Chính sách tiền tệ đang thông suốt hướng đến tăng trưởng tín dụng và cung tiền mạnh hơn, nên hành động hút ròng gần 20.000 tỷ đồng của NHNN chưa phải là động thái cho thấy chính sách sẽ đảo chiều.
>>Lãi suất cho vay sẽ giảm thêm?
Ngày 21-22/9/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra thông báo về việc phát hành lần lượt 9.995 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày (4 tuần). Như vậy, NHNN đã hút ròng gần 20.000 tỷ đồng trên thị trường mở, thông qua việc phát hành tín phiếu sau hơn 6 tháng tạm dừng nghiệp vụ này.
Với việc hút lại số tiền trên, nhiều người bày tỏ lo ngại NHNN có động thái đảo chiều chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, băn khoăn này phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.
Về nguyên nhân, việc hút ròng số tiền gần 20.000 tỷ đồng là do lãi suất liên ngân hàng hiện nay đã về mức thấp nhất trong lịch sử của ngành ngân hàng (0,14% một năm), cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vô cùng dồi dào.
Vừa qua, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng chia sẻ, trước đây ngân hàng gần như lúc nào cũng thiếu vốn, nhưng đến nay hệ thống ngân hàng lại có hiện tượng chưa từng có đó là thừa tiền. Hay nói cách khác, “hàng tồn kho” của các ngân hàng tăng rất cao giống như khu vực doanh nghiệp sản xuất.
Vì vậy, NHNN phát hành 20.000 tỷ đồng tín phiếu để hút tiền về. Thậm chí ngay cả khi NHNN có phát hành 50.000 tỷ đồng thì cũng chỉ là rút bớt tiền ở phần thanh khoản quá cao, chứ không ảnh hưởng đến cung tiền, tín dụng hay dòng tiền trên thị trường vào sản xuất kinh doanh cũng như thị trường chứng khoán.
Một thông tin đáng chú ý là trong thời gian 1-2 tháng vừa qua, Kho bạc Nhà nước đã rút rất nhiều tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần để phục vụ cho hoạt động đầu tư công và các kế hoạch khác.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 15/9/2023 chỉ ở mức 5,56%, thấp bằng hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, tín phiếu NHNN phát hành kỳ hạn 28 ngày lãi suất chỉ 0,69% một năm - là mức lãi suất rất thấp. Điều này cho thấy về cơ bản, NHNN chỉ hành động để rút bớt thanh khoản dư thừa, chứ không phải việc rút tiền về một cách cố định, hay rút tiền khỏi nền kinh tế.
>>Bỏ qua tác động từ Fed, giữ vững nền lãi suất thấp hỗ trợ GDP
Riêng về câu chuyện đảo chiều chính sách, chúng tôi cho rằng sẽ không xảy ra ở thời điểm hiện tại. Trong đó có một số yếu tố tác động như sau: Thứ nhất, việc rút tiền quy mô 20.000 tỷ đồng là rất nhỏ so với sự dư thừa trên thị trường lên đến vài trăm nghìn tỷ đồng.
Thứ hai, Chính phủ và NHNN vẫn liên tục yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, chứng tỏ NHNN không có động thái đảo chiều mà vẫn mong muốn tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong tương lai.
Thứ ba, NHNN cũng tiếp tục thúc đẩy các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước lớn gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng; thậm chí yêu cầu 4 ngân hàng này phải tăng trưởng tín dụng 14% nhằm mục đích ép lãi suất giảm thêm.
Khi có yêu cầu thì các ngân hàng sẽ phải hạ lãi suất để tăng trưởng tín dụng tốt, từ đó thu hút được khách hàng của các ngân hàng khác. Cùng với đó là việc cho phép khách hàng vay của ngân hàng này trả nợ ngân hàng kia, khiến các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bắt buộc phải hành động giảm lãi suất, giữ chân khách hàng chất lượng của mình.
Việc này cũng khiến tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng nhanh, dấu hiệu này đã xuất hiện từ đầu tháng 9/2023 nhưng chưa quá mạnh. Về cơ bản, chính sách tiền tệ đang thông suốt, hướng đến việc tăng trưởng cung tiền và tín dụng mạnh hơn, hỗ trợ kinh tế phát triển những tháng cuối năm 2023 định hướng 2024, thậm chí là xa hơn.
Thứ tư, một trong những yếu tố tác động đến việc đảo chiều chính sách hay không chính là lạm phát. Hiện nay, lạm phát của Việt Nam trong tháng 8/2023 tăng 0,9% do giá xăng dầu và giá lương thực tăng mạnh. Đến tháng 9 này, tác động bởi giá xăng dầu vẫn còn, cùng giá một số hàng hóa khác tăng khiến lạm phát tháng 9 dự báo tiếp tục cao, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và NHNN.
Hiện lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng Big4 là 5,3 - 5,5% một năm; đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân là 6 - 7% một năm, so với lạm phát 3 - 3,5% thì lãi thực dương vẫn từ 2 - 3% thậm chí là 4%. Về cơ bản, lạm phát thấp hơn so với ngân hàng nên không có áp lực lớn để NHNN phải đảo chiều chính sách.
Thứ năm, sản xuất kinh doanh nói chung, xuất khẩu nói riêng, đầu tư công và giải ngân FDI nói riêng mới bắt đầu trở lại thông qua chỉ số PMI của tháng 8/2023 là 50,2 điểm, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh bây giờ mới hồi phục. Những nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay bắt đầu phát huy hiệu quả, nên không có lý do gì để NHNN đảo chiều chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 đang rất thấp. Với mọi yếu tố từ khách quan đến chủ quan và những yêu cầu từ nền kinh tế đều cho thấy, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn ủng hộ khả năng tiếp tục duy trì mở rộng tín dụng và cung tiền ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, điều gì cũng có thể xảy ra nếu có những biến cố bất ngờ khiến lạm phát ở Việt Nam tăng vọt, thì việc đảo chiều chính sách sẽ gần như chắc chắn xảy ra. Chúng tôi đánh giá xác suất đảo chiều là thấp, chỉ khoảng một vài phần trăm nhưng nhà đầu tư trên thị trường vẫn cần quan sát chặt chẽ các yếu tố như lãi suất, lạm phát và tăng trưởng cung tiền.
Có thể bạn quan tâm
05:26, 23/09/2023
03:03, 23/09/2023
05:01, 21/09/2023
05:00, 21/09/2023