Căng thẳng địa chính trị ở Syria tạm thời “hạ nhiệt”, khiến nhu cầu đầu tư vàng với tư cách là tài sản trú ẩn an toàn đã bắt đầu giảm mạnh.
Sau khi bật tăng mạnh lên tới mức 1.365USD/oz vào tuần trước do liên quân Mỹ, Anh, Pháp tấn công Syria, giá vàng lại tiếp tục được hỗ trợ bởi yếu tố địa chính trị này trong những phiên giao dịch đầu tuần này. Theo đó, giá vàng đã dao động ổn định trong biên độ 1.337- 1.350USD/oz. Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng đã có phần chững lại do Mỹ và các đồng minh có thể chỉ tấn công dằn mặt Syria, chứ không có ý định đẩy mạnh các cuộc không kích tiếp theo. Thậm chí theo giới quan sát, thì cuộc không kích của Mỹ vào Syria vừa qua cũng có thể là một “đòn gió” đánh vào ông Kim Jong-un để giúp Mỹ có thể đạt được một số nhượng bộ nào đó của Bình Nhưỡng trong cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Chứng khoán Mỹ và đồng USD phục hồi mạnh mẽ sau cuộc tấn công Syria của Mỹ và đồng minh cũng đã phần nào làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong mắt các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hôm qua Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết đang cân nhắc đề xuất áp thêm lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Trung Quốc vì quốc gia này đang có những chính sách hạn chế đối với lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ. Nếu USTR chính thức trình đề xuất này và được Tổng thống Trump chấp thuận, thì sẽ làm nóng lại cuộc xung đột thương mại Mỹ- Trung và đương nhiên sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Hôm qua, ông John Williams, Chủ tịch Fed San Francisco cho biết ông ủng hộ Fed tăng lãi suất 3 hoặc 4 lần trong năm nay. Theo đó, sau khi tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 vừa qua, Fed có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 25 điểm phần trăm lãi suất lên mức 1,75- 2% trong cuộc họp tháng 6 sắp tới, sau đó tăng thêm 2 đợt lãi suất nữa lên mức 2,5% vào cuối năm nay.
“Kế hoạch cải cách thuế của chính quyền Trump sẽ góp phần đẩy tiền lương và các chi phí khác tăng cao, kéo lạm phát của Mỹ lên mức mục tiêu của Fed là 2%. Điều này sẽ giúp Fed tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ của mình”, ông Andrew Hunter, chuyên gia kinh tế của Capital Economics nhận định.
Tuy nhiên, việc Fed thu hẹp bảng cân đối tài sản, song song với việc đẩy mạnh tăng lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Điều này lại khiến USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt, và đẩy giá vàng tăng.
Trong thời gian trước mắt, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng sụt giảm, vì các yếu tố hỗ trợ cho giá vàng, đặc biệt là yếu tố địa chính trị, không còn nóng như tuần trước. Tuy nhiên, việc giá vàng giảm sâu khó xảy ra.
Theo phân tích kỹ thuật, các đường xu hướng của giá vàng đã yếu dần. Theo đó, giá vàng đang có xu hướng xuống vùng 1.330USD/oz. Nếu không trụ vững trên vùng này, thì nhiều khả năng giá vàng sẽ xuống tới 1.316USD/oz. Trong khi đó, kháng cự chủ chốt vẫn đang ở 1.352- 1.365USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, trong những phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng miếng SJC gần như chỉ đi ngang trong biên độ hẹp từ 36,84- 36,94 triệu đồng/lượng đến 36,94- 37,06 triệu đồng/lượng. Sáng nay, giá vàng miếng SJC giao dịch ổn định quanh mức 36,88- 36,95 triệu đồng/lượng, gần như không thay đổi so với chốt phiên hôm qua.
Đáng lưu ý, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi sáng nay đã được rút ngắn đáng kể, hiện chỉ còn khoảng 10.000đ/lượng.
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhu cầu vàng hiện nay rất trầm lắng, trong đó khối lượng bán ra chiếm đa số do các nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro khi tình hình địa chính trị ở Syria tạm thời “hạ nhiệt”.