Nhiều chuyên gia nhận định FED có thể sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện hành sau khi tăng thêm một đợt lãi suất nữa vào tháng 9 tới. Điều này sẽ tác động tích cực đến giá vàng.
>> Giá vàng tăng dựng đứng sau khi FED tăng lãi suất
Tuần này là tuần thứ 2 liên tiếp giá vàng quốc tế phục hồi trở lại sau 5 tuần sụt giảm liên tiếp. Theo đó, giá vàng đã tăng từ mức 1.711 USD/oz lên mức 1.767 USD/oz và đóng cửa ở mức 1.765 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng tăng theo đà tăng của giá vàng quốc tế khi tăng từ mức 65,3 triệu đồng/lượng lên mức 66,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC vẫn còn cao hơn so với giá vàng quốc tế khoảng hơn 10 triệu đồng mỗi lượng.
Dù FED tiếp tục tăng 75 điểm phần trăm lãi suất cơ bản lên 2,25- 2,5% trong cuộc họp vừa qua, nhưng giá vàng quốc tế đã tăng vọt lên mức gần 1.770 USD/oz. Sở dĩ như vậy do Chủ tịch FED cho biết FED sẽ tăng lãi suất chậm lại và tiến tới kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện nay bởi FED tăng lãi suất có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Trên thực tế, các chỉ số kinh tế Mỹ được công bố vừa qua đều cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà suy thoái, trong đó đáng chú ý chỉ số PMI dịch vụ tháng 6 đã giảm xuống tới mức 47 điểm, cho thấy lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đang suy giảm mạnh...
Số liệu GDP quý 2 của Mỹ cũng được công bố âm 0,9% sau khi GDP quý 1 tăng trưởng âm 1,6%, càng khiến giới đầu tư kỳ vọng FED có thể sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện hành sau khi tăng thêm một đợt lãi suất nữa vào tháng 9 tới. Bởi vì, theo định nghĩa của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (NBER), nếu nền kinh tế tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp, thì bị coi như đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế kỹ thuật.
Tuy nhiên để khẳng định kinh tế Mỹ có thực sự rơi vào tình trạng suy thoái thực sự hay không vẫn cần thêm các số dữ liệu kinh tế được công bố trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý là PMI sản xuất được công bố trong tuần sau. Ngoài ra, doanh số bán lẻ cũng là yếu tố quan trọng.
Đáng quan ngại là chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ trong tháng 7 đã giảm mạnh xuống mức 95,7% từ mức 98,7% trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Chỉ số này cho thấy người tiêu dùng Mỹ đang rất quan ngại về tình trạng lạm phát cao kèm suy thoái của kinh tế Mỹ, hay còn gọi là tình trạng đình lạm. Do đó, họ có thể sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu tiêu dùng, càng khiến kinh tế Mỹ suy thoái mạnh hơn, bởi chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 68% GDP của Mỹ. Điều này sẽ được phản ánh rõ nét hơn trong số liệu doanh số bán lẻ được công bố trong thời gian tới.
>> Đâu là đáy giá vàng ngắn hạn?
Lạm phát của Mỹ tăng mạnh chủ yếu do chi phí đẩy khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu càng nghiêm trọng hơn dưới tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga trong chiến sự Nga- Ukraine, chiến lược zero-Covid của Trung Quốc, chứ không phải do cầu kéo hay yếu tố tiền tệ. Do đó, FED càng tăng lãi suất, sẽ càng đẩy kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái suy thoái nghiêm trọng hơn.
Ông John Hathway, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn Sprott Hathaway, cho rằng chu kỳ tăng lãi suất của FED có thể kết thúc sớm nhất vào tháng 9 tới, vì kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái kỹ thuật. Nếu không sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất hiện nay, kinh tế Mỹ sẽ thực sự rơi vào suy thoái trong ngắn hạn.
Ông George Milling-Stanley, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Tập đoàn State Street Global Advisors, nhận định các thị trường tài chính hiện đang tập trung nhiều hơn vào mối đe dọa suy thoái hơn là việc FED tăng lãi suất, điều này có thể tiếp tục làm suy yếu đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, giúp giá vàng tăng mạnh hơn. Đồng thời, ông nói thêm rằng ngay cả khi nền kinh tế Mỹ suy thoái, thì FED cũng sẽ khó có thể kiểm soát lạm phát hoàn toàn, vì chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ còn đứt gãy kéo dài. Do đó, FED sẽ buộc phải sớm ngừng chu kỳ tăng lãi suất hiện nay.
“Khi nỗi lo suy thoái kinh tế của mọi người càng gia tăng, thì các nhà đầu tư sẽ càng tìm tới vàng làm nơi trú ẩn an toàn”, ông George Milling-Stanley nhận định và cho biết ông đang duy trì kịch bản giá vàng sẽ tăng lên mức khoảng 1.800- 2.000 USD/oz trong năm nay, thậm chí giá vàng sẽ kết thúc năm nay ở mức trên 2.000 USD/oz.
Tuy nhiên, giá vàng sẽ chưa thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, mà có thể vẫn sẽ điều chỉnh, tích lũy, vì hiện nay chúng ta vẫn đang ở mùa thấp điểm tiêu thụ vàng vật chất. Hơn nữa, Ấn Độ vừa tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng cũng khiến nhu cầu vàng vật chất ở quốc gia này sẽ giảm mạnh. Do đó, giá vàng giảm là cơ hội để mua vào để đầu tư dài hạn, nhất là khi giá vàng giảm xuống vùng 1.680 USD/oz.
Có thể bạn quan tâm
Ấn Độ tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:10, 03/07/2022
“Bóng ma” suy thoái kinh tế Mỹ tạo lực đẩy giá vàng tuần tới?
05:10, 26/06/2022
Chiến sự Donbass “nóng bỏng”, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:15, 22/05/2022
Nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:30, 08/05/2022