Giải pháp "mở cửa" an toàn với các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh

Diendandoanhnghiep.vn Theo GS. TS Nguyễn Trọng Hoài, có nhiều việc cần làm và có thể khả thi để TP.HCM thí điểm mở cửa theo hướng an toàn với các Khu công nghiệp.

TP.HCM đang thí điểm mở cửa theo các kịch bản của chiến lược "Sống chung với virus". Đây là kế hoạch đã và đang được nhiều doanh nghiệp mong đợi để giải quyết những khó khăn khi kéo dài "1 cung đường, 2 điểm"; "3 tại chỗ". Đặc biệt với các doanh nghiệp các Khu công nghiệp (KCN) thường sử dụng quy mô nhân công lao động rất lớn, càng phải đau đầu về đảm bảo giữ được doanh nghiệp, giữ được an toàn cho người lao động.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ, hiến kế những giải pháp theo ông có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trong kế hoạch mở cửa trở lại này.

Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

-TP.HCM đang thí điểm mở cửa theo hướng an toàn với các Khu công nghiệp (KCN), GS có đánh giá gì về việc làm người lao động các KCN hiện nay?

TP HCM giãn cách hơn 100 ngày, người lao động các KCN có hai hình thức là khoảng 20% ở lại làm việc theo nguyên tắc cách ly 3 tại chỗ, còn lại hơn 50% tự tránh dịch bằng cách về quê sinh sống và 30% còn lại chỉ ở nhà theo nguyên tắc ai ở đâu ở đó chờ việc. Cho đến thời điểm này, cho dù là được làm việc hay chờ việc, người lao động đều có những nguyện vọng sớm trở về trạng thái bình thường để có thể làm việc và có thu nhập như trước đây.

- Theo GS, kế hoạch mở cửa của TP.HCM có tác động như thế nào đến việc làm và thu nhập của người lao động tại các KCN?

TP.HCM cũng như cả nước đều nhận ra không thể bình thường mới theo quan điểm không COVID-19 mà chúng ta phải sống chung với nó như bệnh đặc hữu. Rất khó có thể làm cho nó biến mất vì có nhiều biến chủng khó dự đoán. Nếu tiếp tục giãn cách cực đoan sẽ thiệt hại đến sinh kế của hơn 300 ngàn người lao động tại KCN nói riêng và người lao động khác nói chung.

Tuy nhiên, tiếp cận thẻ xanh và thẻ vàng áp dụng cho người lao động mặc dù với mục tiêu là tạo cơ hội cho người lao động tham gia lại các công việc của họ trước đây, nhưng những quy định quá nghiêm ngặt về các điều kiện triển khai khác gắn với thẻ xanh, thẻ vàng có thể phần nào làm cho khẳ năng tiếp cận việc làm và thu nhập của người lao động tại các KCN TP.HCM có thể gặp khó khăn.

- GS có thể nói các khó khăn đó cụ thể là gì?

Khó khăn thứ nhất là quy định về nơi ở xanh của của người lao động có thẻ xanh. Hiện nay hơn 50% người lao động từ các KCN đến từ các địa phương khác và họ đã về quê tránh dịch theo cách ứng phó tự nhiên. Nếu số này được gọi lại thì họ không tuân thủ được điều kiện nơi ở xanh vì họ quay lại TP.HCM từ vùng chưa được công nhận là xanh hoặc trở về nơi lưu trú là đa số nhà trọ trước đây cũng chưa thể được coi là nơi ở xanh.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (UEH)

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (UEH)

Khó khăn thứ hai cho đến thời điểm này mới có khoảng hơn 40% người lao động các KCN hoàn thành đầy đủ 2 mũi vaccine. Do họ không còn lưu trú ở TP.HCM nên việc tập trung tiêm theo đối tượng ưu tiên của TP. HCM cho KCN chưa được đầy đủ. Số người lao động có thẻ xanh tại các KCN sẽ khó đạt được trong ít nhất hai tháng tới hay thậm chí là cuối năm. Do đó, KCN sẽ khó có thể có đủ người lao động cho dù là tuyển mới, trong khi đó, những lao động trước đây trong KCN chưa có thẻ xanh có thể phải tiếp tục chờ việc, sinh kế của họ sẽ tiếp tục khó khăn. 

