Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh, xanh và bền vững hơn.
>>>Quảng Ninh: Kích cầu du lịch qua lễ hội Hokkaido tại Hạ Long
Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long chia sẻ: Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh, xanh và bền vững hơn. Mới đây, Công ty cùng Viettel Quảng Ninh vừa ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về chuyển đổi số. Với bản thoả thuận hợp tác này, Công ty Việt Long kỳ vọng thúc đẩy công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp một cách thực chất và mạnh mẽ. Công ty Việt Long là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Quảng Ninh, hoạt động đa ngành nghề, trong đó trọng tâm chính là xử lý môi trường và sản xuất nông nghiệp an toàn.
Theo lãnh đạo Công ty tuyển than Cửa Ông: Xác định công tác chuyển đổi số là tiền đề và có ý nghĩa quyết định, Công ty đã ứng dụng các công nghệ mới vào trong sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng mạng, ứng dụng công nghệ thông tin vào hầu hết các lĩnh vực quản lý; tập trung cải tạo công nghệ, đầu tư nhiều thiết bị mới để tăng năng suất lao động, giảm thiểu thời gian, chi phí và rủi ro mất an toàn lao động…
Công ty luôn quan tâm xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chuyển đổi số. Các công trường, phân xưởng đã được kết nối mạng LAN đến văn phòng Công ty bằng đường cáp quang tốc độ cao và kết nối thẳng về máy chủ đặt tại văn phòng Công ty. Hệ thống máy chủ của Công ty hoạt động liên tục 24/24 giờ, là nơi lưu trữ cơ sở dữ liệu cho các phần mềm dùng chung như: Phần mềm công văn, kế toán, thống kê, vật tư, nhân sự, nhật lệnh... Các máy chủ được cài đặt phần mềm phòng chống virus và thực hiện sao lưu dữ liệu ra thiết bị lưu trữ ngoài định kỳ 2 lần/tuần. Phòng máy chủ có hệ thống lưu điện đủ lớn cho máy chủ hoạt động từ 6-10 giờ khi mất điện.
Ngoài ra, các trang thiết bị phục vụ cho việc triển khai phần mềm luôn được Công ty quan tâm, trang bị đầy đủ và thường xuyên được bổ sung, nâng cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện công việc. Công ty cũng duy trì quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống điều khiển tập trung thiết bị công nghệ trong dây chuyền đổ đống, bốc rót tiêu thụ than tại Phân xưởng Kho Bến 2; hệ thống thiết bị dây chuyền công nghệ xử lý bùn nước tại Phân xưởng Lọc - Sấy Than; hệ thống điều khiển thiết bị chuyến đá thải sau tuyển về mỏ tại khu vực ga cọc 6B tại Phân xưởng Vận tải; sử dụng hiệu quả hệ thống định vị toàn cầu GPS cho các phương tiện vận tải để quản lý cung đường tự động ...
Công ty đã chỉ đạo vận hành và sử dụng có hiệu quả dự án Tự động hoá nhà máy Tuyển than 2 (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 90,2 tỷ đồng và được bàn giao đưa vào sử dụng vào 10/11/2022. Đây là một dự án quan trọng gồm 14 lưu trình sản xuất được điều khiển tập trung tại phòng trung tâm qua hệ thống PLC và tiến hành điều khiển, giám sát thông qua hệ thống SCADA trên máy tính, điều khiển từ xa, cảm biến, camera,...; qua đó giảm được 104 lao động trực tiếp tham gia vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, năm 2023, Công ty đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng dự án tự động hoá, giám sát điều khiển các thông số kỹ thuật của hệ thống cung cấp, chuyển tải điện trạm điện 35/6 KV. Dự án tận thu cám đá độ tro cao ở Phân xưởng Tuyển than 2 với tổng vốn đầu tư hơn 9,6 tỷ đồng hoàn thành và đã có hiệu quả lớn trong việc tận thu lại cám đá sau sàng tuyền tại nhà máy Tuyển than 2, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm sau sàng tuyển.
Từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Công ty Tuyển than Cửa Ông phấn đấu đến năm 2025, nguồn nhân lực công nghệ thông tin cơ bản đáp ứng nhiệm vụ triển khai chuyển đổi số, 70% các quy trình nghiệp vụ và quy trình sản xuất kinh doanh đạt số hóa; dây chuyền sản xuất được vận hành thông minh, đạt mức tự động hóa cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất lao động… xây dựng Công ty trở thành doanh nghiệp số vào năm 2030.
Trên thực tế, mục tiêu chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được tỉnh đặt ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 110/KH-UBND (ngày 26/4/2023) của UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số năm 2023. Theo đó, đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu có 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Tỉnh phấn đấu quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, toàn tỉnh đang có khoảng 17.000 doanh nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp đã chuyển đổi số và chuyển đổi số toàn diện không cao. Đa phần doanh nghiệp hiện nay mới ở dạng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp cận chuyển đổi số, hoặc chuyển đổi số ở những khâu ban đầu, cách xa so với mục tiêu đề ra về chuyển đổi số của tỉnh.
Theo ông Lê Như Thiều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, khó khăn chủ yếu là ở hạ tầng, thiết bị, nhân lực, vật lực, tài chính dành cho chuyển đổi số. Quan trọng hơn, tư duy của người đứng đầu doanh nghiệp về chuyển đổi số chưa thực sự sâu sát, đánh giá đúng vị trí của hoạt động này. Cùng với đó thì các sản phẩm công nghệ về chuyển đổi số nói đúng là còn thiếu, yếu, chưa trúng, đúng yêu cầu doanh nghiệp, mới ở mức độ cung cấp cái mình có chứ chưa phải cái doanh nghiệp cần…
Mới đây, tại diễn đàn “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho sự phát triển bền vững” do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức có một thông số mà các đại biểu đưa ra rất đáng chú ý. Ông Bùi Trung Thành, Giám đốc Tư vấn và triển khai chuyển đổi số miền Bắc, cho rằng: 70% ngân sách chuyển đổi số đang bị lãng phí.
Doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, 92% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số, tuy nhiên 90% chưa thực sự hiểu về chuyển đổi số và 78% chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu. Nhiều đại biểu dự diễn đàn cũng đồng ý quan điểm câu chuyện chuyển đổi số không chỉ bắt đầu từ công nghệ mà còn là tư duy người lãnh đạo tỉnh, ngành, chính phủ và những quyết sách quyết liệt, trúng, đúng từ trung ương tới địa phương. Cần có giải pháp làm sao để ngân sách dành cho chuyển đổi số phải mang lại hiệu quả; những chính sách khuyến khích, thúc đẩy chuyển đổi số trúng, đúng nhu cầu thực tế, có tác động tích cực.
Có thể thấy chuyển đổi số toàn diện, bao gồm chuyển đổi số trong doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc. Doanh nghiệp Quảng Ninh đã vào cuộc chuyển đổi số, tuy nhiên phải thừa nhận rằng số lượng và mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp chưa cao, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó việc chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển.
Có thể bạn quan tâm