Giải pháp lấp khoảng trống giữa ngân hàng và doanh nghiệp SME

PHẠM QUANG MINH - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam 26/09/2023 14:56

Trong bối cảnh mới hiện nay, sự kết hợp giữa ngân hàng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được xem là bước đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của cả hai.

>>>Đằng sau “cú bắt tay” của FPT Semiconductor và Silvaco?

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, SME thường xuyên gặp phải thách thức trong việc huy động vốn từ các ngân hàng truyền thống. Từ đó xuất hiện các khoảng trống tài chính dành cho các SME, gây trở ngại đáng kể cho sự tăng trưởng và phát triển của khối doanh nghiệp này; đồng thời, ngân hàng cũng để lỡ một nguồn thu có sự tăng trưởng vượt bậc.

Ông

Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam

Cho vay SME - Fintech vượt qua ngân hàng truyền thống

Tại Việt Nam, kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW, chỉ 25% SME được vay vốn qua ngân hàng và các nguồn chính thống khác, 75% còn lại vẫn phải đi huy động qua bạn bè, gia đình và các nguồn phi chính thống.

Tuy nhiên, sự nổi lên của các FinTech trong những năm gần đây đã thay đổi cuộc chơi vay vốn của SME, họ cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng. Theo EY, trong khi các ngân hàng vẫn là nguồn tài trợ ưa thích của phần lớn các SME (63%) thì mức độ phổ biến của các FinTech đã tăng lên đáng kể (56%) kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát

Fintech sử dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Họ đã đưa ra các sản phẩm mới dành riêng cho nhu cầu của SME. Ví dụ: cho vay P2P, tài trợ hóa đơn, tài trợ chuỗi cung ứng trực tuyến, tài trợ thương mại trực tuyến và tài trợ thương mại điện tử.

Nguồn vay này có ý nghĩa quan trọng với các SME, đặc biệt là các doanh nghiệp startup, vì họ có lịch sử tín dụng hoặc tài sản thế chấp hạn chế, không đáp ứng các tiêu chí đủ điều kiện cho các khoản vay ngân hàng truyền thống.

Một cuộc khảo sát do công ty Ernst & Young thực hiện vào năm 2022 cho thấy một tỷ lệ đáng kể các SME quan tâm đến việc tiếp cận nguồn tài chính nhanh hơn. Cụ thể, 66% SME bày tỏ sự quan tâm đến việc tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn, với 55% muốn đảm bảo nguồn tài chính trong vòng một tuần và 31% muốn thực hiện điều đó trong vòng ba ngày.

Do đó, nếu các ngân hàng không thể đáp ứng yêu cầu này, ngày càng nhiều SME sẽ chuyển sang các công ty cho vay FinTech.

Theo báo cáo do Allied Market Research (2021) công bố, thị trường cho vay FinTech trên toàn thế giới có giá trị là 449,89 tỷ USD vào năm 2020 và được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 27,4% từ năm 2021 đến năm 2030 để đạt 4.957,16 tỷ USD. 

Khi ngành cho vay FinTech tiếp tục phát triển, các SME có thể mong đợi được hưởng lợi từ các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo hơn, giúp họ đạt được mục tiêu kinh doanh của mình.

Còn với ngân hàng truyền thống, họ sẽ bỏ lỡ thị trường này nếu không thay đổi tư duy và đầu tư vào công nghệ.

>>>Khát vọng cống hiến từ những doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc

Ứng dụng công nghệ được xem là giải pháp giúp các ngân hàng kết nối linh hoạt hơn với các doanh nghiệp SME

Ứng dụng công nghệ được xem là giải pháp giúp các ngân hàng kết nối linh hoạt hơn với các doanh nghiệp SME. Ảnh minh họa.

Ngân hàng cần tận dụng công nghệ để tiếp cận SME

Các ngân hàng truyền thống với công nghệ lõi thế hệ trước rất cồng kềnh, chậm chạp và khó thay đổi. Điều đó tạo ra cho ngân hàng các rào cản trong việc cho vay SME như như quy trình chậm, trải nghiệm người dùng kém, ít thông tin, dữ liệu và hiểu biết về SME. Do vậy, sản phẩm ngân hàng chưa đủ hấp dẫn, thiếu tính tùy biến, không đáp ứng được nhu cầu SME.

Để khắc phục hạn chế này, cạnh tranh với FinTech trong lĩnh vực cho vay SME, ngân hàng có thể làm phong phú thêm dữ liệu cho mô hình chấm điểm tín dụng. Ngân hàng có thể tích hợp dữ liệu khách hàng với nguồn thông tin rộng hơn và sáng tạo hơn, được lấy từ các nguồn bên ngoài (như dữ liệu nhân khẩu học xã hội địa phương, dữ liệu web, chỉ thị dịch vụ thanh toán - PSD2, v.v.). Nhưng để làm được điều này, ngân hàng cần trở nên linh hoạt và nhanh nhẹn hơn với kiến trúc kết hợp (Composable Banking), sử dụng các công nghệ đám mây hiện đại với các giao diện lập trình ứng dụng (API). Các công nghệ mới này cho phép các bên thứ ba trao đổi dữ liệu với ngân hàng, để giúp ngân hàng có được nhiều hơn thông tin về SME - điều lớn nhất đang cản trở phê duyệt khoản vay của SME.

Ngân hàng có thể hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp bên thứ ba như các FinTech để để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, cũng như đáp ứng được khả năng “đo ni đóng giày” cho từng yêu cầu cụ thể của ngân hàng.

Ví dụ: Các ngân hàng yêu cầu nhiều loại giấy tờ, với nhiều vòng duyệt khác nhau, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Trong khi, các SME muốn có quy trình tín dụng đơn giản hơn, sử dụng tiêu chuẩn hóa và các công nghệ thân thiện với người dùng hơn. Nhiều SME muốn đăng ký tín dụng trên điện thoại, vì vậy mọi giải pháp đều cần được thiết kế thân thiện với thiết bị di động. Ngoài ra, do các khoản vay thường mang tính thương lượng (về thời hạn, số tiền vay và lãi suất), bất kỳ hệ thống nào cũng cần phải đủ linh hoạt để sửa đổi cấc điều khoản, mà không cần yêu cầu khách hàng phải nộp lại hồ sơ từ đầu.

Đại dịch đã cho các SME thấy được lợi thế và tiềm năng của dịch vụ cho vay kỹ thuật số. Việc cho vay được số hóa hoàn toàn có thể cho phép các ngân hàng đưa ra quyết định nhanh chóng, đồng thời cung cấp được một quy trình dễ dàng và trơn tru cho các SME. Đồng thời, ngân hàng có thể thu thập được nguồn dữ liệu phong phú, theo thời gian thực, giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu của SME và thiết kế các sản phẩm mới phù hợp, cũng như hướng tới tính siêu cá nhân hóa để có thể tạo ra các ưu đãi dành riêng cho từng SME.

Đây là thời điểm quan trọng và thích hợp để các ngân hàng đưa ra đề xuất cho vay SME, vốn bị khối ngân hàng bán buôn làm lu mờ. Khi chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển trong toàn bộ nền kinh tế, các SME khởi nghiệp cũng là những người yêu thích công nghệ, và đã quen với các hành vi mua sắm hay thanh toán trên các ứng dụng. Khơi thông nguồn vốn cho SME không chỉ mang lại lợi ích cho ngân hàng, mà còn giúp các SME đạt được mục tiêu kinh doanh của mình, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng Nhà nước sẽ hút tiền qua tín phiếu bao lâu?

    Ngân hàng Nhà nước sẽ hút tiền qua tín phiếu bao lâu?

    13:19, 26/09/2023

  • Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, chính sách tiền tệ có đảo chiều?

    Ngân hàng Nhà nước hút tiền về, chính sách tiền tệ có đảo chiều?

    05:00, 26/09/2023

  • UOB: Lộ trình cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hiện hữu

    UOB: Lộ trình cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang hiện hữu

    15:53, 25/09/2023

  • 2 ngân hàng “bất ngờ” đẩy nhanh tốc độ chuyển tiền qua di động 

    2 ngân hàng “bất ngờ” đẩy nhanh tốc độ chuyển tiền qua di động 

    08:03, 19/09/2023

  • Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vốn ngân hàng

    Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vốn ngân hàng

    05:00, 12/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp lấp khoảng trống giữa ngân hàng và doanh nghiệp SME
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO