Dựa trên tài nguyên văn hoá, cơ sở sẵn có, Gia Lai đang tích cực xây dựng du lịch cộng đồng đến năm 2030, tạo sinh kế cho người dân ở các thôn, làng.
>>Thúc đẩy du lịch cộng đồng gắn liền với dược liệu
Với 2.161 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 1.257 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số, Gia Lai được xem là địa phương có giàu tài nguyên về phát triển du lịch cộng đồng. Chính vì thế, để định hướng đến năm 2030, Gia Lai phát triển du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở vận dụng, khai thác, phát huy tối đa và có hiệu quả về lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, tiêu biểu là 02 dân tộc Bahnar và Jrai.
Kết hợp khai thác tối đa lợi thế môi trường cảnh quan của khu vực nông thôn, tạo thành sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ và thu hút du khách trong và ngoài nước đến Gia Lai ngày càng nhiều hơn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở khu vực nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho hay “xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân. Vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội, vừa giải quyết việc làm, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân địa phương”.
Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng dân cư cho đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng đảm bảo các điều kiện phục vụ khách du lịch, trong đó chú trọng đến tính bền vững.
Phát huy nội lực của từng địa phương đồng thời lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn để hỗ trợ các điều kiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất tạo thuận lợi cho phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
>>Phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Yến – Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng “Căn cứ vào điều kiện thực tế của người dân địa phương về sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho du khách, xác định nhu cầu của du khách để đáp ứng được nhu cầu đó. Việc đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nên được duy trì để đảm bảo rằng những điểm đến tiếp tục thu hút và duy trì được tiềm năng thương mại của nó, đồng thời, sự phát triển du lịch đem lại những lợi ích rộng rãi cho các thành viên trong cộng đồng và xã hội”.
Do đó, phát triển du lịch cộng đồng cần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch thông qua các chỉ tiêu về tỷ lệ khách quay trở lại trên tổng số khách, số ngày lưu trú bình quân trên khách, tỷ lệ an toàn sức khoẻ trên số lượng khách.
Dưới con mắt người khởi nghiệp làm du lịch homestay, anh Đinh A Ngưi trú tại làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cho biết "du lịch cộng đồng ở Gia Lai đang có chiều hướng tích cực, tuy nhiên vẫn cần động lực để thúc đẩy phát triển. Bên cạnh đó, cần có một môi trường an toàn cho du khách khi đến và trải nghiệm ở điểm du lịch cộng đồng".
Theo số liệu của các nhà quản lý, khách du lịch cộng đồng ở Gia Lai chỉ chiếm khoảng 2%. Do đó, thay đổi phương pháp phát triển cùng với tận dụng những nguồn lực xã hội, hy vọng các sản phẩm du lịch cộng đồng ở Gia Lai ngày càng hấp dẫn và đặc sắc hơn.
Có thể bạn quan tâm
Tây Nguyên và bài toán phát triển du lịch cộng đồng
01:00, 09/04/2024
Thúc đẩy du lịch cộng đồng gắn liền với dược liệu
00:30, 27/04/2024
Phát triển du lịch cộng đồng ở Tây Nguyên
02:00, 16/03/2024
“Xanh hoá” du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ
02:00, 23/02/2024
Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng
01:00, 12/02/2024