Giá vàng tuần tới có thể sẽ chỉ điều chỉnh, củng cố trong biên độ hẹp do các nhà đầu tư chờ đợi cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung bên lề Hội nghị G20.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.222USD/oz, giá vàng quốc tế giao ngay đã dao động trong biên độ 1.217- 1.230USD/oz và đóng cửa ở mức 1.222USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế tuần này gần như không thay đổi so với mức giá đóng cửa của tuần trước (1.221,54USD/oz).
Có thể bạn quan tâm
11:00, 18/11/2018
11:30, 15/11/2018
05:00, 11/11/2018
04:30, 04/11/2018
11:42, 12/10/2018
Sở dĩ giá vàng gần như chỉ đi ngang trong tuần này là do có nhiều yếu tố tác động trái chiều đến giá kim loại quý này. Trước hết là giá dầu thô trên thị trường thế giới đã liên tục lao dốc, chốt phiên cuối tuần này giá dầu thô Brent giảm xuống còn 59 USD/thùng, trong khi giá dầu thô nhẹ ngọt WTI cũng giảm xuống mức 50 USD/thùng. Giá dầu giảm mạnh làm cho kỳ vọng áp lực lạm phát giảm xuống, khiến cho vai trò trú ẩn của vàng bị mờ nhạt. Bên cạnh đó, chứng khoán toàn cầu giảm mạnh cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải bán vàng bổ sung ký quỹ nhằm duy trì trạng thái đầu tư chứng khoán. Ngoài ra, USD index tăng mạnh lên mức 96,84 điểm cũng gây áp lực đối với giá vàng.
Trong khi đó, việc IMF, OECD và nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn, có thể khiến tăng trưởng chậm lại trong năm 2019, đã làm gia tăng sự hấp dẫn của vàng trong mắt các nhà đầu tư.
Trong tuần tới có một số sự kiện, số liệu kinh tế quan trọng có thể tác động mạnh đến xu hướng giá vàng, như cuộc đàm phán thương mại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức từ 30/11- 1/12/2018; phát biểu của Chủ tịch FED Powell; biên bản cuộc họp tháng 11 của FED; GDP quý 3 sửa đổi của Mỹ… Trong đó, cuộc đàm phán Mỹ- Trung được đánh giá là có tác động mạnh nhất đối với giá vàng. Theo đó, nếu 2 bên đạt được thỏa thuận giải quyết bất động thương mại hiện nay, thì vai trò trú ẩn của USD sẽ giảm xuống, qua đó hỗ trợ cho giá vàng và ngược lại.
Theo nhiều chuyên gia, Mỹ và Trung sẽ khó giải quyết dứt điểm mọi bất đồng thương mại ngay tại Hội nghị này để chấm dứt chiến tranh thương mại, nếu có, cũng chỉ là một thỏa thuận nguyên tắc, mở đường cho các cuộc đàm phán của các cấp thấp hơn.
Do Hội nghị G20 diễn ra vào cuối tuần tới, nên nhiều khả năng giá vàng sẽ chỉ đi ngang trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên, nếu trong bài phát biểu của Chủ tịch FED vào ngày 28/11 và biên bản cuộc họp của FED tháng 11 được công bố vào ngày 29/11, FED vẫn cảnh báo đẩy mạnh tiến độ thắt chặt tiền tệ, sẽ khiến vàng chịu áp lực.
Ông Colin Cieszynski, Trưởng Ban chiến lược của Tập đoàn quản lý quỹ SIA, cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới. “Nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1.200- 1.240USD/oz”, ông Cieszynski nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang điều chỉnh, củng cố trong ngắn hạn. Nến Doji hình thành trên biểu đồ tuần cho thấy các nhà đầu tư đang do dự trước xu hướng giá vàng hiện nay. Theo đó, nếu vẫn trụ vững trên 1.212USD/oz, thì giá vàng có thể lên tới 1.234- 1.243USD/oz, kế tiếp là 1.260USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ áp sát vùng 1.200USD/oz, kế tiếp là 1.192USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, trong tuần này, giá vàng miếng SJC gần như chỉ đi ngang theo hướng giảm nhẹ. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ 36,38- 36,48 triệu đồng/lượng đến mức 36,45- 36,60 triệu đồng/lượng. Không khí giao dịch vẫn rất trầm lắng, kéo dài trong suốt cả tuần. Đáng lưu ý, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi đã giảm xuống còn 1,65 triệu đồng/lượng.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần tới, trong số 16 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 8 người (50%) dự báo giá vàng sẽ tăng; chỉ 3 người (19%) dự báo giá vàng sẽ giảm; 5 người (31%) dự báo giá vàng đi ngang.
Trong số 524 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 310 người (59%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 122 người (23%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 92 người (18%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang trong tuần tới.