“Vòng tròn Deming” (Lập kế hoạch - Thực hiện - Kiểm tra – Cải tiến) là một mô hình mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng để cải thiện chất lượng sản phẩm một cách bền vững.
>> Xây dựng thương hiệu "mở khóa" cho hàng Việt trên thị trường quốc tế
Thế nhưng, làm sao để đạt được một sản phẩm chất lượng tầm cỡ thế giới lại là bài toán không dễ dàng, nhất là với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với ông Abdurrahman Mou-Mohamed, Chuyên gia tư vấn về chiến lược, quản trị chất lượng và cải tiến, xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng nhất giúp một sản phẩm chinh phục các thị trường nước ngoài?
Trong bối cảnh ngày nay, hiểu biết văn hóa đa quốc gia ngày càng quan trọng. Bản thân nhiều người nước ngoài không hiểu được văn hóa của Việt Nam thì cũng khiến người Việt khó tìm thấy sự tương thích để làm việc cùng nhau. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập các thị trường nước ngoài mà không am hiểu văn hóa nơi đó thì cũng sẽ không thể đề ra chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Chẳng hạn như hãng bán lẻ Auchan từng gia nhập thị trường Việt Nam vài năm trước, họ nói rằng chúng tôi có hàng tốt, chất lượng cao nhưng vẫn không kinh doanh hiệu quả, cuối cùng phải thoái vốn. Sự thất bại của Auchan ở Việt Nam một phần là do những quản lý người Pháp thực sự không am hiểu văn hóa hay phong tục của người Việt Nam.
Ở những thị trường như châu Âu, nếu nhà sản xuất có uy tín, thì sản phẩm của họ đắt mấy, người tiêu dùng vẫn mua, bởi họ biết chất lượng của sản phẩm tương xứng với giá thành. Ví dụ có những khách hàng trung thành với sản phẩm mứt từ năm 1973 cho tới nay.
Tuy nhiên, ở các thị trường như Trung Quốc, Việt Nam hay Châu Phi thì người tiêu dùng lại nghĩ khác.
Bởi vậy, nếu muốn chinh phục được thị trường quốc tế, các sản phẩm Việt Nam phải chứng minh được chất lượng và duy trì được lòng trung thành của khách hàng.
Ở đây, thương hiệu hay danh tiếng vô cùng quan trọng, càng có danh tiếng thì càng bán được nhiều sản phẩm. Ví dụ, bán được một chiếc xe hơi nhưng hay bị hư hỏng, nhiều lỗi sẽ làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu và thương hiệu của hãng. Điều này trái với suy nghĩ của nhiều người rằng cứ mở doanh nghiệp, bán được càng nhiều hàng càng tốt.
- Ông có gợi ý gì để nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp Việt Nam?
Rất khó để nói rằng các doanh nghiệp nên làm gì đển nâng cao chất lượng sản phẩm. Với kinh nghiệm của mình, mỗi một lĩnh vực có những đặc điểm khác nhau. Do đó, cần phải trực tiếp đánh giá hiện trạng của công ty, sau đó mới có thể đưa ra phân tích và có phương pháp giải quyết cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp có thể áp dụng mô hình “Vòng tròn Deming” trong quản trị chất lượng. Nói cách khác, đó là quá trình sản xuất, nhận xét, đánh giá và cải tiến liên tục nhằm tiến lên theo hình xoắn ốc. Bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ từ phản hồi của khách hàng, doanh nghiệp có thể xây dựng danh tiếng và thu hút khách hàng.
Hãy nhớ việc kinh doanh không phải chỉ nằm ở việc bán được sản phẩm. Tôi thường khuyên các công ty thay vì mở rộng đối tượng khách hàng để tăng số lượng bán hàng, thì họ nên hỏi lại chính người khách hàng cũ để lắng nghe và cải thiện sản phẩm của mình. Bởi nếu sản phẩm có chất lượng kém, sự quay lưng của khách hàng chỉ là vấn đề thời gian.
>> Kinh nghiệm đưa doanh nghiệp công nghệ Việt ra thị trường quốc tế
Điều quan trọng là phải tìm những người có kinh nghiệm, am hiểu thị trường, đồng thời chủ động học hỏi và điều chỉnh để tiến lên. Nếu xây dựng được một “nền móng” vững chắc thì dù ban đầu có thể mất thời gian, các doanh nghiệp sau này mới có đà để tiến nhanh.
- Vấn đề đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng để giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao. Ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này?
Các doanh nghiệp cần có chiến lược đào tạo dài hạn nhằm liên tục bổ sung kiến thức, kinh nghiệm làm việc cho cán bộ nhân viên của mình. Nếu nguồn nhân lực đầu vào được đào tạo bài bản, có thực tế, thì sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn ở Pháp có một kinh nghiệm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên tham khảo. Đó là mỗi trường học sẽ kết hợp với các doanh nghiệp, để mỗi tuần doanh nghiệp cử những người có kinh nghiệm đến giúp những bạn trẻ hiểu hơn về môi trường doanh nghiệp hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Các doanh nghiệp Việt Nam không nên đợi đến ngày sinh viên tốt nghiệp ra trường, thì mới xét tuyển. Bởi khi đó, sẽ có một khoảng cách lớn giữa thực tế và lý thuyết. Bản thân tôi đã xem những dự án mà các bạn trẻ thực hiện. Những ý tưởng đó rất hay, nhưng họ không nắm được chi phí thực tế, dẫn tới giá sản xuất còn cao hơn giá bán ra. Những điều này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu họ được tiếp cận sớm những kiến thức thực tế từ người có kinh nghiệm và chuyên môn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt trên thị trường quốc tế
02:00, 20/04/2023
Tìm giấy “thông hành” cho nghêu, tre Việt Nam sang thị trường quốc tế
11:00, 24/03/2023
Đưa nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế
00:57, 17/10/2022
Cơ hội nào cho startup Việt chinh phục thị trường quốc tế?
05:00, 28/11/2021
Đầu tư vào Startup và cách thức vươn ra thị trường quốc tế
03:26, 28/07/2021
Hỗ trợ sản phẩm nhãn Việt mở rộng thị phần tại thị trường quốc tế
19:12, 13/08/2020
7 giải pháp để doanh nghiệp xây dựng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường quốc tế
06:30, 28/12/2019