Thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, 34 hộ đồng bào nghèo thôn Kueng Đơn, xã H’Bông, huyện Chư Sê (Gia Lai) “bất đắc dĩ “trở thành con nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê.
Họ bị chính Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ kiêm Tổ trưởng tổ vay vốn thôn và một cá nhân trong thôn lừa phỉnh đứng tên vay vốn rồi chiếm đoạt cả gần tỷ đồng.
Thôn nghèo gặp họa
Từ phản ánh của người dân, Phóng viên Báo DĐDN tìm về thôn Kueng Đơn, thôn nghèo nhất xã H’Bông được di dời từ lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ cách đây gần 20 năm trước. Cả thôn có gần 170 hộ thì có đến 117 hộ là đồng dân tộc thiểu số. Cuộc sống vốn túng quẫn khó khăn, nay họ bỗng dưng gặp họa khi có đến 34 hộ trở thành con nợ của Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách Xã hội huyện Chư Sê.
Theo lời kể của Trưởng thôn Kpă Mua, khoảng đầu năm 2016 chỉ vì nhẹ dạ cả tin, nhiều người dù không có nhu cầu vay vốn nhưng bị bà Phạm Thị Nga (SN 1963) – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn và bà Đào Thị Thanh (SN 1972) cùng thôn dụ dỗ lấy “thân phận hộ nghèo” đứng ra làm hồ sơ vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê để vay tổng số tiền gần 900 triệu đồng. Trong tổng số 34 hộ đứng tên, có cả trưởng thôn cũ là ông Siu Gếch. Hiện ông Siu Gếch đã trả cho ngân hàng 50 triệu đồng và thêm 2 hộ nữa cũng đã trả. Thống kê đến thời điểm hiện tại vẫn còn 31 hộ mắc nợ ngân hàng với số tiền 877 triệu đồng. Trong đó, bà Nga dụ dỗ 24 hộ đứng tên vay tổng cộng 657 triệu đồng, còn bà Thanh nhờ 8 hộ đứng vay 220 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi quanh thôn Kueng Đơn, ông Siu Húp – Công an viên thôn cho biết, người dân bị bắt vay, ký hồ sơ vay vốn từ năm 2016 nhưng đến tháng 3/2019 vụ việc mới bị phát hiện khi bà Phạm Thị Nga bất ngờ đi khỏi địa phương. Nhiều người dân tiếp xúc cho rằng, họ không biết mình bị lừa, khi ký hồ sơ xong bà Phạm Thị Nga và Đào Thị Thanh tự “đạo diễn” từ đi giao dịch với ngân hàng tới lúc mang tiền về họ đều không biết gì cả. Chị Siu H’mi đứng tên vay cho bà Đào Thị Thanh 30 triệu đồng khi bị phát giác bị chồng đánh đòi tự tử, bức xúc nói: “lúc bà Thanh đến nhà bắt ký vào hồ sơ, mình nói không muốn vay vốn sợ không có tiền trả. Bà Thanh nói cứ ký vào đừng khai với ai thì không sợ gì hết. Lấy tiền về bà Thanh cho mình 2 triệu nói mua gạo, chứ mình không biết mình đang vay và nợ ngân hàng”, chị H’mi cho biết.
Cách nhà chị H’mi 50m, gia cảnh ông Rơlan Ping, bà Đinh Plen còn cùng cực hơn, hàng ngày hai vợ chồng bà cặm cụi nhặt rác mưu sinh tại bãi rác cùng thôn. Ông Ping bị liệt hai chân phải đi xe lăn, bà Đinh Plen không biết tiếng Kinh, không giấy Chứng minh Nhân dân nhưng vẫn bị bà Thanh dụ dỗ đứng tên vay 30 triệu ngân hàng. Hai người con gái bà Đinh Plen là Đinh Sik (SN 1990) và Đinh Sim (SN 1998) cũng là nạn nhân.
Người chạy làng, người cam kết trả nợ (?!)
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tỵ - Chủ tịch UBND xã H’Bông, cho biết thông tin phóng viên ghi nhận là chính xác và nói UBND xã, Công an huyện đã vào cuộc điều tra, xác minh. “Qua làm việc bà Đào Thị Thanh cam kết 1 tháng sẽ hoàn lại số tiền 220 triệu đồng cho ngân hàng. Hiện bà Phạm Thị Nga đã đi khỏi địa phương từ tháng 4 đến nay và chỉ nghe đi chữa bệnh. Do hồ sơ vay vốn đầy đủ hết nên Công an khẳng định chỉ là giao dịch dân sự”, ông Tỵ cho biết.
Quay trở lại thôn Kueng Đơn, PV được ông Siu Húp – Công an viên thôn cho biết, bà Đinh Plen dù không có Chứng minh Nhân dân được bà Đào Thị Thanh đưa lên tận TP Pleiku (Gia Lai) làm chứng minh rồi tự lập hồ sơ vay vốn. Theo danh sách 31 hộ bị lừa đảo vay vốn, có hộ tên Rmah Hlenh (SN 1986) nhưng khi làm Chứng minh Nhân dân lại ghi là Rmah Miu, tức cái tên Hlenh không có trong hộ khẩu nên khi làm Chứng minh phải đổi thành H’Miu rồi làm hồ sơ vay vốn.
Chủ tịch UBND xã H’Bông Nguyễn Hữu Tỵ, cho biết thêm cái khó là các hộ dân đều đứng tên trong hồ sơ vay vốn, xã cũng đang phối hợp với ngân hàng vận động bà Phạm Thị Nga và Đào Thị Thanh hoàn trả lại tiền cho ngân hàng. Đồng thời chỉ đạo cán bộ theo dõi nếu bà Nga có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì báo cho ngân hàng xử lí.
Liên quan vụ việc, ông Tỵ nói Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hồng Linh đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh vụ việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào vay vốn sử dụng không đúng mục đích, chiếm đoạt vốn.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Văn Công Hạnh – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Sê, cho rằng mình mới về và không có vụ việc nào như thế!