Giải pháp tình thế với lúa mì nhập khẩu

Ngọc Diễm 18/10/2018 00:24

Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa có quyết định tạm dừng yêu cầu tái xuất với các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng, thay vào đó sẽ siết chặt kiểm định thực vật.

Từ nhiều ý kiến của các doanh nghiệp và văn bản chính thức của các nước đang đàm phán, đề nghị các bên ngồi lại tìm ra giải pháp ngăn chặn loại cỏ dại này để tránh gây thiệt hai cho các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ngưng nhập hàng vì rủi ro lớn

Trưa ngày 17/10, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung đã chủ trì cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp sản xuất lúa mì, xoay quanh các kiến nghị về việc buộc các lô lúa mì nhập về Việt Nam có nhiễm hạt cỏ kế đồng, từ ngày 1-11, nếu phát hiện sẽ phải tái xuất là quá đột ngột, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đều đề nghị xem lại cơ sở khoa học của lệnh cấm hoặc tái xuất và lùi thời hạn bắt buộc tái xuất như đã thông báo.

Bà Huỳnh Kim Chi, Giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ Bột mì cho biết, doanh nghiệp của bà đã có 20 năm nhập khẩu-chế biến lúa mì nhưng chỉ mới nghe có lệnh bắt phải tái xuất nếu có hạt cỏ, tuy nhiên doanh nghiệp còn chưa nhận được văn bản chính thức nào. Và nếu lệnh tái xuất này được thực hiện thì thiệt hại là không kể xiết.

Theo quan điểm của bà Chi: “Tại các nước xuất khẩu, họ đã cấp chứng thư cho lô hàng lúa mì của chúng tôi và họ nói cỏ kế đồng là một loại cỏ thông thường”.

Đồng quan điểm đó, Ông Lê Văn Vu, Phó Giám đốc Công ty Bột mì Bình Đông nói rằng, nhà máy của ông đã có lịch sử nhập khẩu - chế biến lúa mì mấy chục năm nay nhưng hiện tại đang đứng trước nguy cơ tạm dừng hoạt động vì tháng 10 và 11 là thời điểm nhập lúa mì về để chuẩn bị cho cả 6 tháng sau đó.

Trong khi một cân bột mì chế biến chẳng lãi được bao nhiêu thì hiện 1 tấn lúa mì tại Úc đã tăng từ 250-260 USD lên hơn 300 USD và đối tác xuất khẩu trả lời rằng “nếu anh cần thì tôi bán còn đưa điều kiện này kia thì tôi không bán”. Giá ngày càng tăng nhưng công ty ông cũng không dám nhập hàng về vì rủi ro rất lớn nếu từ ngày 1-11-2018 lệnh bắt phải tái xuất khi phát hiện có hạt cỏ kế đồng có hiệu lực.

Một cân bột mì chế biến chẳng lãi được bao nhiêu thì hiện 1 tấn lúa mì tại Úc đã tăng từ 250-260USD lên hơn 300USD

Một cân bột mì chế biến chẳng lãi được bao nhiêu thì hiện 1 tấn lúa mì tại Úc đã tăng từ 250-260USD lên hơn 300USD

Theo Cục BVTV, lô hàng lúa mì đầu tiên bị phát hiện nhiễm cỏ kế đồng vào ngày 8/5/2018 có xuất xứ từ Nga. Tính từ tháng 5/2018 đến ngày 10/10/2018 có hơn 1,6 triệu tấn lúa mì bị nhiễm có kế đồng nhập từ Nga, Mỹ, Canada và một số quốc gia khác.

Cỏ kế đồng có tên khoa học là Cirsium arvense, là loài cỏ xâm hại nguy hiểm, gây hại cho hơn 27 loại cây trồng, xâm hại các vườn, vùng trồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia. Khi cỏ này xuất hiện, chúng "tấn công" trực tiếp cây trồng và môi trường, gây tốn kém chi phí để phòng trừ, kiểm soát.

Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) nhấn mạnh, nếu các quốc gia xuất khẩu không có biện pháp khắc phục, để bảo vệ sản xuất nông nghiệp cũng như hoàn toàn phù hợp với các quy định và thông lệ quốc tế về kiểm dịch thực vật, Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp kiểm dịch cao hơn, đó là buộc tái xuất các lô hàng vi phạm và thậm chí là tạm ngừng hoặc cấm nhập khẩu các mặt hàng bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam đã nhiều lần được cảnh báo.

Ổ bánh mỳ có nguy cơ tăng giá vì cỏ kế đồng

Đồng tình với việc cần siết kiểm soát sinh vật ngoại lai, nhưng ông Trần Đăng Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Bình Dương cho rằng, lệnh tái xuất lúa mì sẽ gây hàng loạt hệ quả, hàng loạt nhà máy chế biến bột mì ở nước ta sẽ phải đóng cửa, hàng loạt công nhân sẽ bị mất việc.

Ông Tiến cho rằng, có thể áp dụng giải pháp thay thế là nhập bột mì thay cho lúa mì nhưng như vậy thì sẽ tốn thêm hàng tỷ USD để nhập bột mì về, sẽ đẩy giá thành chăn nuôi và thực phẩm lên cao. Chưa kể, lệnh cấm có thể bị các nước có lúa mì “trả đũa” bằng cách không nhập khẩu nông sản từ Việt Nam hoặc không xuất sang Việt Nam các nông sản khác.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nếu cấm nhập khẩu lúa mì từ thị trường Nga, Canada...

    Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nếu cấm nhập khẩu lúa mì từ thị trường Nga, Canada...

    02:34, 08/10/2018

  • Đề nghị dừng ngay công văn mang hàm ý

    Đề nghị dừng ngay công văn mang hàm ý "cấm nhập lúa mì"

    10:50, 09/10/2018

  • Nhập khẩu lúa mì:

    Nhập khẩu lúa mì: "Đừng lên không quản được là cấm"

    15:31, 08/10/2018

Dẫn bằng chứng Việt Nam đã nhập khẩu lúa mì từ vài chục năm nay nhưng hiện tại trên đồng ruộng vẫn không có loại cỏ này, ông Tiến đề nghị cần chờ các nhà khoa học làm rõ loại cỏ này có thực sự gây tác hại cho nông nghiệp Việt Nam như Cục Bảo vệ thực vật nêu ra hay không và đề nghị lùi thời hạn lệnh tái xuất. Nếu như áp dụng quyết định này thì các nhà máy sản xuất, chế biến từ lúa mì ra bột mì sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng có nguy cơ đóng cửa nhà máy, mất công ăn việc làm, vì không thể nào chuyển qua thị trường mới có giá tốt, nguyên liệu tốt. Khi ảnh hưởng hàng loạt như vậy từ ổ bánh mì, gói mì cũng sẽ vì thế mà tăng giá.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết hiện nay, do chưa đàm phám được với các nước có lúa mỳ xuất khẩu nên Cục bảo vệ thực vật sẽ áp dụng tình thế cho phép nhập khẩu, nhưng dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm định thực vật, từ trên tàu đến bốc dỡ, về kho đến quá trình ra thành phẩm. Cục cũng rất e ngại, nếu doanh nghiệp không tuân thủ quy trình thì nguy cơ lây nhiễm loại cỏ này vào Việt Nam rất cao.

Đồng thời từ nhiều ý kiến của các doanh nghiệp và văn bản chính thức của các nước đang đàm phán, đề nghị các bên ngồi lại tìm ra giải pháp ngăn chặn loại cỏ dại này. Để tránh gây thiệt hai cho các doanh nghiệp, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cho lùi thời hạn thi hành quyết định tái xuất những lô hàng có nhiễm cỏ kế đồng, tuy nhiên chưa cụ thể thời hạn là bao lâu.

Trong thời gian tới, nếu không có biện pháp loại bỏ từ nước xuất khẩu, Cục bảo vệ thực vật sẽ áp dụng biện pháp cao hơn, trước mắt là tái xuất, sau đó là cấm nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cục bảo vệ thực vật vẫn tiếp tục đàm phán với các nước như Canada, Mỹ và Nga về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải pháp tình thế với lúa mì nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO