Giải pháp tiếp cận tài chính trên nền tảng công nghệ

DIỄM NGỌC 20/07/2023 15:48

Chiết khấu khoản phải thu là một trong những giải pháp mới, có thể mở ra cơ hội tiếp cận tài chính thuận tiện, nhanh chóng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

>>VCCI: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp tài chính

Tại Hội thảo “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”, bà Letitia Chau, Phó Tổng giám đốc OLEA cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các nhà xuất nhập khẩu đang cần được thúc đẩy và hỗ trợ tài chính.

Hội thảo “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”

Hội thảo “Hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”

Vì vậy, hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thêm điều kiện tiếp cận và tiếp cận thông tin về thực trạng, giải pháp cho doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ số. Đó cũng là lý do OLEA có mặt để giới thiệu về giải pháp hỗ trợ tài chính trên nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo đó, OLEA là một liên doanh của Ngân hàng Standard Chartered - ngân hàng thương mại uy tín toàn cầu với kinh nghiệm về thương mại và Linklogis - công ty về công nghệ tài chính, hỗ trợ cung cấp các giải pháp công nghệ.

“Chúng tôi đã có nhiều năm tập trung hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu trong việc cung cấp dịch vụ ở nhiều quốc gia như Mỹ, châu Á, với nhiều loại hàng hóa khác nhau. Ưu thế là OLEA có thể cung cấp quy trình thanh toán nhanh chóng, hiệu quả và các doanh nghiệp sẽ có các kênh thay thế khác nhau trong việc tiếp cận tài chính.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, như cần phải mua thêm nguyên liệu đầu vào cho đơn vị sản xuất, thì chúng tôi cũng có thể giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lực cũng như nguồn tài chính đảm bảo tin cậy”, bà Letitia Chau nói.

Vị Phó Tổng giám đốc OLEA cho biết thêm, hiện nay OLEA có rất nhiều hoạt động giao dịch khác nhau, có hơn 24 quốc gia đã tham gia trong việc tiếp cận và hơn 30 quốc gia ở các bên mua - bán hàng hoá. Điều đó cho thấy, đây là một nền tảng với sự hiện diện ở các địa điểm quan trọng, với văn phòng đại diện chính tại Singapore và có văn phòng đại diện ở Việt Nam, OLEA có thể trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp để chia sẻ về quy trình, hay các yêu cầu khác. Ngoài Singapore, OLEA cũng có văn phòng ở Hồng Kông, Trung Quốc, London và Mỹ,... Vì vậy OLEA hoàn toàn có thể giúp các khách hàng của doanh nghiệp trên toàn cầu.

“Lý do để chúng ta kết hợp với nhau đó là chúng tôi đưa ra các giải pháp khác biệt về cung cấp tài chính thương mại. Một số công ty phân tích họ có lợi thế tốt về thông tin, công nghệ, nhưng hiểu về thị trường, hiểu các yêu cầu của khách hàng thì OLEA có một tệp các khách hàng, các bên liên quan và các điểm tiếp cận khách hàng đầu cuối rất rộng rãi.

Nhờ vậy, chúng tôi có thể hiểu được yêu cầu của các doanh nghiệp và cùng với doanh nghiệp đưa ra giải pháp hiệu quả. Nền tảng của OLEA là hệ thống số hóa hoàn toàn, chúng ta có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Tôi muốn giải thích thêm đây là một nền tảng mở, hướng tới hỗ trợ để làm khi có nhu cầu, sẽ có những nguồn tài trợ đa dạng khác nhau đáp ứng, hỗ trợ các mục tiêu tạo ra sự hợp tác lâu dài”, Phó Tổng giám đốc OLEA nhấn mạnh.

>>"Lấy nỗi lo của doanh nghiệp là nỗi lo của VCCI"

Phân tích thêm về giải pháp của OLEA, bà Bùi Thị Hồng Lê, Giám đốc khối kinh doanh toàn cầu, OLEA chia sẻ một câu chuyện, một số khách hàng thực tế mà OLEA đã tiếp cận, có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, đơn đặt hàng nhiều, nhưng không thể có nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu đặt hàng thêm của người mua, do họ đã hết các tài sản thế chấp ngân hàng và trên báo cáo tài chính, tỷ lệ nợ trên vốn, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản đã đạt đến mức rủi ro mà ngân hàng không thể tăng hạn mức.

Đây là một khó khăn điển hình của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy OLEA là một kênh cung cấp thêm nguồn tài chính bên cạnh nguồn tài chính truyền thống mà các doanh nghiệp đang có với ngân hàng. Giải pháp của OLEA là phân tích nguồn tài trợ cho các khoản phải thu của doanh nghiệp hiện tại ở thị trường Việt Nam, cụ thể là các khoản phải thu cho xuất khẩu.

“Thay vì các doanh nghiệp xuất khẩu phải chờ đến ngày cho doanh nghiệp nợ trả chậm, thì qua OLEA, chúng ta có thể nhận tiền ngay. Các giải pháp của chúng tôi là không đánh giá tín dụng của doanh nghiệp, mà sẽ đánh giá tín dụng của người mua. Nếu người mua đủ tốt thì các khoản phải thu của doanh nghiệp cho người mua đó được OLEA chấp nhận. Đây là sản phẩm chiết khấu khoản phải thu, nên đối với các thuật toán trên hệ thống kế toán của doanh nghiệp sẽ làm cho tỷ lệ nợ không bị ảnh hưởng. Nền tảng của OLEA cũng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp khác nhau, nên có thể xem được hết các khoản phải thu của mình với nhiều người mua khác”, bà Hồng Lê giải thích.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Letitia Chau khẳng định, đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp nhận thông tin từ các chuyên gia và hội nhập quốc tế với bức tranh chung của nền kinh tế. Qua đó có thể nhận diện các cơ hội, thách thức từ các Hiệp định Thương mại tự do và thúc đẩy việc xuất khẩu của mình.

OLEA cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa hỗ trợ doanh nghiệp rút ngắn quá trình tiếp cận và triển khai nhanh chóng, có nguồn tài chính để bổ sung, sớm đạt mục tiêu tăng trưởng của năm nay cùng nhiều năm tới.

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI: Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp tài chính

    10:30, 20/07/2023

  • VCCI mời doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2023

    18:46, 28/06/2023

  • "Lấy nỗi lo của doanh nghiệp là nỗi lo của VCCI"

    06:31, 16/06/2023

  • VCCI mong muốn học hỏi từ "Đạo" kinh doanh Nhật Bản

    08:39, 14/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp tiếp cận tài chính trên nền tảng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO