Giải cứu thanh long: Không thể trông chờ vào một thị trường

VŨ PHƯỜNG 22/02/2022 15:59

Có tới 90% sản lượng thanh long hiện nay xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa việc, nếu thị trường Trung Quốc “đóng cửa” mặt hàng này của Việt Nam, nông dân chỉ biết “khóc ròng”.

>> Ùn tắc nông sản biên giới: Cần 5.000 container lạnh cho xuất khẩu thanh long

Giá sập sàn nhưng tiêu thụ vẫn khó

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng xe và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu lại gia tăng tại các cửa khẩu phía Bắc. Theo ghi nhận tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đến hết ngày 21/2/2022, có 5200 xe đang chờ thủ tục thông quan tại đây. Tình trạng ùn tắc có dấu hiệu tái diễn khi lưu lượng xe tiếp tục gia tăng. Phần lớn trong số đó là các mặt hàng nông sản của Việt Nam như thanh long, chuối tươi, dưa hấu,…

Tình trạng ùn tắc có dấu hiệu tái diễn tại các cửa khẩu Lạng Sơn

Tình trạng ùn tắc có dấu hiệu tái diễn tại các cửa khẩu Lạng Sơn

Hiện, thanh long tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang đang vào vụ thu hoạch chính. Theo Cục trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có hơn 64 nghìn ha trồng cây thanh long, trong đó Bình Thuận có 33 nghìn ha, Long An gần 12 nghìn ha, Tiền Giang 9,6 nghìn ha, chiếm gần 86% tổng sản lượng cả nước.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sản xuất thanh long năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc. Giá thu mua thanh long trong nước giảm sâu, có thời điểm thanh long ruột trắng chỉ còn 2 - 3 nghìn đồng/kg, thanh long ruột đỏ 3 - 5 nghìn đồng/kg. Trong quý I/2022, ước sản lượng thanh long các tỉnh trồng lớn phía Nam khoảng 247 nghìn tấn; trong đó, tháng 2 khoảng 67 nghìn tấn và tháng 3 khoảng 63 nghìn tấn. Hiện nay, với chính sách “Zero COVID”, Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh COVID-19, thông quan hàng hóa qua cửa khẩu chậm, làm giảm giá thành thu mua trong nước.

Tại Bình Thuận, cây thanh long được xác định là cây lợi thế và đặc sản của tỉnh này với diện tích 33 nghìn ha, sản lượng đạt 700.000 tấn/năm. Sản xuất thanh long đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Bình Thuận, với hơn 30 nghìn hộ tham gia sản xuất, thu mua, sơ chế xuất khẩu thanh long, hằng năm tạo việc làm thường xuyên cho từ 70 – 80 nghìn lao động.

Tuy nhiên trong năm 2021 đến nay, giá thu mua thanh long giảm sâu do các doanh nghiệp chỉ thu mua cầm chừng, giá mua thanh long ruột trắng tại vườn khoảng từ 3 – 5 nghìn đồng/kg.

Đối với Tiền Giang, Long An, tình hình tiêu thụ sản xuất thanh long cũng gặp vô vàn khó khăn. Vì trái thanh long phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, chiếm tới hơn 90% lượng xuất khẩu và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên khi phía Trung Quốc siết chặt thì sản xuất gặp nhiều khó khăn, hàng hóa ứ đọng.

Thêm vào đó, người dân các tỉnh phía Nam vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, điều này tạo ra áp lực lớn cho tình hình tiêu thụ trái thanh long, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Tìm hướng đi mới

Theo các chuyên gia, thanh long hiện là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực. Để duy trì việc sản xuất, tiêu thụ thanh long được bền vững, không "đầu voi đuôi chuột", chúng ta cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long, đặc biệt là tại thị trường Ấn Độ, Châu Âu, tránh lệ thuộc vào một thị trường là Trung Quốc.

>> Ấn Độ - thị trường tiềm năng xuất khẩu thanh long

>> Xuất khẩu thanh long: Đa dạng sản phẩm giảm sức ép mùa vụ

Ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam năm 2021 đạt 1,04 tỷ USD, chiếm gần 30% tỷ trọng xuất khẩu hoa quả của cả nước; nhưng với thị trường Ấn Độ, thanh long chỉ chiếm 1,3% trong tổng xuất khẩu thanh long. Với dân số gần 1,4 tỷ người, Ấn Độ có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn, khoảng 48 triệu tấn/năm. Đây là thị trường rất tiềm năng cho thanh long của Việt Nam.

