FED cảnh báo tiếp tục tăng lãi suất, giá dầu giảm mạnh, nhu cầu vàng vật chất vẫn ở mức thấp… có thể sẽ đẩy giá vàng xuống dưới 1.200USD/oz trong tuần tới.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.232USD/oz, giá vàng quốc tế giao ngay đã dao động trong biên độ 1.206- 1.236USD/oz và đóng cửa ở mức 1.209USD/oz. Như vậy, giá vàng quốc tế tuần này đã giảm 1,86% so với mức giá đóng cửa của tuần trước.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 04/11/2018
11:51, 17/10/2018
04:35, 14/10/2018
13:45, 10/10/2018
11:20, 03/10/2018
04:30, 30/09/2018
Giá vàng giảm mạnh trong tuần này là do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ. Bởi vì, dù để mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ, nhưng đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát Thượng viện. Điều này giúp Tổng thống Trump tiếp tục thực hiện các chiến lược hiện hành, nhất là chương trình kích thích tài khóa; đồng thời có thể sẽ tiếp tục gây sức ép cho Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp vừa qua, FED khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng bền vững và sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản trong thời gian tới. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan này khó kéo dài việc tăng lãi suất, vì kinh tế Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Ngoài ra, giá dầu thô giảm mạnh sau khi Mỹ trừng phạt Iran, nhưng chưa áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italy và Đài Loan khi nhập khẩu dầu từ Iran trong 180 ngày kể từ ngày 5/11. Điều này làm giảm lo ngại căng thẳng nguồn cung dầu mỏ thế giới trong ngắn hạn. Giá dầu giảm mạnh cũng sẽ làm giảm áp lực lạm phát, qua đó vai trò trú ẩn của vàng cũng mờ nhạt hơn.
Ông Colin Cieszynski, Trưởng ban chiến lược của Tập đoàn quản lý tài sản SIA, cho rằng, lãi suất cơ bản của FED có xu hướng gia tăng, trong khi áp lực lạm phát giảm bớt do giá dầu giảm, sẽ làm cho lãi suất thực tăng lên, qua đó gây sức ép đối với giá vàng. “Chúng tôi cho rằng, giá vàng vẫn tiếp tục chịu áp lực trong ngắn hạn, bởi nhu cầu vàng vật chất vẫn đang ở mức thấp không thể hỗ trợ cho giá vàng khi áp lực đối với giá kim loại quý này ngày càng lớn. Nếu USD và lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng, thì giá vàng có thể xuống tới mức 1.180USD/oz trong ngắn hạn”, ông Cieszynski nhận định.
Trong tuần tới, có rất ít số liệu kinh tế quan trọng được công bố, ngoài các số liệu kinh tế của Mỹ, như CPI, doanh số bán lẻ... Các số liệu này dự kiến khả quan hơn kỳ trước. Ngoài ra còn có các bài phát biểu của Chủ tịch FED và Chủ tịch ECB...
Từ những phân tích trên cho thấy, nhiều khả năng giá vàng tiếp tục chịu áp lực giảm trong tuần tới, áp lực giảm giá sẽ gia tăng mạnh khi giá vàng bị đẩy xuống dưới 1.200USD/oz.
Các chỉ số phân tích kỹ thuật cho thấy, giá vàng vẫn tiếp tục điều chỉnh theo hướng giảm dần, nếu bị đẩy xuống dưới 1.200USD/oz, thì giá vàng có thể xuống tới mức 1.183USD/oz. Trong khi đó, mức kháng cự quan trọng đang ở 1.226USD/oz.
Trong tuần này, mặc dù giá vàng quốc tế giảm mạnh, nhưng giá vàng trong nước ít điều chỉnh. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã giảm từ mức 36,50-36,60 triệu đồng/lượng xuống 36,35- 36,45 triệu đồng/lượng, giảm 150.000đ ở chiều mua vào và bán ra. Trong khi giá vàng quốc tế quy đổi giảm hơn 600.000đ mỗi lượng. Chính điều này đã kéo chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế quy đổi xuống chỉ còn khoảng 1,9 triệu đồng/lượng, so với mức khoảng 2,7 triệu đồng/lượng ở các tuần trước đó.
Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhu cầu giao dịch vàng trong tuần này vẫn ở mức thấp, dù giá vàng trong nước đã giảm xuống mức khá thấp.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần tới, trong số 20 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 12 người (60%) dự báo giá vàng sẽ giảm; chỉ 4 người (20%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 4 người (20%) dự báo giá vàng đi ngang.
Trong số 370 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 178 người (48%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 109 người (29%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 83 người (22%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang trong tuần tới.