Chuyên đề

Làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát?

Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính 18/02/2025 04:09

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, chấp nhận một mức lạm phát nhất định là điều cần thiết, nhưng dòng tiền phải được đầu tư hiệu quả để đảm bảo chất lượng mà không gây hệ lụy tiêu cực.

Tập trung cho tăng trưởng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có những phát biểu quan trọng về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024. Theo đó, ban đầu Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 7% nhưng đến thời điểm này, Chính phủ đang xem xét điều chỉnh mục tiêu lên 8%, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm dù có thể gây ra tác dụng phụ đáng lo ngại là lạm phát.

Ảnh màn hình 2025-01-22 lúc 20.54.00
Với Việt Nam, dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đây là một thách thức không nhỏ, khi tăng trưởng kinh tế bình quân của thế giới năm nay dự báo ở mức dưới 3%. Các ngân hàng đầu tư quốc tế đã đưa ra nhận định rằng tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ khó có thể đạt mức cao, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc chiến thương mại không chỉ diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn lan rộng trên phạm vi toàn cầu.

Khu vực ASEAN cũng chỉ đạt mức tăng trưởng GDP từ 4 - 4,5%. Tuy nhiên với Việt Nam, dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra. Dù vậy, bài học từ quá khứ cho thấy việc đánh đổi tăng trưởng với lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô luôn là một bài toán cần cân nhắc.

Nhìn lại giai đoạn năm 2005-2006, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế rất cao, với tín dụng tăng trưởng mạnh khoảng 34-35%/năm. Hệ quả là lạm phát lên mức hai con số, trên 10%; lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng vượt 10%/năm do chính sách lãi suất thực dương được duy trì để đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Vì vậy, khi Chính phủ trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, mục tiêu lạm phát cũng sẽ phải điều chỉnh lên mức 4,5-5%.

Còn trong giai đoạn 2009-2010, Việt Nam đã triển khai các chính sách kích cầu mạnh mẽ, trong đó có các gói hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp vay đối với bốn lĩnh vực trọng yếu. Tuy nhiên, do chất lượng tín dụng yếu kém dẫn đến những năm 2011-2013, thị trường bất động sản gần như đóng băng và nợ xấu ngân hàng tăng cao.

So với trước đây, nền kinh tế Việt Nam hiện đã có nhiều thay đổi. Trước kia, hệ thống ngân hàng còn yếu kém cả về năng lực quản trị lẫn quy mô vốn, nhưng nay đã được cải thiện đáng kể. Độ mở nền kinh tế cũng lớn hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho việc thu hút dòng vốn đầu tư.

Một vấn đề quan trọng được đặt ra là nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa nhiều vào hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường vốn chưa phát huy hết tiềm năng. Dù thị trường cổ phiếu Việt Nam đã có quy mô khá lớn và được đánh giá là đang "mặc chiếc áo chật" ở thị trường cận biên. Kỳ vọng tới đây chúng ta sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu đáng lẽ là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp lại vẫn đang gặp khó khăn.

Như vậy sau nhiều năm mở cửa kinh tế, dòng vốn tại Việt Nam vẫn chủ yếu chảy qua hệ thống ngân hàng, đặc biệt với những doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa đại chúng hóa. Điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào tín dụng ngân hàng, đặt ra yêu cầu cần có sự điều tiết hợp lý.

Chấp nhận mức lạm phát nhất định

Có thể thấy từ năm 2015 đến nay, tăng trưởng của Việt Nam liên tục tăng cao, ngoại trừ năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng thấp và toàn bộ quá trình này vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Vì vậy, khi bơm tiền vào nền kinh tế, cần phải đảm bảo cân đối giữa tăng trưởng cao và chất lượng tín dụng.

Sự ổn định về lãi suất được hỗ trợ bởi thanh khoản dồi dào, nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động bơm ròng thanh khoản qua thị trường mở
Khi bơm tiền vào nền kinh tế, cần phải đảm bảo cân đối giữa tăng trưởng cao và chất lượng tín dụng

Như Thủ tướng nhấn mạnh, việc chấp nhận một mức lạm phát nhất định là điều cần thiết. Tuy nhiên, dòng tiền phải được đầu tư hiệu quả để đảm bảo chất lượng tăng trưởng mà không gây ra hệ lụy tiêu cực. Do đó, vai trò của các ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng thương mại rất quan trọng.

Thêm vào đó, trong kỳ họp Quốc hội bất thường diễn ra từ ngày 17 - 20/2 lần này, một trong những nội dung quan trọng được thảo luận là xem xét, chấp thuận một số dự án lớn, điển hình như dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Những dự án quy mô lớn này sẽ là nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt mức hai con số trong tương lai.

Có thể thấy, tiêu dùng trong nước của chúng ta hiện nay vẫn còn yếu, nên động lực cho tăng trưởng GDP chủ yếu đến từ đầu tư công, xuất nhập khẩu và khu vực đầu tư tư nhân. Đặc biệt, việc thúc đẩy đầu tư công sẽ có tác động lan tỏa lớn, tạo động lực kéo các doanh nghiệp cùng phát triển.

Một số ý kiến lo ngại rằng chỉ các doanh nghiệp lớn mới được lợi từ các dự án trọng điểm, song thực tế cho thấy khi đầu tư công được triển khai mạnh mẽ, cả nền kinh tế sẽ được kích thích, tiêu dùng gia tăng, qua đó tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân.

Quay trở lại vấn đề lạm phát là hệ quả của tăng trưởng, nhưng không phải lúc nào cũng có tương quan trực tiếp giữa hai yếu tố này. Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cũng cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp, trong đó chính sách tiền tệ và cung tiền đóng vai trò quan trọng.

Ngoài ra, cần cân nhắc đến những tác động từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh chính trị thế giới diễn biến khó lường. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay từ khi nhậm chức đã tạo ra nhiều biến động lớn, khiến nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều biến động, nhiều quốc gia đang chấp nhận mức lạm phát cao hơn để duy trì tăng trưởng. Chính sách tiền tệ nới lỏng và kích thích tài khóa mạnh mẽ giúp thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, đi kèm là áp lực giá cả leo thang. Đối với Việt Nam, bài toán cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng càng trở nên cấp bách, đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành chính sách để tránh rủi ro mất ổn định kinh tế vĩ mô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO