Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo đảm tiến độ thu tiền thuê đất Hệ thống đường dây truyền tải điện
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BCT ngày 10/2/2017 quy định phương pháp, trình tự lập, thẩm định và phê duyệt giá truyền tải điện.
Thông tư 14/2022/TT-BCT sửa đổi có bổ sung khoản 3 tại Điều 1 là: Không áp dụng đối với nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải từ sân phân phối của một hoặc một số nhà máy điện để tải công suất của một hoặc một số nhà máy điện đến điểm đấu nối (là điểm nối trang thiết bị, lưới điện và nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia) có thỏa thuận khác với bên mua điện trong việc thu hồi chi phí xây dựng, quản lý, vận hành, bảo dưỡng của lưới điện truyền tải.
Thêm vào đó, Thông tư sửa đổi khoản 2 Điều 3 về phương pháp xác định giá truyền tải điện. Giá truyền tải điện được xác định hàng năm trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ cho hoạt động truyền tải điện của Đơn vị truyền tải điện với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu được xác định theo phương án giá bán lẻ điện đang áp dụng tại thời điểm tính giá truyền tải điện hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, tại khoản 2 và 3 Điều 10 Thông tư mới cũng sửa đổi như sau: Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Đơn vị truyền tải điện xây dựng giá truyền tải điện hàng năm theo quy định tại Thông tư này.
Theo đó, các Đơn vị truyền tải điện có trách nhiệm phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng giá truyền tải điện hàng năm theo quy định; phối hợp với Công ty mua bán điện và các đơn vị giao nhận điện liên quan trong việc thỏa thuận, thống nhất về thiết kế kỹ thuật Hệ thống đo đếm và Hệ thống thu thập số liệu đo đếm phục vụ giao nhận điện theo Quy định đo đếm điện năng trong hệ thống điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành; thỏa thuận, thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về hợp đồng dịch vụ truyền tải điện theo quy định của pháp luật; hàng năm, xây dựng hoặc thuê tư vấn chuyên ngành xây dựng tỷ lệ chi phí nhân công, tỷ lệ chi phí sửa chữa lớn và chi phí định mức khác để đề xuất Bộ Công Thương công bố áp dụng.
Các thành phần kinh tế khác đầu tư lưới truyền tải điện có trách nhiệm thỏa thuận đấu nối với Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và Thỏa thuận đấu nối với Khách hàng sử dụng lưới điện truyền tải về ranh giới đầu tư, ranh giới phân định tài sản, ranh giới đo đếm theo quy định tại Quy định hệ thống điện truyền tải do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành để làm cơ sở xác định sản lượng điện truyền tải.
>>Tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện: Tại sao không?
Trước đó vào trung tuần tháng 9, chia sẻ tại Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải” Một số doanh nghiệp cho biết năm 2022, giá truyền tải điện ở Việt Nam quy định là 75 đồng/kWh đến 100 đồng/kWh, tùy theo từng năm, tương đương từ 25-30% giá truyền tải tại nhiều nước, nên nhiều nhà đầu tư tư nhân không mặn mà vào lĩnh vực này, do lợi nhuận kém hấp dẫn.
Mặt khác, theo các đường dây truyền tải mà tư nhân muốn tham gia đầu tư sẽ chỉ hiệu quả khi gắn với các nhà máy, công trình có sản lượng đưa lên lưới. Còn đối với công trình đường dây không gắn với nhà máy điện có sẵn của nhà máy trong khu vực thì không có sản lượng truyền tải và rất khó hạch toán chi phí cụ thể để thu hồi vốn.
Đánh giá về vấn đề này, Ông Đặng Huy Cường, thành viên Hội đồng Thành viên EVN cho biết: Nếu tư nhân đầu tư đường dây cùng nhà máy điện của mình để giải toả công suất, thì thu hồi được chi phí đầu tư truyền tải thông qua hợp đồng bán điện cho EVN hoặc từ các nhà đầu tư thuê truyền tải điện của mình tới điểm kết nối để lên lưới quốc gia. Tuy nhiên, nếu chỉ là dự án tăng cường ổn định truyền tải lưới điện thì ai sẽ là bên trả tiền cho nhà đầu tư vì EVN không có nghĩa vụ thanh toán.
“Trong khi đó Bộ Công thương đã có Thông tư quy định phương pháp tính giá truyền tải và áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư tham gia rất rõ ràng. Nhưng các nhà đầu tư tư nhân muốn được trả tiền truyền tải ấy thì ký hợp đồng với ai, đây mới là vấn đề khó” - ông Cường nhận xét.
Còn theo ông Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, hiện tỷ suất sinh lời kỳ vọng của chủ đầu tư (EVNNPT) rất thấp, chỉ chiểm 3%/năm so với chi phí vốn trên thị trường. Ông Tài Anh phân tích, tỷ suất sinh lời kỳ vọng thấp như vậy là bất hợp lý và gây ảnh hưởng đến hiệu quả thật sự của dự án, tỷ suất này cần phải tăng lên ít nhất tương đương lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại là 9%/năm. Bởi giá truyền tải ở Việt Nam hiện rất thấp, nhưng EVN là doanh nghiệp Nhà nước nên dù lợi nhuận bằng 0%, hay tầm 3% vẫn phải thực hiện.
Ở chiều ngược lại, với mức giá này sẽ giảm thu hút đầu tư doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, vì mức tỷ suất lợi nhuận thấp khiến nhà đầu tư không mặn mà.
Do đó, để đảm bảo tính khả thi của dự án, thì phí truyền tải cần tăng lên 23,69% so với mức dự kiến của phương án cơ sở tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, nghĩa là 170,61 đồng/kWh vào năm 2025, gấp khoảng 2,27 lần mức phí truyền tải của năm 2022.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo đảm tiến độ thu tiền thuê đất Hệ thống đường dây truyền tải điện
20:03, 18/04/2022
Cần xã hội hóa truyền tải điện
13:22, 19/11/2020
Cơ hội từ xã hội hoá truyền tải điện
11:00, 27/10/2020
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Thu tiền thuê đất của Hệ thống đường dây truyền tải điện
19:25, 03/11/2021
Giải pháp ổn định hệ thống truyền tải điện năng lượng tái tạo
16:26, 07/10/2020
Cần sớm đồng bộ hoá hệ thống truyền tải
11:00, 06/11/2020