- Như vậy các triển khai thí điểm của TP.HCM cho các KCN trong các vùng xanh như Củ Chi, Cần Giờ, Quận 7 sẽ tác động như thế nào đến việc làm của người lao động đã tham gia các KCN tại các địa bàn này, thưa GS?

Về nguyên tắc thì các KCN như Tân Thuận, Tây Bắc Củ Chi, Đông Nam, Cơ khí ô tô, Tân Phú Trung nếu tuân thủ nguyên tắc 4 xanh theo quy định của TP.HCM sẽ giải quyết được việc làm khoảng 40% lao động trong các KCN. Nhưng như đã nói, số lao động của các KCN trong các vùng xanh được thực hiện thí điểm rất khó tập trung khi đa số họ đã về quê tránh dịch. Ngoài ra các quy định về 3 tại chỗ và xét nghiệm định kỳ, cũng như phân biệt người lao động có thẻ xanh và thẻ vàng tại nơi làm việc sẽ làm khó các doanh nghiệp trong các KCN. Chi phí sản xuất sẽ tăng do phải chi phí test định kỳ COVID-19 và dây chuyền sản xuất và bố trí nơi lưu trú cho hai nhóm người lao động có mức độ an toàn COVID khác nhau là thẻ vàng và thẻ xanh.

 - GS có kiến nghị giải pháp gì để người lao động trong các KCN có việc làm an toàn trở lại để đảm bảo sinh kế của họ trong điều kiện mở cửa mới này?

TP.HCM tiếp tục triển khai ưu tiên phủ đủ vaccine cho 60% người lao động tham gia KCN trước đây cho dù là họ ở các địa phương khác nhau để họ sớm quay lại sản xuất - nơi mà họ làm việc trước đây. Điều này cũng tạo cho doanh nghiệp trong các KCN tại TP.HCM dần dần hoạt động lại với công suất như cũ theo nguyên tắc thẻ xanh.

Theo tôi, nguyên tắc chủ đạo để người lao động có lại việc làm là có thẻ xanh, còn các quy định khác chỉ nên mang tính hướng dẫn giảm thiểu rủi ro lây nhiễm trong quá trình sản xuất tại các KCN. Do lấy thẻ xanh là nguyên tắc chủ đạo còn các quy định khác, ví dụ như 3 tại chỗ về lâu dài không nên quy định là điều kiện bắt buộc trong bối cảnh mở cửa theo tiếp cận mới. Quy định này làm người lao động sống cách ly dài với gia đình và người thân nên không thể an tâm sản xuất, đồng thời làm tăng chi phí mà hơn 80% doanh nghiệp TP.HCM đang gặp do hơn 3 tháng ngừng hay sản xuất cầm chừng.

Tôi cho rằng, không nên quá cứng nhắc trong việc áp dụng 4 xanh cho người lao động và các KCN. Khi sống chung với COVID-19 thì an toàn y tế đặt ra đầu tiên, tức là làm sao giảm số ca nhập viện hay tử vong chứ không thể giảm số ca F0. Như vậy khái niệm vùng xanh, nơi ở xanh, con đường xanh sẽ khó khăn khi triển khai. Do đó, nên giao việc quản trị an toàn người lao động cho doanh nghiệp theo quy định chung, thay vì có những quy định quá cụ thể và quá cứng nhắc như hiện nay.

Thêm nữa, từng KCN nên có một trạm y tế lưu động giám sát tính an toàn y tế của người lao động và DN, đồng thời hỗ trợ các Doanh nghiệp KCN ứng phó với các rủi ro khi có các ca F0 phát sinh theo quy định của ngành y tế. Điều này sẽ làm cho người lao động, doanh nghiệp yên tâm hơn trong quá trình khởi động lại.

Ngoài ra, về lâu dài tại các KCN theo tiếp cận quy hoạch bên trong hay các dịch vụ lưu trú bên ngoài KCN cần bố trí các nơi lưu trú an toàn dành cho người lao động đảm bảo các an toàn y tế tối thiểu, thậm chí phải quy định rõ cho các nơi lưu trú chiếm đa số của người lao động tại TP.HCM hiện nay là các khu nhà trọ quá đông nguy cơ lây nhiễm rất cao mà chúng ta đã trải qua trong đợt dịch vừa rồi.        

-Xin cảm ơn GS!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp "mở cửa" an toàn với các khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711626489 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711626489 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10