“Muốn phát triển thị trường Ấn Độ, vấn đề đặc biệt quan trọng đầu tiên là chọn đối tác. Chọn được đối tác tốt, phù hợp đó là điều cực kỳ quan trọng. Việc phát triển thị trường tốt hay không điều này phụ thuộc vào đối tác” - ông Nguyễn Quốc Duẩn - Tổng giám đốc Công ty Sông Lam ITD chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Duẩn, mở được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn. Để giữ được khách hàng, không mất khách hàng, không mất tiền cũng như phát triển được thị trường, thì điều kiện thanh toán vô cùng quan trọng. Nếu thanh toán không chặt thì vừa mất tiền vừa mất khách hàng. Do đó, cần đảm bảo phương thức thanh toán 100% (50% đặt cọc, 50% thanh toán sau khi nhận được chứng từ qua Email) để tránh những bài học nhãn tiền như vẫn làm với Trung Quốc (trả tiền sau khi nhận được hàng, tính rủi ro cao bởi nếu bị chậm hàng, hỏng hàng sẽ bị trừ tiền – PV).

Không xuất khẩu được sang Trung Quốc, thanh long được đưa trở lại thị trường nội địa để

Không xuất khẩu được sang Trung Quốc, thanh long được đưa trở lại thị trường nội địa để "giải cứu"

Ở một khía cạnh khác, ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, quả thanh long được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Tại Hà Lan, mua thanh long không dễ. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng/1 quả 400 g. Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn cho hay, để sản phẩm thanh long của Việt Nam vào được thị trường Châu Âu, chúng ta cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Muốn nâng cao sức tiêu thụ, ngoài thanh long tươi, cần có một số cách chế biến thanh long khác như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn.

Năm 2021, Dự án “Nâng cao chất lượng cây ăn quả nhiệt đới Việt Nam” do Chính phủ Hà Lan tài trợ với các hoạt động đào tạo, hỗ trợ công nghệ và thực hành trên đồng ruộng… đã được khởi động tại 4 tỉnh Bình Thuận, Long An, Bến Tren, Đồng Tháp, mở thêm cơ hội xuất khẩu bền vững trái thanh long sang thị trường khó tính EU. Ông Peter Prins - Điều phối viên dự án cho biết, dự án do Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng là thành viên của Tập đoàn kiểm nghiệm đa quốc gia Eurofins Scientific tổ chức gần đây. Một phần mục tiêu của dự án là nhằm tháo gỡ khó khăn phát sinh khi tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc và mở rộng khả năng xuất khẩu sang thị trường EU cho trái thanh long tại Việt Nam.

“Trong quá trình khảo sát tại Việt Nam, đội dự án nhận thấy, nếu quá trình canh tác của người nông dân được hỗ trợ thêm về thông tin, ứng dụng khoa học và công nghệ và đặc biệt là có thêm sự giúp đỡ từ các chuyên gia phía Hà Lan sẽ góp phần nâng cao chất lượng trái thanh long, đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính như EU”, ông Peter Prins chia sẻ.

Mới đây, tại Hội nghị tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long diễn ra tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, tổ chức lại sản xuất thanh long và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn nữa. Để phát triển bền vững, các đại phương phải tổ chức lại sản xuất thanh long bắt đầu từ cấp xã theo hướng hiểu rõ về sản xuất đến nắm rõ nhu cầu thị trường, hiểu rõ từng thị trường, đối tác và đối tượng cạnh tranh. Thanh long là câu chuyện điển hình nhưng Việt Nam còn nhiều nông sản khác cũng đang nằm trong thách thức vô cùng lớn từ thị trường bên ngoài, cũng như thách thức bên trong sản xuất, liên kết, hợp tác. Vì vậy, các địa phương, ngành hàng cần xây dựng hệ sinh thái riêng trên từng ngành hàng, từng loại nông sản…

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương đề nghị gỡ khó cho tiêu thụ thanh long

    Bộ Công Thương đề nghị gỡ khó cho tiêu thụ thanh long

    02:30, 11/01/2022

  • Central Retail đẩy mạnh tiêu thụ thanh long, đồng hành cùng người nông dân

    Central Retail đẩy mạnh tiêu thụ thanh long, đồng hành cùng người nông dân

    11:00, 04/01/2022

  • Bình Thuận: Hiệp hội thanh long kêu cứu

    Bình Thuận: Hiệp hội thanh long kêu cứu

    03:30, 28/11/2021

  • Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long

    Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long

    13:00, 16/09/2021

  • Thanh long - trái cây xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam

    Thanh long - trái cây xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam

    23:00, 05/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải cứu thanh long: Không thể trông chờ vào một thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO