Giải pháp nào xây dựng môi trường đầu tư xanh?

TUẤN VỸ 26/08/2022 01:00

Tăng trưởng “xanh” là nhu cầu tự thân của các địa phương sau quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa quá nhanh gây ảnh hưởng đến môi trường.

>>Quảng Nam thu hút đầu tư vùng ven biển phát triển du lịch

Nếu không chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng “xanh”, các xung đột trong phát triển kinh tế sẽ gây cản trở phát triển dài hạn, không cho phép phát huy đầy đủ các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh của địa phương để tạo đột phá phát triển nhanh và bền vững.

Các địa phương tự chuyển mình

Trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đều xác định việc thu hút các doanh nghiệp lớn, các ngành công nghiệp có tỷ trọng đầu tư cao đến đầu tư, hoạt động. Trong đó, có cả những ngành công nghiệp nặng tác động đến môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người.

Do đó trong xu thế phát triển mới, hầu hết các địa phương đều chú trọng đến việc phát triển ngành kinh tế xanh, thu hút các dự án đầu tư công nghệ tiên tiến, giảm tác động đến môi trường. Đồng thời, xem yếu tố “xanh” là định hướng cốt lõi để hình thành nền kinh tế bền vững.

Chuyển đổi mô hình sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường là đích đến cho các địa phương

Chuyển đổi mô hình sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường là bước đi đầu tiên của địa phương trong việc hướng đến kinh tế xanh.

Bà Vũ Thị Kim Chi – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (IPA Quảng Ninh) cho hay đến hiện tại địa phương đã thu hút 151 dự án FDI với tổng mức đầu tư 8,3 tỷ USD. Để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, bà Chi thông tin tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột gồm thiên nhiên, con người và văn hóa.

“Quảng Ninh đã chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Đồng thời, định hướng thu hút FDI gắn với phát triển xanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ du lịch, dịch vụ. Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là cho hạ tầng chiến lược, các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, ngành công nghiệp không khói, với những dự án du lịch hàng nghìn tỷ đồng, năng lượng “xanh” , hạ tầng “xanh” , thực hiện hiệu quả chuyển đổi số... định hình hệ sinh thái khởi nghiệp thế hệ mới”, bà Vũ thị Kim Chi cho biết.

Để phát triển kinh tế bền vững, người này chia sẻ Quảng Ninh đã có định hướng phát triển công nghiệp điện năng từ than sang năng lượng xanh (điện gió, điện khí). Tiếp tục “xanh hóa” các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số,… kết hợp gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa.

Cùng nhìn về kinh tế xanh, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết trong năm 2021, tỷ lệ GO tại địa phương giảm chỉ còn từ 50-90% so với năm 2020. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng Kế hoạch đóng cửa làng nghề ô nhiễm vào năm 2030.

Đối với thu hút đầu tư, các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái,... cần được chú trọng.

Đối với thu hút đầu tư, các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái,... cần được chú trọng.

“Tăng trưởng xanh sẽ góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Qua đó hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu”, ông Nguyễn Phương Bắc nói.

Để làm được việc đó, tỉnh Bắc Ninh đã đặt ra mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014. Đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Cùng với đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số. Ngoài ra, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

“Xanh hóa” môi trường đầu tư

Theo các chuyên gia, để “xanh hóa” môi trường đầu tư cần có công cụ tính toán phát thải, có công cụ lựa chọn dự án đâu tư. Đồng thời, các địa phương cũng chủ động xây dựng dựng kế hoạch phát triển xanh, đầu tư xanh, đề xuất cơ chế, khuyến khích các dự án xanh trên địa bàn.

Cùng với đó, hình thành các công cụ đòn bầy xanh như doanh nghiệp xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, chỉ số năng lực cạnh tranh trong chuyển đổi xanh. Xác định rõ yếu tố xanh là lợi thế so sánh mới đối với các địa phương như chỉ số PCI.

"Chỉ số xanh cấp tỉnh" sẽ hỗ trợ các địa phương có thêm động lực để chuyển đổi mô hình kinh tế.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhìn nhận nhiều dự án tại các địa phương đã, đang thực hiện liên quan đến Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đều dựa trên sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ chứ chưa xuất phát từ năng lực nội sinh của địa phương. Hiện nay, các địa phương vẫn còn có sự trùng lặp, chồng chéo về mục tiêu giữa các chiến lược như phát triển bền vững,  ứng phó biến đổi khí hậu và chiến lược tăng trưởng xanh.

“Nhiều địa phương đang đối mặt với những khó khăn do thiếu các giải pháp cụ thể và khả thi, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương. Thiếu vắng những đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh”, ông Thạch cho biết.

Ông Phạm Ngọc Thạch cũng cho rằng nền kinh tế xanh sẽ mở ra thời kỳ tăng trưởng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo cơ hội phát triển mới với quy mô thị trường toàn cầu cho các sản phẩm, dịch vụ xanh. Tuy nhiên, mức độ nhận biết của doanh nghiệp về các chương trình bảo vệ môi trường mới ở mức độ ban đầu, cũng như mức độ tham gia còn thấp.

“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có xu hướng xanh hơn, được xem là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững. Vì vậy, các địa phương cần tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững,...”, ông Phạm Ngọc Thạch nói.

 hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh như cảng biển xanh, khu công nghiệp xanh,...

Theo đề xuất, các địa phương cần hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh như cảng biển xanh, khu công nghiệp xanh,...

Đứng ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng cho rằng cần công khai việc sử dụng nguồn lực, tiêu chí, chiêu chuẩn hóa về môi trường nhằm lựa chọn nhà đầu tư theo hướng ưu tiên dự án có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế, đáp ứng yêu cầu môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh mô hình hợp tác công tư trong đáp ứng nhu cầu về vốn, xem xét dành nguồn lực để di dời các sơ sở sản xuất gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường,...

“Cần thúc đẩy hình thành mô hình sản xuất kinh doanh thân thiện môi trường, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và du lịch,... Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp với việc giảm thiểu tác động tiêu cực về môi trường. Hơn hết là hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh như cảng biển xanh, khu công nghiệp xanh,... và thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý xả thải, rác thải, bảo vệ môi trường”, Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng đề xuất.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI tuyển tư vấn cho doanh nghiệp tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV

    VCCI tuyển tư vấn cho doanh nghiệp tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV

    17:09, 23/08/2022

  • VCCI đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề

    VCCI đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề

    12:39, 20/08/2022

  • VCCI Góp ý Dự thảo, kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

    VCCI Góp ý Dự thảo, kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

    11:00, 20/08/2022

  • Đề xuất của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp là nguồn thông tin quan trọng từ thực tiễn

    Đề xuất của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp là nguồn thông tin quan trọng từ thực tiễn

    00:18, 20/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp nào xây dựng môi trường đầu tư xanh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO