Chạy nước rút cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán

DIỄM NGỌC - HỒNG MINH 10/10/2023 14:00

Các chuyên gia cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng TTCK trước năm 2025, những tháng cuối năm 2023 và 2024, Việt Nam cần tập trung giải quyết những tiêu chí còn vướng mắc.

>>Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?

Tiệm cận mục tiêu

Nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.

Việc nâng cao chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường

Việc nâng cao chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường

Việc nâng hạng TTCK được đánh giá sẽ tác động tích cực đối với TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, dù các cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cần thiết, nhưng đến nay các tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế vẫn chưa chấp thuận nâng hạng đối với TTCK Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hiện còn một số vấn đề kỹ thuật cần xử lý, đòi hỏi sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, trong đó nổi lên là: Vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và Giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường.

Phát biểu tại hội thảo “Nâng hạng thị trường chứng khoán và việc minh bạch thông tin của công ty niêm yết” tổ chức ngày 10/10, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường Cận biên.

Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi. Trong chỉ số FTSE Russell Frontier Index, tính đến ngày 31/8/2023, thị trường Việt Nam chiếm tỷ trọng 34% mức vốn hóa lớn nhất với 103 công ty. Việt Nam cũng có 6 trong số top 10 doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của chỉ số này. Do đó, Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng lên Thị trường Mới nổi do được đánh giá là quá lớn nếu để ở mức Thị trường Cận biên. 

Trong các nhóm tiêu chí còn vướng mắc để được nâng hạng, FTSE Russell và MSCI đánh giá một số hạn chế liên quan đến khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm: chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài; chưa đầy đủ thông tin trong quy trình thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thông tin về hoạt động của doanh nghiệp và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp chưa được cập nhật kịp thời và có thể dễ dàng tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài bằng tiếng Anh.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích, thực tế, Việt Nam đã ở trong danh sách xem xét nâng hạng của FTSE Russell từ năm 2018, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để chính thức trở thành thị trường mới nổi. Theo báo cáo, Việt Nam đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để được nâng hạng, với tiêu chí không đạt là Chuyển giao đối ứng thanh toán (DvP), hiện được đánh giá là “Hạn chế”, do nhà đầu tư cần có tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch (khác với thông lệ là cần có tiền khi thực hiện giao dịch), và tiêu chí Chi phí xử lý giao dịch thất bại không được chấm điểm (do nhà đầu tư cần có tiền trước khi đặt lệnh nên không xảy ra giao dịch thất bại).

Ngoài ra, Báo cáo vào tháng 3/2023 của FTSE cũng chỉ ra rằng, cần phải cải tiến quy trình đăng ký tài khoản mới vì quy trình hiện tại khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều thời gian để mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Việt Nam cũng chưa có một cơ chế hiệu quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài đối với những chứng khoán đã hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài.

>>Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG

Giai đoạn nước rút

Để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng trước năm 2025 của Chính phủ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các cơ quan quản lý cần phải giải quyết các vấn đề còn hạn chế. Đặc biệt là với tiêu chí của FTSE Russell, Việt Nam có thể bị loại ra khỏi danh sách xem xét nâng hạng nếu không đưa ra được giải pháp cải cách thị trường.

Báo cáo vào tháng 3/2023 của FTSE cũng chỉ ra rằng, cần phải cải tiến quy trình đăng ký tài khoản mới vì quy trình hiện tại khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều thời gian để mở tài khoản giao dịch

Báo cáo vào tháng 3/2023 của FTSE chỉ ra rằng, cần phải cải tiến quy trình đăng ký tài khoản mới vì quy trình hiện tại khiến các nhà đầu tư nước ngoài mất nhiều thời gian để mở tài khoản giao dịch

Nếu việc này xảy ra thì sẽ rất đáng tiếc, bởi thị trường Việt Nam đã được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ tháng 9/2018 và hiện nay chỉ còn thiếu 2 tiêu chí. Do đó, trong những tháng cuối năm 2023 và 2024, Việt Nam cần tập trung giải quyết vấn đề về thanh toán, quan trọng nhất là việc loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải có sẵn tiền ở thời điểm đặt lệnh (theo Thông tư 120/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính), thay vào đó là yêu cầu có tiền ở thời điểm nhận cổ phiếu (T+2) như thông lệ tại các thị trường phát triển. Việc này cần được hoàn thành trong năm 2024 (FTSE công bố định hạng 2 lần trong năm vào tháng 3 và tháng 9) thì Việt Nam mới có thể hoàn thành mục tiêu nâng hạng của mình.

Việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của MSCI sẽ khó khăn hơn nhiều, bởi Việt Nam còn nhiều yếu tố cần cải thiện. Trong ngắn hạn, ngoài việc xử lý vấn đề về thanh toán nêu trên, một số giải pháp khác cần được quan tâm yêu cầu sớm thực hiện bao gồm: Thứ nhất, các quy định, văn bản pháp lý về TTCK cần được công bố bằng tiếng Anh để các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận. Tương tự, cũng cần có quy định yêu cầu các DN niêm yết bổ sung công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh;

Thứ hai, các doanh nghiệp niêm yết cần tuân thủ tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), theo đó, Bộ Tài chính cũng cần có hướng dẫn và lộ trình đáp ứng cụ thể.

Thứ ba, phát triển hạ tầng thanh toán bù trù; sớm triển khai các dịch vụ cho vay thấu chi và giao dịch ứng tiền trước.

Thứ tư, cải thiện khả năng chuyển nhượng thông qua việc cắt giảm thủ tục (hiện nay giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật cần được Ủy ban Chứng khoán chấp thuận trước).

Thứ năm, nghiên sớm và sớm triển khai các sản phẩm, dịch vụ như cho vay chứng khoán và bán khống trên thị trường Việt Nam.

“Những giải pháp này sẽ giải quyết được phần nào các tiêu chí đang bị đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu của MSCI. Tuy nhiên, các tiêu chí được MSCI quan tâm nhất là giới hạn sở hữu nước ngoài, “room” khối ngoại còn lại hay mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối thì sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhiều, bởi các vấn đề này liên quan đến các quy định pháp luật cũng như tạo ra nhiều thay đổi trong việc quan điểm hội nhập và điều hành vĩ mô của các cơ quan quản lý. Do đó, việc hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng TTCK lên “mới nổi” sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và bộ ngành liên quan”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Vũ Chí Dũng chia sẻ, đối với vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài và tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài, UBCKNN đã có một số kiến nghị đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc cần công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận; thực hiện cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.

“Chúng tôi sẽ chủ động rà soát, sửa đổi quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP theo hướng yêu cầu các công ty đại chúng trên TTCK phải công bố rõ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mỗi công ty. Đồng thời tiếp tục nỗ lực để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường, củng cố niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo nền tảng cho công tác nâng hạng của TTCK Việt Nam”, ông Vũ Chí Dũng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Cơ hội đón dòng vốn 7,2 tỷ USD mỗi năm từ nâng hạng TTCK

    05:30, 09/10/2023

  • Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG

    13:04, 28/09/2023

  • Thời điểm tích lũy cổ phiếu chờ nâng hạng thị trường mới nổi

    04:50, 27/06/2023

  • Moody’s nâng hạng tín nhiệm Agribank lên mức tích cực

    16:19, 24/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chạy nước rút cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO