Nghiên cứu - Trao đổi

Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng vệ thương mại

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 15/10/2024 04:30

Để nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, theo chuyên gia, cần thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp...

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, đến hết tháng 9 năm 2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra phòng vệ thương mại và đang duy trì áp dụng 22 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Tổng doanh thu hàng năm của các doanh nghiệp sản xuất trong nước tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại ước đạt 475 nghìn tỷ đồng, số lao động trực tiếp làm việc tại các doanh nghiệp khoảng trên 36.000 người, thu ngân sách hàng năm từ thuế phòng vệ thương mại đạt từ 1.200 đến 1.500 tỷ đồng.

giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-ve-thuong-mai-24.1.1.1.jpg
Việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về kết quả đã nêu, nhiều ý kiến cho hay, các công cụ phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ được sử dụng hợp lý, theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế đang góp phần hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển bền vững trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng, từ đó đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động, đồng thời đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tăng cường năng lực của đội ngũ doanh nhân trong nước.

Thực tế, nhờ có các biện pháp phòng vệ thương mại, trong những năm vừa qua, nhiều ngành hàng trong nước đã được hưởng lợi.

Theo ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại, ngành thép Việt Nam đã có cơ hội phát triển, đủ sức cạnh tranh công bằng với hàng nhập khẩu trên thị trường trong nước. Đồng thời, ngành thép cũng đã xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ thép cán nóng, thép cán nguội, thép mạ, đủ năng lực để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác.

giai-phap-nang-cao-hieu-qua-phong-ve-thuong-mai-24.1.1.2.jpg
Theo chuyên gia, để nâng cao hiệu quả thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại, cần thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp - Ảnh minh họa

Ngoài ngành thép, từ khi thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng với đường nhập khẩu từ Thái Lan, sản lượng đường sản xuất trong nước đã tăng từ xấp xỉ 700.000 tấn niên vụ 2020-2021 lên gần 1,2 triệu tấn niên vụ 2023 - đến tháng 9 năm 2024, tăng 161%. Doanh thu của các nhà máy đường đã tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn…

Trước tín hiệu tích cực do công tác này mang lại, không ít ý kiến đề xuất, cơ quan quản lý cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc hoàn thiện các công cụ phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực điều tra và xử lý vụ kiện, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường sự bảo vệ cho các ngành sản xuất trong nước.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề đã nêu, ông Lê Sỹ Giảng - Giám đốc Điều hành GH Consults nhìn nhận, so với các quốc gia khác, Việt Nam hội nhập kinh tế nhanh nhưng kinh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại còn rất ít. Với những diễn biến của thị trường thế giới hiện nay, dự báo trong 10 – 15 năm tiếp theo, việc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt và các công cụ phòng vệ thương mại sẽ được nhiều quốc gia vận dụng triệt để.

Điều đáng mừng là trong 5 -7 năm gần đây hiểu biết và khả năng vận dụng phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam có tiến triển, do tốc độ mở cửa kinh tế nhanh, áp lực cạnh tranh, va chạm với các thị trường ngày càng lớn. Trong bối cảnh đó, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang hoạt động rất tích cực là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phòng vệ thương mại là công cụ bảo vệ ngành hàng, không phải bảo vệ từng doanh nghiệp riêng lẻ.

Vì vậy, để áp dụng hiệu quả các công cụ này, vai trò tập hợp, liên kết của hiệp hội ngành hàng là vô cùng quan trọng. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại để có sự chia sẻ, đồng hành hướng tới bảo vệ quyền lợi chung một cách chính đáng.

Còn theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là chống bán phá giá, là công cụ hợp pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hoạt động sản xuất nội địa, mà trực tiếp là ngành sản xuất thép, trước hành vi cạnh tranh không lành mạnh như bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ của nước xuất khẩu vào Việt Nam.

Song về lâu dài, Nhà nước cần thiết kế một khung khổ pháp lý và tổ chức một bộ máy thực thi công cụ phòng vệ thương mại một cách hợp lý, chặt chẽ, minh bạch, phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để các doanh nghiệp sản xuất trong nước có thể sử dụng một cách thuận lợi, hiệu quả, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định.

Được biết, vừa qua Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc triển khai sửa đổi, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP gửi Bộ Tư pháp thẩm định để trình Chính phủ trong thời gian tới – Đây được cho là cơ sở pháp lý tốt để triển khai bảo vệ ngành sản xuất trong nước một cách minh bạch và rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng vệ thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO