúc tuổi dân số ở Việt Nam đã có những biến đổi khá mạnh mẽ trong vòng ba thập kỷ qua. Năm 2007, khi tỷ lệ lao động trong độ tuổi chiếm 67,3%, Việt Nam đã chính thức gia nhập vào nhóm nước có ưu thế “cơ cấu dân số vàng”, và giai đoạn này được dự báo sẽ kéo dài 30 năm (UNFPA, 2010). Đây được coi là giai đoạn mà Việt Nam đón nhận “quà tặng dân số” bởi đất nước có cơ hội hội tụ nguồn nhân lực, nguồn vốn con người lý tưởng để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nhiều quốc gia châu Á đã biết “tận dụng triệt để cơ hội vàng” này để tạo nên những kỳ tích trong tăng trưởng và phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc (UNFPA, 2010). Tuy nhiên, không giống với một số các quốc gia Đông Á kể trên, Việt Nam đang vừa dần đi qua thời kỳ vàng của cơ cấu dân số, vừa nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp. Sau 10 năm trong cơ cấu dân số vàng, tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của dải đất hình chữ S vẫn mới chỉ ở mức 3.521 USD xếp trong nhóm có mức trung bình thấp và kỳ vọng đến năm 2030 mới có thể đạt được mức mà nhóm nước có thu nhập trung bình cao sở hữu. Một số quốc gia Đông Á kể trên đã trở thành những quốc gia phát triển ngay sau khi kết thúc “giai đoạn cơ cấu dân số vàng” mới mức thu nhập bình quân đầu người rất cao, điển hình như Nhật Bản đạt 30.000USD, Hàn Quốc là 20.000 USD.
Theo dự báo thời kỳ già hóa dân số Việt Nam sẽ kéo dài từ năm 2017 đến năm 2034 và đến năm 2035 sẽ bước vào giai đoạn dân số “già”, như vậy nếu như theo đúng dự báo này thì chỉ còn 14 năm nữa Việt Nam chuyển sang cơ cấu dân số già, trong khoảng thời gian này dù có nỗ lực vượt bậc để tăng tốc thì cũng rất khó để trở thành một nền kinh tế phát triển, vì vậy việc sẽ phải đối mặt với nguy cơ “chưa giàu đã già” càng trở nên hiện thực hơn.
Dân số già hóa nhanh trong khi nền kinh tế chưa phát triển để chuẩn bị nguồn lực đón nhận số lượng dân số cao tuổi ngày càng tăng lên đang trở thành nỗi lo thực sự đối với cả thị trường lao động lẫn phúc lợi xã hội ở Việt Nam. Thách thức này cũng đã được đề cập đến trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 ở Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII: “Già hoá dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế”.
>>>Doanh nghiệp thiếu chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0
* Thách thức của già hoá dân số đối với vấn đề chăm sóc sức khoẻ
Sự gia tăng dân số cao tuổi được ghi nhận như một thành công của nhân loại trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ của con người. Theo thống kê của Liên hợp quốc vào năm 2018, tuổi thọ trung bình của nam và nữ ở Việt Nam lần lượt là 72 và 81 tuổi. Đây được coi là những con số ấn tượng cho một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, nếu chỉ tính tuổi thọ khoẻ mạnh, thì Việt Nam lại không thể sánh bằng với các quốc gia trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan. Người cao tuổi sống ở các vùng nông thôn nhiều hơn so với khu vực thành thị, trong khi chất lượng cuộc sống ở nông thôn lại thấp hơn, điều đó khiến tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo khá cao, chiếm khoảng 23,5%. Số liệu thống kê chỉ ra rằng có đến 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, 70% người cao tuổi có khó khăn về vật chất.
Gần 44% người có nhiều hơn một bệnh mãn tính và có sự khác biệt rõ rệt về độ tuổi (càng già càng nhiều bệnh), giới (phụ nữ có nhiều bệnh hơn nam giới), khu vực (người cao tuổi nông thôn có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính cao hơn người cao tuổi thành thị).
Đối với người cao tuổi, chăm sóc y tế là điều quan trọng nhất. Sự rủi ro về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần và khả năng tự chăm sóc ngày càng giảm đòi hỏi phải có hệ thống chăm sóc dài hạn rộng rãi, tốt thì mới đảm bảo chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Trong thời gian qua, mặc dù hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi đã có những chuyển biến tích cực nhưng công tác khám chữa bệnh cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế. Một số địa phương hiện vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như khám sức khỏe định kỳ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa lão còn thiếu; bác sỹ, điều dưỡng học về chuyên ngành lão khoa còn thiếu nên chưa tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng…
*Thách thức của già hoá dân số đối với vấn đề an sinh xã hội
Căn cứ theo Khoản 5 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, “người cao tuổi là công dân Việt Nam đủ từ 60 tuổi trở lên được hưởng chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng” trong trường hợp họ “thuộc hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”. Mức hưởng trợ cấp xã hội dao động trong khoảng từ 0,36 – 1,1 triệu đồng. Nguồn trợ cấp này chỉ đảm bảo được khoảng 10 – 15% nhu cầu sinh hoạt của người cao tuổi.
Theo kết quả khảo sát giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc, đầu tư của Chính phủ cho các hoạt động trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi trong năm 2020 là 6,13 nghìn tỷ đồng, đạt 0,15%GDP của nền kinh tế. Nếu so sánh với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương, thì tỷ lệ GDP dùng để hỗ trợ cho người cao tuổi ở Việt Nam là quá thấp.
Nếu không xét đến những người cao tuổi thuộc diện chính sách, hệ thống lương hưu của Việt Nam cũng vẫn tồn tại khoảng trống rất lớn giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội với nhóm phi chính thức. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, độ bao phủ đối với lương hưu cho người cao tuổi tính đến năm 2021 trên cơ sở đóng góp mới chỉ có hơn 2 triệu người. Đồng thời, nếu chỉ nói đến chế độ hưu trí, số người cao tuổi không nhận được lương hưu đã chiếm khoảng 76% và 38% người cao tuổi có thu nhập dựa vào con cái. Kết quả này cho thấy tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn rất thấp.
Không những vậy, thời gian qua, tình trạng người lao động rút khỏi hệ thống an sinh xã hội gia tăng khiến người lao động khi tới độ tuổi nghỉ hưu bị mất cơ hội có lương hưu.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số lượng người lao động làm thủ tục bảo hiểm xã hội hưởng chính sách trợ cấp một lần đang gia tăng. Đặc biệt trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 600.000 người làm thủ tục bảo hiểm xã hội một lần. Sở dĩ tình trạng này xảy ra ngày càng nhiều là do nhà nước tạo điều kiện khá thuận lợi để người lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần (chỉ cần nghỉ việc một năm không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội). Số tiền bảo hiểm được hưởng một lần khá cao đã khiến một số cá nhân muốn giải quyết các lợi ích trước mắt như mua đất, xây nhà, đầu tư sinh lời… mà bỏ qua những lợi ích dài hạn.
Riêng đối với nhóm lao động ở khu vực phi chính thức, mặc dù lực lượng lao động ở khu vực này có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, song phần lớn trong số họ chưa tiếp cận được với mạng lưới an sinh xã hội thông qua các chính sách bảo hiểm xã hội.
Một phần, lao động tự do không có thu nhập ổn định trong khi điều kiện để được hưởng lương hưu là thời gian bảo hiểm rất dài khiến họ không thể đảm bảo việc đủ khả năng theo được hay không. Phần nữa là đối với họ, những người tham gia bao hiểm xã hội tự nguyện, họ chỉ có được hai chế độ chi trả là hưu trí và tử tuất, trong khi người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được chi trả với 5 chế độ: đau ốm, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí, và tử tuất. Đây cũng có thể là một trong số các nguyên nhân để lao động tự do chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội của nhà nước.
Ở Việt Nam, lao động tự do chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt có 70% lao động tự do đang sinh sống tại nông thôn. Nếu số lao động này không có bảo hiểm xã hội thì khi về già, gánh nặng sẽ đổ dồn lên vai con cái họ. Người già không có lương hưu sẽ không được tiếp cận với các chính sách an sinh, các gói bảo hiểm khi ốm đau bệnh tật. Đây cũng sẽ là gánh nặng rất lớn cho nền y tế của đất nước trong tương lai không xa.
Vì vậy, nhận diện và chủ động đối mặt với thực tế của già hóa dân số, tìm ra những hướng giải quyết để “tận dụng hiệu quả các cơ hội từ cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hoá dân số” là một trong những nhiệm vụ tối cần thiết mà Việt Nam cần làm hiện nay. Từ đó, có thể tìm ra các cơ hội để tiếp tục đóng góp, thúc đẩy cho tăng trưởng kinh tế khi thời kỳ vàng trong cơ cấu đi qua.
Có thể bạn quan tâm