Kinh tế

Hút vốn ngoại cho tăng trưởng đột phá

THY HẰNG thực hiện 17/02/2025 04:26

Kinh tế Việt Nam kỳ vọng tiếp tục khởi sắc, cùng triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán góp phần thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế đột phá.

dominic.jpg

Chia sẻ với DĐDN, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhấn mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng trưởng kinh tế tư nhân và đầu tư công tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2025.

- Ông nhận định thế nào về mục tiêu tăng trưởng 8%, thậm chí hai con số của Việt Nam năm 2025

Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 là 7,5%, Chính phủ đặt mục tiêu 8% và cũng có những kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt hai con số, rõ ràng chúng ta đang động viên các chủ thể trong nền kinh tế. Còn về cá nhân tôi nhận định 7,5% đã là cao. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai chữ số của Chính phủ sẽ phải rất nỗ lực. Bởi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao nhất cũng chỉ ở mức 3% trong năm nay.

- Vậy theo ông, đâu là những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu đó?

Trước hết, về FDI, Việt Nam là nền kinh tế mở, đây trước hết là thế mạnh, sau là thách thức. Chúng ta có hạ tầng cơ sở và chủ trương, định hướng tốt, cũng như mối quan hệ tốt. Chúng ta nên tập trung đẩy mạnh động lực đó.

Thứ hai, đóng góp mạnh mẽ nhất của cả nền kinh tế Việt Nam là thành phần kinh tế tư nhân gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh,.... Đây là động lực lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế. Tôi cho rằng phải bổ sung các chính sách định hướng, chính sách ưu đãi, kiến tạo, để tăng cường bổ sung thêm cho động lực kinh tế tư nhân đó.

Thứ ba là đầu tư công. Lịch sử đầu tư công của Việt Nam có những mặt được, mặt chưa như kỳ vọng, nhưng nợ công khá thấp và còn dư địa an toàn. Chúng ta cũng thấy nhiều quy hoạch rất lớn cho đầu tư thêm vào hạ tầng cơ sở như cầu cảng, sân bay, đường cao tốc,… là cơ hội cho tăng trưởng đầu tư công.

fdi2024.jpg
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2024 đạt 38,23 tỷ USD, dòng vốn tập trung chủ yếu vào công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản. Nguồn: TCTK, TBNH


- Ông vừa khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong dòng vốn phát triển sản xuất và chuyển đổi xanh. Ông có kiến nghị gì về vấn đề này?

Hiện tại ở Việt Nam, lãi suất trái phiếu Chính phủ hay còn gọi là giá trên vốn phi rủi ro đang rất thấp, ở mức 1,8 - 2%/năm. Tuy nhiên khi một doanh nghiệp muốn vay vốn bằng cách phát hành trái phiếu, thì phải chấp nhận giá rất cao, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện không còn mức 8%/năm, mà trung bình từ 9 - 12%/năm. Chênh lệch rủi ro đối với các chủ thể mà không phải là Nhà nước là quá cao. Tôi nghĩ Việt Nam không nên chấp nhận điều đó, đây là mức chênh lệch quá lớn và chúng ta nên mổ xẻ nguyên nhân nằm ở đâu, tác động vào doanh nghiệp thế nào? Giảm được chênh lệch đó mới cung cấp được giá vốn phù hợp cho doanh nghiệp.

- Từ những mục tiêu tăng trưởng đề ra, ông đánh giá như thế nào về những cơ hội và thách thức trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025?

Mục tiêu của thị trường chứng khoán là đến năm 2025 giá trị vốn hoá lên 80-100% của GDP. Nếu tính đến thời điểm hiện tại, giá trị của thị trường nợ cộng thị trường chứng khoán đã xấp xỉ 80%.
Cơ hội thứ hai là sau một số năm khó khăn, chúng ta bước vào thời điểm mà triển vọng các doanh nghiệp niêm yết lên sàn sẽ tăng. Nhà đầu tư nước ngoài đang rất kỳ vọng vào chương trình IPO sắp tới, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân khi lên sàn.
Cơ hội thứ ba, từ năm 2024, Bộ Tài chính đang rất tập trung vào việc nâng hạng thị trường chứng khoán thông qua việc sửa đổi Luật chứng khoán. Đồng thời, nâng cao chất lượng và sự hấp dẫn của thị trường.

- Ông nhận định xu hướng dòng vốn ngoại sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2025?

Trong năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, khoảng 90.000 tỷ đồng, vì những lý do của Việt Nam và cả quốc tế. Trong thời gian trước mắt, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quá dễ dàng, mà phải thận trọng với các vấn đề lớn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, điều kiện chung của Việt Nam trong năm 2025 tốt hơn năm 2024, tốt hơn năm 2023, tốt hơn năm 2022- đây là 3 năm nhà đầu tư ngoại bán liên tiếp.

Việt Nam cũng đang là điểm sáng trong khu vực và thế giới với nhiều triển vọng tích cực trong năm 2025. Theo đó, dù đối diện với bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn đang cho thấy được sức mạnh nội tại của mình và có thể tận dụng được những cơ hội để đạt được mức tăng trưởng khả quan.

Hiện nay, Việt Nam đang có lợi thế thuận lợi hơn bao giờ hết nhờ vị trí địa chính trị chiến lược, mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với nhiều quốc gia và là điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI, tăng trưởng kinh tế ổn định và bền bỉ trên 6% cùng với lạm phát trong tầm kiểm soát, các định hướng chính sách tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, tôi cho rằng xu hướng năm 2025 sẽ “đảo ngược” và nhà đầu tư sẽ quay trở lại với Việt Nam, góp phần hiện thực mục tiêu tăng trưởng kinh tế đột phá trong năm nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hút vốn ngoại cho tăng trưởng đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO