GDP 2025 đạt 8% tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số từ năm 2026.
Mặc dù là nhiệm vụ nặng nề, tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, các cơ quan hữu quan đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng và chủ động xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể để thực hiện.
Theo đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 01/2025 vừa qua, trả lời cho câu hỏi liên quan đến cơ sở cho mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị một Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế.
Nội dung chính của Nghị quyết là cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng từ 8% trở lên, trong đó giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương trên cả nước, đồng thời xác định một số chỉ tiêu chính dành cho các bộ, ngành ở Trung ương trên cơ sở phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi. Về quan điểm và tinh thần thực hiện, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, chúng ta cần có quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, về giải pháp từ phía cầu thì đẩy mạnh đầu tư là ưu tiên hàng đầu, trong đó có đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư tư nhân. Doanh nghiệp Nhà nước đầu đàn, doanh nghiệp dẫn dắt cần chủ động thực hiện những dự án có quy mô lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Còn về thu hút vốn đầu tư tư nhân, cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ vướng mắc, khơi thông các thị trường quan trọng trong nước, bao gồm thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán...
Trong khi đó, liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Đào Minh Tú cho biết, muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, muốn đầu tư thì phải có vốn. Năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tín dụng tăng trưởng 14,55%; năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Như vậy, trung bình, tín dụng tăng trưởng hơn 2% sẽ giúp GDP tăng trưởng 1%. Cho nên, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tăng trưởng tín dụng phải đạt khoảng 16%; tăng trưởng kinh tế 10% thì tăng trưởng tín dụng phải đạt mức 18-20%.
Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, phải bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, ngân hàng thương mại; đẩy mạnh huy động vốn, vốn nhàn rỗi bằng chính sách lãi suất hợp lý. Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ sử dụng các công cụ điều hành về cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ để bảo đảm vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định; chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm chi phí, ứng dụng công nghệ giảm chi phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời đặt ra hạn mức tín dụng 16%, nhưng vẫn có thể nâng hạn mức tín dụng cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép và đạt mục tiêu tăng trưởng.
Về chính sách điều hành tỷ giá, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá nhằm hóa giải những tác động của thế giới để duy trì một thị trường ngoại tệ ổn định. Chúng tôi cũng sử dụng các biện pháp can thiệp khi cần thiết để bảo đảm được quan hệ ngoại tệ một cách tích cực và bảo đảm tỷ giá ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ cũng như đối phó.