Đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp là hướng đi được nhiều trường đại học, cao đẳng và dạy nghề lựa chọn, nhưng sự thiếu chủ động từ cả hai phía đang khiến cho cung- cầu “lệch pha”.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện nay cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm tuyển sinh được khoảng 2,2 triệu người học. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế.
Lấy ví dụ cụ thể, theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2020, cung - cầu lao động không đang lệch pha rất lớn, ở trình độ đại học, tỷ trọng cung lao động là 60,73%, trong khi cầu lao động ở trình độ này chỉ có 20,58%. Trình độ cao đẳng có tỷ trọng cung lao động là 26,87%, trong khi cầu lao động ở trình độ này chỉ có 15,16%. Qua đó cho thấy, tình trạng cung vượt quá cầu làm cho áp lực cạnh tranh tăng cao, tỷ trọng thất nghiệp của người lao động ở 2 trình độ này tăng cao.
Ngược lại, ở trình độ trung cấp và lao động phổ thông, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cao nhưng lại khó tuyển đủ lao động. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở trình độ trung cấp là 29,77% trong khi nguồn cung lao động chỉ đáp ứng được 8,67%; ở trình độ phổ thông, nhu cầu tuyển dụng là 29,10% trong khi nguồn cung lao động chỉ đáp ứng được 2,07%.
Dù là một trong những trung tâm đào tạo lớn, năng động của cả nước nhưng Cần Thơ vẫn chưa thể giải quyết tốt bài toán cung cầu lao động của chính mình. Thực trạng này cũng đang diễn ra phổ biến tại các thành phố lớn và những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên…
Theo TS Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thì khả năng kết nối cung- cầu giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo vẫn còn khoảng cách rất lớn. Thực tế này xuất phát từ cả hai phía.
GS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ từng chia sẻ rằng: Nguyên nhân của sự “lệch pha” giữa đơn vị đào tạo và nhà tuyển dụng là do từ trước đến nay, các trung tâm đào tạo chỉ chú trọng nâng cao chất lượng các ngành “truyền thống” của trường, coi nhẹ công tác điều tra nhu cầu nguồn lao động của thị trường.
“Bên cạnh đó, công tác tư vấn hướng nghiệp chưa sâu sát và các định kiến xã hội cũng là những tác nhân gây ra tình trạng trường đào tạo ra chuyên ngành xã hội không thiếu, chuyên ngành các doanh nghiệp đang cần lại không được trường đưa vào chương trình đào tạo. Về phía doanh nghiệp, chưa “xắn tay” vào cùng đơn vị đào tạo đưa ra lộ trình đào tạo – tuyển dụng, chưa coi tuyển dụng của doanh nghiệp cần gắn chặt với tuyển sinh của nhà trường”, GS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm