Năm 2024, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang bước vào giai đoạn quan trọng nhằm mục tiêu nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
>>>Phát triển TTCK bền vững: 2024 là năm tạo dựng cơ sở cho trung, dài hạn
Để đạt được mục tiêu trên, có hai vấn đề then chốt cần được giải quyết, đó là thực hiện yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch, và nới lỏng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).
TTCK Việt Nam đang được định vị ở phân khúc thị trường cận biên, phản ánh tính chất đầu cơ đáng kể trong giao dịch, dẫn đến các quỹ đầu tư tiếp cận thị trường này thường có quy mô nhỏ và xu hướng đầu cơ cao.
Chính vì vậy, việc thăng hạng lên thị trường mới nổi sẽ mở ra cơ hội giảm thiểu hoạt động đầu cơ, thu hút dòng vốn ngoại lớn hơn và ổn định hơn, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển dịch dòng vốn mà còn làm tăng sự quan tâm của các quỹ đầu tư chủ động.
Trong bối cảnh kinh tế hiện đại, sự góp mặt của nhà đầu tư quốc tế không chỉ là bản lề cho sự phát triển của doanh nghiệp nội địa, mà còn là cơ hội cho sự đổi mới và tiếp thu công nghệ quản lý tiên tiến. Điều này mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp chứng khoán trong nước tiếp cận với những phương pháp quản lý mới.
>>> Các tổ chức tài chính hiến kế gì để nâng hạng thị trường chứng khoán?
Trên toàn cầu, ba tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực xếp hạng thị trường là: Morgan Stanley Capital International (MSCI), FTSE Russell và S&P Dow Jones - đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình nhận thức của các NĐTNN về vị thế của các quốc gia, thị trường và doanh nghiệp.
Các phân hạng thị trường do FTSE và MSCI công bố không chỉ là những cơ sở tham chiếu quan trọng để đánh giá tầm quan trọng của một quốc gia trong kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng đáng kể đến các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu. Trong đó, yếu tố quan trọng được nhấn mạnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại TTCK là việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch. Bên cạnh đó, các tiêu chí khác như giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐTNN (FOL) và quy trình mở tài khoản cho NĐTNN cũng đang được xem xét để nâng cao tính minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư, mặc dù những yếu tố này hiện không nằm trong các tiêu chí xếp hạng chính thức.
Tương tự, MSCI đã nêu bật các khía cạnh mà Việt Nam cần cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NĐTNN. Đặc biệt, có hai lĩnh vực được cho là có khả năng được cải thiện nhanh chóng: Thứ nhất, liên quan đến quy trình đăng ký và mở tài khoản cho NĐTNN, hiện tại yêu cầu phải có sự chấp thuận của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) đang là trở ngại. Thứ hai, việc công bố thông tin bằng tiếng Anh về quy định pháp luật và thông tin doanh nghiệp cũng cần được cải thiện để đảm bảo rằng NĐTNN có thể tiếp cận thông tin một cách công bằng và kịp thời, tương tự như nhà đầu tư trong nước.
Ngoài ra, quy mô TTCK còn hạn chế, một phần do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn từ các doanh nghiệp Nhà nước diễn ra chậm chạp. Thêm vào đó, sự tồn tại của quá nhiều ngành nghề kinh doanh được pháp luật điều chỉnh với các điều kiện kinh doanh cụ thể đã vô tình tạo ra rào cản, giới hạn tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN.
Chúng ta sẽ cần những giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn hiện tại nhằm phát triển bền vững TTCK.
Về ngắn hạn, việc triển khai nhanh chóng hệ thống KRX được xem là bước đi quan trọng, góp phần nâng cao một số tiêu chí định tính quan trọng của thị trường. Bên cạnh quá trình cập nhật công nghệ, việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hệ thống chính sách cũng cần được nhấn mạnh. Điều này bao gồm việc rà soát và cập nhật tổng thể các quy định trong Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn liên quan, cũng như bổ sung các quy định mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần mở rộng và phát triển thị trường vốn một cách bền vững.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại thị trường Việt Nam, việc sớm ban hành thông tư hướng dẫn về phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) được xem là giải pháp hiệu quả. NVDR cho phép NĐTNN mua cổ phiếu mà không bị hạn chế bởi các quy định về tỷ lệ sở hữu, qua đó giải quyet điểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Về dài hạn, việc đối chiếu và sửa đổi Luật Doanh nghiệp để giảm số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng là bước đi quan trọng. Điều này sẽ mở ra cơ hội tăng tỷ lệ sở hữu của NĐTNN trong các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng và hấp dẫn hơn.
Ngoài ra, với hơn 1.700 mã cổ phiếu hiện diện trên TTCK nhưng lại có vốn hóa thấp, vấn đề này đặt ra bài toán cần phải giải quyết về sự chọn lọc và quản lý chất lượng cổ phiếu trước khi niêm yết. Điều này không chỉ giúp cải thiện hình ảnh và uy tín của thị trường trong mắt nhà đầu tư quốc tế mà còn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của TTCK.
Có thể bạn quan tâm