Giải pháp cho thị trường bất động sản: Ổn định và phát triển thị trường trái phiếu

DIỆU HOA 17/02/2023 11:32

Kiến nghị được TGĐ Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" diễn ra sáng 17/2.

>>Thủ tướng: Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Tổng Giám đốc Vietcombank (VCB) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tại VCB tăng 17,46% so với thời điểm cuối năm 2021 và chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng của VCB. Với số liệu về tăng trưởng tín dụng BĐS trong năm qua như đã báo cáo, có thể khẳng định về phía VCB không có các hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS.

Cơ chế tín dụng riêng cho từng phân khúc

Tại VCB, lĩnh vực BĐS được chia thành 4 phân khúc và đối với từng phân khúc BĐS Vietcombank đã xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp cho từng phân khúc khách hàng cũng như phân khúc sản phẩm trên thị trường; thực hiện rà soát, cập nhật kịp thời theo triển vọng, mức độ rủi ro đối với từng nhóm tiểu ngành nhằm hỗ trợ kịp thời đối với các khách hàng trong từng lĩnh vực BĐS.

Về định hướng tín dụng, VCB định hướng mở rộng cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với phân khúc BĐS khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đối với khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng và văn phòng, cao ốc, trung tâm thương mại, VCB định hướng cấp tín dụng có chọn lọc, tập trung vào các doanh nghiệp uy tín, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính và khả năng tổ chức triển khai tốt và sẽ xem xét điều chỉnh định hướng kịp thời khi thị trường khởi sắc hơn.

Đối với đất ở, nhà ở, tại VCB hơn 90% là dư nợ đối với tiểu ngành này là cho vay khách hàng cá nhân.

Đối với khách hàng cá nhân, VCB định hướng cấp tín dụng đối với các khách hàng có nhu cầu mua để ở, thu nhập ổn định, minh bạch... VCB định hướng duy trì tài trợ đối với dự án đầu tư thuộc phân khúc BĐS đất ở, nhà ở đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý và có mức giá phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số người dân.

Về chất lượng cấp tín dụng của VCB đối với lĩnh vực BĐS, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực BĐS tại VCB luôn duy trì ở mức dưới 1%. Chất lượng tín dụng lĩnh vực BĐS ổn định, trong khả năng kiểm soát.

>>Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

Định hướng tín dụng bất động sản

Song ông Tùng cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay do thay đổi về pháp lý, chính sách các thời kỳ, các dự án bị thu hồi...

Cần đưa mặt bằng giá BĐS về mức phù hợp với thị trường

Bên cạnh đó, do giá nhà tăng cao, cơ cấu cung - cầu bất hợp lý, tồn tại hiện tượng đầu cơ lướt sóng BĐS... ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường BĐS nói chung và hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS nói riêng.

Ngoài nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng và vốn huy động từ người mua, đối với nhu cầu vốn còn lại, các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS hiện chủ yếu dựa vào phát hành trái phiếu – đây là nguồn huy động vốn thích hợp cho BĐS.

Trong khi đó, cũng theo ông Tùng, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều tồn tại dẫn đến rủi ro thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như khả năng tiếp tục huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS qua kênh này, tác động lớn tới khả năng phát triển và hoàn thiện các dự án BĐS.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, ông Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị Chính phủ có giải pháp nhanh chóng ổn định và phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu nhằm góp phần tạo ra kênh dẫn vốn trung dài hạn, tạo nguồn vốn bền vững cho thị trường BĐS, đồng thời giảm áp lực cung ứng vốn từ kênh tín dụng.

Đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động cấp phép cho các dự án bất động sản, bảo đảm tính đồng bộ trong các văn bản, quy định nhằm hạn chế các rủi ro pháp lý tiềm ẩn trong hoạt động của thị trường BĐS nói chung và hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực BĐS nói riêng.

Kiến nghị đối với các Bộ, ngành, địa phương: Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý, đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các dự án, có các giải pháp hỗ trợ khơi thông các vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính và khuyến khích phát triển sản phẩm tiếp cận người mua thực có mức giá bán hợp lý. Từ đó góp phần ổn định thị trường BĐS, cải thiện niềm tin của các chủ thể tham gia (doanh nghiệp phát triển dự án, người mua nhà...) cũng như giảm thiểu các rủi ro, khó khăn vướng mắc trong hoạt động cấp tín dụng lĩnh vực BĐS.

Đối với các doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, tiết giảm chi phí, đưa mặt bằng giá về mức phù hợp với thị trường. Cần thực hiện tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm hướng đến nhu cầu thực, các phân khúc nhà ở thương mại bình dân, nhà ở thu nhập thấp để phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

    Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng

    11:10, 17/02/2023

  • Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đề xuất NHNN chỉ đạo hạ lãi suất

    Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đề xuất NHNN chỉ đạo hạ lãi suất

    10:55, 17/02/2023

  • Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đẩy nhanh việc bơm vốn vào nền kinh tế

    Giải pháp cho thị trường bất động sản: Đẩy nhanh việc bơm vốn vào nền kinh tế

    10:17, 17/02/2023

  • Thủ tướng: Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

    Thủ tướng: Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững

    09:57, 17/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp cho thị trường bất động sản: Ổn định và phát triển thị trường trái phiếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO