Giá vàng tăng cho thấy vai trò của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn khi các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các giải pháp phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh bất ổn trên toàn cầu.
Đó là chia sẻ của ông John Reade, Giám đốc Chiến lược Thị trường của WGC với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo ông John Reade, giá vàng tăng cao vượt mốc 3.000 USD/ounce mang lại những tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã đưa ra những phân tích đáng chú ý về cột mốc giá vàng vượt 3.000 USD/ounce.
- Giá vàng vừa vượt mốc 3.000 USD/ounce, đây là một cột mốc đáng chú ý. Ông có thể chia sẻ ý nghĩa của sự kiện này? Yếu tố nào đã góp phần vào mức tăng này?
Giá vàng tăng nhanh cho thấy sự hội tụ của nhiều yếu tố, bao gồm căng thẳng địa chính trị, sự bất ổn kinh tế và sự thay đổi trong chính sách tiền tệ. Giá vàng đã tăng từ 2.500 USD/ounce lên 3.000 USD/ounce chỉ trong vòng 210 ngày - nhanh hơn nhiều so với các lần tăng giá trước đây. Điều này cho thấy giá vàng đã tích lũy được đà tăng mạnh mẽ trong suốt hai năm qua.
Trong bài viết có tiêu đề "You Asked, We Answered: Gold Hits $3,000" (tạm dịch: "Bạn hỏi, chúng tôi trả lời: Giá vàng đạt 3.000 USD"), tôi đã đưa ra những phân tích chuyên sâu về giá vàng. Theo đó, giá vàng chạm mốc 3.000 USD đánh dấu một mốc quan trọng và góp phần củng cố vị thế của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn trong những thời điểm bất ổn. Từ mốc 1.000 USD/ounce trong cuộc khủng hoảng tài chính tăng lên mốc 2.000 USD/ounce trong thời đại dịch, vàng đã được chứng minh mang lại hiệu suất tốt trong những thời điểm mà nhà đầu tư có xu hướng tìm đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro và mang lại lợi nhuận tương đương với hầu hết các loại tài sản khác kể từ năm 1971.
Kể từ năm 2022, vàng đã phá vỡ mối quan hệ mật thiết với lãi suất tại Mỹ và đồng đô la Mỹ khi các Ngân hàng Trung ương tăng gấp đôi lượng vàng mua vào và nhu cầu đầu tư vàng tại các thị trường mới nổi tăng vọt.
- Vai trò của các Ngân hàng Trung ương đã thay đổi như thế nào trong những năm gần đây ?
Các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng trong suốt 15 năm qua, tuy nhiên trong 3 năm gần đây, các tổ chức này đã gia tăng hoạt động mua vàng với lượng mua vào mỗi năm đạt hơn 1.000 tấn kể từ năm 2022, và đạt mức 1.045 tấn trong năm 2024.
Các ngân hàng trung ương đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá vàng tăng. Việc các ngân hàng trung ương liên tục mua vào cho thấy vàng có tầm quan trọng trong chiến lược dự trữ chính thức của các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng. Điều này không chỉ thúc đẩy giá vàng tăng mà còn cho thấy sự tin tưởng vào giá trị lâu dài của vàng.
- Những căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến giá vàng?
Những căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá vàng tăng cao. Trong các giai đoạn bất ổn trên phạm vi quốc tế, các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến vàng như một loại tài sản lưu trữ có giá trị ổn định. Tình hình địa chính trị hiện nay đã làm tăng xu hướng tích trữ vàng và góp phần vào việc đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục.
Các yếu tố địa chính trị bao gồm việc phi đô la hóa, các lệnh trừng phạt kinh tế và những lo ngại về lạm phát đã thúc đẩy hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh sự phân mảnh kinh tế toàn cầu tiếp diễn, hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đóng vai trò như một động lực chính của nhu cầu thị trường vàng và định hình cách thị trường vàng vận hành và phát triển trong dài hạn.
-Vai trò của các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi đang đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với thị trường vàng, thưa ông?
Các thị trường mới nổi đóng vai trò quan trọng trong thị trường vàng toàn cầu. Khi các nền kinh tế này phát triển, nhu cầu về vàng cho cả mục đích đầu tư và mục đích văn hóa tiếp tục gia tăng. Nhu cầu về vàng ngày càng tăng này không chỉ thúc đẩy giá vàng toàn cầu mà còn nhấn mạnh sức hấp dẫn phổ biến của kim loại quý này.
Các nhà đầu tư tại các thị trường mới nổi đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Ở Trung Quốc, thị trường bất động sản ảm đạm đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhu cầu về vàng tăng vọt khi các hộ gia đình tìm kiếm các giải pháp nhằm đối phó với sự suy yếu của đồng tiền, trong khi đó, động thái cắt giảm thuế nhập khẩu của Ấn Độ góp phần thúc đẩy hoạt động mua vàng của quốc gia này.
- Với giá vàng hiện này đã vượt mốc 3.000 USD/ounce, câu hỏi lớn đặt ra là: Liệu giá vàng có thể duy trì được mức giá này không, thưa ông?
Giá vàng tăng gần đây được thúc đẩy bởi sự không chắc chắn xung quanh chính sách thuế quan của Mỹ và cuộc chiến thương mại đang diễn ra, điều này đã làm gia tăng các rủi ro kinh tế và biến động thị trường. Những yếu tố này càng khiến các nhà đầu tư quan tâm hơn đến vàng như một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư quan trọng.
Mặc dù các rủi ro gia tăng và sự bất ổn đã thúc đẩy tâm lý tích cực đối với vàng, nhưng để giá vàng duy trì ở mức cao một cách ổn định, cần có sự gia tăng nhu cầu đầu tư. Điều này có thể đạt được thông qua việc các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cường mua vàng hoặc sự tham gia mạnh mẽ hơn từ các nhà đầu tư phương Tây.
Giá vàng có thể duy trì ở mức cao lịch sử này hay không thì chúng ta vẫn phải chờ xem. Tuy nhiên, một điểu chắc chắn là vai trò của vàng như một tài sản lưu trữ an toàn đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Trân trọng cảm ơn ông!