Với sức mạnh nội tại hiện có kinh tế tư nhân sẽ bùng nổ nếu được "kiến tạo" tối đa. Nhưng, rào cản lớn nhất là tư duy...
Từ việc nắm bắt cấu trúc của lao động, vận dụng linh hoạt quy luật “Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất" sẽ dẫn đến một yêu cầu cấp thiết.
Yêu cầu đó chính là phát triển “kinh tế tư nhân”. Giả sử, giao cho anh một lượng tiền mặt, một lượng nhân lực và đối tượng lao động. Làm sao để gắn trách nhiệm “đồng tiền đi liền khúc ruột”?- nếu đó là tiền nhà nước, nguồn lực nhà nước mang tính chất “cha chung không ai khóc”!
Tức là, cùng cấu trúc lao động, cùng nguồn lực, cùng điều kiện nhưng khi rơi vào trạng thái “của chung” thì kinh tế nhà nước mất sức sống, ngược lại dù “nếm mật nằm gai” nhưng kinh tế tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ.
Sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi, kinh tế tư nhân vận hành đúng với quy luật kinh tế thị trường, nhanh chóng thích nghi với mọi thay đổi. Hẳn nhiên kinh tế nhà nước vẫn chịu tác động từ thị trường nhưng đa phần được chống đỡ, có lãi thì có thành tích, nếu lỗ đã có ngân sách bù vào.
Nếu đạm Ninh Bình, thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ bung bét sau thời gian dài dấu diếm yếu kém thì ngành mía đường tỏ ra mất sức cạnh tranh khi đối mặt với đường Thái Lan, Campuchia.
Vấn đề lớn nhất với kinh tế tư nhân là ở chỗ, người ta lo lắng kinh tế tư nhân sẽ tạo ra tư hữu về tư liệu sản xuất dẫn đến chệch định hướng XHCN vốn chủ trương công hữu hóa tư liệu sản xuất, kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo.
Trước đây, do những hạn chế về mặt lý luận và thực tiễn nên chúng ta nghĩ giản đơn rằng, xóa bỏ được sở hữu tư hữu là xóa bỏ được áp bức bóc lột bất công, không hoàn toàn giản đơn như thế.
Hoặc quan điểm, hễ làm chủ tư nhân là bóc lột, đi làm thuê là trở thành giai cấp bị bóc lột. Tuy nhiên, bóc lột hay không bóc lột còn phụ thuộc vào tính chất xã hội của lao động ấy. Nếu con người vẫn độc lập chủ quyền với sức lao động của mình và bán cho người có nhu cầu thì không thể gọi là bóc lột.
Trạng thái bóc lột chỉ xảy ra khi “lao động bị tha hóa”, chủ thể không còn quyền tự quyết mình làm cho ai, làm như thế nào…
Có thể bạn quan tâm
05:00, 06/05/2019
09:30, 04/05/2019
01:33, 04/05/2019
14:54, 03/05/2019
22:30, 02/05/2019
20:30, 02/05/2019
19:56, 02/05/2019
16:23, 02/05/2019
15:02, 02/05/2019
11:37, 02/05/2019
18:49, 25/04/2019
16:00, 18/04/2019
Ngày nay, hàng triệu thanh niên, kể cả có bằng cấp cao muốn được “bóc lột” từ một ai đó để có việc làm, phát triển kỹ năng bản thân, đóng góp cho xã hội. Vì vậy quan điểm kinh tế tư nhân nảy sinh tư hữu và bóc lột là hoàn toàn lạc hậu.
Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, trong đó kinh tế tư nhân là rường cột của nó. Kinh tế thị trường đang phát triển cực thịnh trong chủ nghĩa tư bản, nhưng không hề đồng nhất với chủ nghĩa tư bản.
Có nghĩa rằng, bản thân kinh tế thị trường có thể thích nghi với mọi hình thái kinh tế xã hội khác nhau. Một quốc gia dựa vào nền tảng kinh tế thị trường chưa chắc phát triển nhanh chóng thành công, nhưng không có kinh tế thị trường chắc chắn không thể phát triển.
Chỉ mỗi kinh tế thị trường không thể mang lại CNXH nhưng muốn xây dựng XHCN phải nhất thiết dựa vào kinh tế thị trường. Mặc dù chưa phải hoàn hảo nhưng kinh tế thị trường cho thấy khả năng huy động nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và phát triển tốt nhất hiện nay. Chính hoạt động của kinh tế tư nhân giúp vận hành cơ chế này.
Xét tổng thể, Bắc Âu đạt đến trình độ phát triển cao nhất về kinh tế, xã hội hiện nay, ở đó có thể tìm thấy mô hình CNXH mà nhà nước không nắm quyền kiểm soát hết tư liệu sản xuất.
Nền kinh tế Thụy Điển không hoàn toàn là kinh tế tư bản, cũng không hoàn toàn XHCN, họ có sự pha trộn giữa sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân, dẫn đến chế độ phân phối theo hai cách, theo lao động và theo sở hữu vốn.
Về phương thức vận hành thì nhà nước nắm quyền điều tiết vĩ mô kết hợp với kinh tế thị trường. Đảng XHDC Thụy Điển rút ra bài học rằng “xã hội hóa quyền sở hữu không phải là vấn đề căn bản; xã hội hóa phân phối mới là vấn đề căn bản”.
Họ không lập ra nhiều doanh nghiệp thuộc sở hữu công cộng, trừ các lĩnh vực bắt buộc nhà nước phải làm. Đồng thời, khuyến khích thành lập doanh nghiệp sở hữu phi công cộng, để cho tư nhân làm ra càng nhiều của cải càng tốt.
Từ đó, các mâu thuẫn phát sinh có thể giải quyết bằng hai cách: (1) sử dụng sức mạnh của công đoàn - với tư cách là nơi bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; (2) sử dụng quyền lập pháp của Quốc hội để hạn chế các mắc mớ từ thượng tầng.
Nhà nước nắm vai trò chủ đạo trong kinh tế không đồng nhất với việc sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn. Nhà nước với các nguồn lực, công cụ, chính sách sẽ đóng vai trò định hướng và điều tiết, kiểm soát tài nguyên chiến lược, phát triển hạ tầng, đảm nhiệm những lĩnh vực rủi ro cao, an ninh quốc phòng..., tức là nắm toàn quyền sinh sát.
T.J.Dunning cho rằng “Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10% thì có thể dùng tư bản vào bất cứ đâu. Được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không còn tội ác nào không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”.
Dĩ nhiên, nhận xét trên chỉ đúng với số ít làm kinh tế tư nhân, nhưng đó cũng là đặc điểm để nó thúc đẩy sáng tạo, không ngừng làm ra của cải vật chất cho xã hội.
Rõ ràng, với nhà nước - việc điều hành một xã hội dồi dào của cải luôn dễ thở hơn rất nhiều khi điều hành một xã hội thiếu thốn.