Trong khi giá vàng thế giới tăng chóng mặt vượt qua ngưỡng 3.200 USD/ounce, giá vàng miếng SJC trong nước cũng tăng mạnh gần 3 triệu đồng/lượng.
Ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, ngày 11/04, giá vàng miếng SJC tại thị trường trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước đẩy giá tăng rất mạnh, với mức tăng lên đến gần 3 triệu đồng/lượng, qua đó tiếp tục đưa giá vàng miếng SJC thiết lập đỉnh giá cao nhất trong lịch sử.
Theo đó, thời điểm lúc 9 giờ sáng nay, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI và Công ty Bảo Tín Minh Châu được niêm yết với mức giá 103.400.000 đồng/lượng mua vào và 106.400.000 đồng/lượng, tăng mạnh lên đến 2.800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều giao dịch mua và bán so với giá thời điểm chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Cùng thời điểm, tại Công ty Phú Quý SJC, giá vàng miếng được doanh nghiệp này điều chỉnh tăng mạnh 2.900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 2.800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên giao dịch trước đó, lên mức giá 102.900.000 đồng/lượng mua vào và 106.400.000 đồng/lượng bán ra.
Cùng chung với xu hướng tăng chóng mặt của giá vàng miếng SJC, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn cũng được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng rất mạnh.
Cụ thể, giá vàng nhẫn thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng 2.000.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, và 2.200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra ở cả hai thị trường Hà Nội và TP HCM so với giá chốt phiên giao dịch ngày 10/4. Hiện tại giá niêm yết của PNJ là 101.900.000 đồng mua vào và 105.100.000 đồng/lượng bán ra.
Như vậy, chỉ sau 4 phiên tăng giá liên tiếp từ mức giá 100.200.000 đồng/lượng (ngày 8/04), giá vàng miếng SJC đã tăng thêm 6.200.000 đồng/lượng, lên mức giá cao kỷ lục 106.400.000 đồng/lượng (ngày 11/04).
Đồng thời, chênh lệch biên độ giữa mua và bán cũng được các doanh nghiệp nới rộng lên đến 3.500.000 đồng/lượng đối với vàng miếng SJC và 3.200.000 đồng/lượng đối với vàng nhẫn. Đây là mức chênh lệch rất cao, nếu giá vàng biến động giảm mạnh, người mua vàng thời điểm giá cao sẽ gặp rủi ro rất lớn, nhất là đối với những nhà đầu tư cá nhân có tâm lý “lướt sóng” vàng. Bởi khi giá vàng tăng cao, nhu cầu mua tăng mạnh thì chênh lệch giữa mua và bán thường được các doanh nghiệp nới rộng ra, nhằm tránh rủi ro, và ngược lại, khi giá vàng giảm mạnh do nhà đầu tư chốt lời, thì doanh nghiệp lại giảm mạnh giá chiều mua vào, qua đó đẩy rủi ro về phía người mua. Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư cần thận trọng khi quyết định mua vào trong thời điểm giá đang tăng "nóng" như hiện nay.
Trên thị trường thế giới, thời điểm lúc 10 giờ sáng nay, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới cũng biến động rất mạnh, với mức tăng lên đến hơn 135 USD/ounce, tương đương với tăng 4,40% trong vòng 24 giờ qua, qua đó đưa giá vàng thế giới lên mức giá 3.218 USD/ounce. Đây cũng là mức giá cao nhất mọi thời đại của giá vàng thế giới.
Giá vàng thế giới tăng lên mức giá cao nhất mọi thời đại, nhờ sự suy yếu của đồng USD, khi chỉ số US Dollar Index đã giảm hơn 1% vào hôm thứ Năm, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ những ngoại tệ khác.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sau quyết định áp thuế đối ứng lên 125% đối với hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Nikos Tzabouras của Tradu.com cho biết, vàng đã lấy lại sức hấp dẫn như một nơi trú ẩn an toàn và đang trên đà đạt mức cao kỷ lục mới.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cảnh báo kim loại quý này có thể gặp rủi ro trong thời gian tới nếu các đối tác thương mại đạt được thỏa thuận.
Ông nhấn mạnh thêm rằng, những trở ngại có thể phát sinh từ việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể củng cố sức mạnh của đồng USD và gây áp lực lên vàng.