TS Phạm Sỹ Thành cho rằng, các chính sách phản ứng có vẻ rất toàn diện nhưng dường như chưa có trọng tâm. Điều này có thể giống như việc bắn tên mà không có đích ngắm…
Thế lưỡng nan của Chính phủ
PGS., TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định tác động của dịch COVID-19 là rất lớn và khác lạ so với những khủng hoảng tài chính trước đây.
Để khống chế bệnh dịch, các quốc gia phải tiến hành biện pháp phong tỏa đã dẫn đến ngưng trệ nền kinh tế, trong khi các chi phí như nhân công, chi phí tài chính, thuê nhà xưởng không hề giảm.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý 1 đạt 3,82%, thấp nhất trong 11 năm trở lại đây. Song nếu so với thế giới, tăng trưởng của Việt Nam vẫn đang ở mức tích cực.
Theo PGS., TS. Phạm Thế Anh, tăng trưởng kinh tế trong quý 1 chưa phản ánh hết khó khăn trong bức tranh nền kinh tế. Gần như nửa đầu quý 1, nền kinh tế chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh. Tác động bên ngoài đến nền kinh tế vẫn chưa nhiều. Chỉ bắt đầu vào tháng 3, khi các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn thì nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bắt đầu suy giảm.
“Tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế Việt Nam có độ trễ. Chúng tôi dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ quý 2/2020, cho dù thời điểm được kiểm soát được dịch bệnh là khi nào”, ông Anh phát biểu.
Tác động của COVID-19 mạnh hơn đến khu vực phi chính thức của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, tỷ trọng phi chính thức đóng góp vào kinh tế tương đối lớn, ước tính từ 25-35%.
Trong những đợt khủng hoảng trước đây, khu vực này ít bị ảnh hưởng và được xem là “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Nhưng trong đại dịch lần này, khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các biện pháp phong tỏa khiến khu vực này dừng hoạt động. Số việc làm hay số hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động do dịch lần này là rất lớn. Tuy nhiên con số này lại không được phản ánh trong GDP.
Tới thời điểm 11/4/2020, ngoài gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai và gói hỗ trợ trị giá 61.580 tỉ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký thông qua với mục đích hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn vì dịch COVID-19, thì còn các gói hỗ trợ khác đang trong giai đoạn soạn thảo, lấy ý kiến, như gói hỗ trợ tài khóa (dự thảo nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất) do Bộ Tài chính chủ trì.
Do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô như các nước khác trên thế giới, ví dụ như nới lỏng tiền tệ.
Thêm vào đó, việc phòng chống dịch COVID-19 và trợ cấp an sinh xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang tạo áp lực lớn lên cán cân ngân sách. Tuy Chính phủ đang sử dụng các quỹ dự phòng để hỗ trợ an sinh xã hội, nhưng các quỹ này có thể là không đủ do số đối tượng chịu ảnh hưởng thuộc diện được nhận hỗ trợ rất lớn, trong khi dịch bệnh còn có thể kéo dài.
Ưu tiên giải cứu nhóm ngành có sức lan tỏa, tổn thương nhất
Trong bối cảnh này, theo TS Anh, chính sách trong thời điểm này cần phải đúng trọng tâm, đúng đối tượng, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Cần xây dựng các kịch bản chính sách khác nhau để ứng phó với các cấp độ khác nhau của bệnh dịch.
Trong mọi hoàn cảnh, cần tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp vẫn còn khả năng hoạt động, ví dụ như có phương án thích hợp để vừa sản xuất vừa phòng chống dịch bệnh; tránh ngăn sông cấm chợ một cách cực đoan ở một số địa phương.
Đối với các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, vấn đề chính của họ là chi phí cố định vẫn phải trả khi không có nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Với nhóm doanh nghiệp này thì các chính sách về thuế sẽ không có tác dụng, thay vào đó nên khoanh nợ và chi phí tài chính như nợ/lãi, tiền thuê đất. Sau khi hoạt động trở lại mới khuyến khích tín dụng.
Đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn còn khả năng hoạt động, cần phân loại các biện pháp hỗ trợ theo mức độ ảnh hưởng. Các chính sách ưu đãi tín dụng hay an sinh xã hội như miễn và hoãn đóng BHXH, tiền thuê đất, lãi vay, giãn thu thuế VAT (không phải thuế TNDN) cũng là những cách để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tạm thời để tiếp tục sản xuất kinh doanh, giảm bớt gánh nặng chi phí. Có thể ưu đãi vốn vay nhưng phải đảm bảo phương án kinh doanh khả thi để tránh nợ xấu.
Với những doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc có thể chuyển đổi hướng hoạt động và mô hình hoạt động trong hiệu quả trong điều kiện hiện nay, cần hỗ trợ tốt nhất cho họ về môi trường thể chế và chính sách ngành, tránh tạo rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về gói hỗ trợ tài khóa của Bộ Tài chính, cũng như gói hỗ trợ tín dụng của các NHTM, đối tượng của các chính sách này nên là những ngành sản xuất, những doanh nghiệp còn có thể hoạt động và hoạt động tốt, vì đây là các đối tượng có thể tạo ra dòng tiền.
Trong khi đó, theo TS. Phạm Sỹ Thành (Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR), các gói cứu trợ của Chính phủ vẫn còn khá khiêm tốn so với khu vực, chính sách còn thiếu “quy mô, tốc độ, đích ngắm”.
“Chúng tôi hiểu rằng vấn đề thâm hụt ngân sách không mấy dễ chịu để Chính phủ có thể mạnh tay trong các gói chính sách hỗ trợ quy mô lớn. Bộ Tài chính đã phải nỗ lực rất nhiều để đưa ra các gói chính sách” - TS. Phạm Sỹ Thành nói.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 12/04/2020
00:30, 11/04/2020
16:20, 10/04/2020
15:30, 10/04/2020
15:14, 10/04/2020
13:44, 10/04/2020
13:16, 10/04/2020
12:30, 10/04/2020
12:00, 10/04/2020
11:59, 10/04/2020
Đầu tư công – động lực cho nền kinh tế
Nhóm phân tích của VEPR cho rằng, thời điểm hiện nay có thể tập trung vào đầu tư công để tạo động lực cho nền kinh tế. Tập trung vào đầu tư công không phải là mở ra những dự án mới, mà là thúc đẩy triển khai và thực hiện những dự án đã được phê duyệt, đã nằm trong kế hoạch nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thực hiện được, hoặc đang thực hiện nhưng cần đẩy nhanh tiến độ.
Nguồn lực cần được tập trung để thực hiện chúng nhanh và sớm hơn, tạo ra các dòng thu nhập mới trong nền kinh tế để từ đó giảm bớt tác động tiêu cực của dịch bệnh. Đặc biệt, những dự án lớn như đường cao tốc Bắc-Nam hay sân bay Long Thành nên được thúc đẩy thực hiện ngay, và còn có thể chia nhỏ ra cho nhiều đơn vị và nhiều địa phương cùng thực hiện để tăng sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, việc quản lý và giám sát các dự án đầu tư công cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định. Các dự án cơ sở hạ tầng thường liên quan tới số vốn rất lớn, cần tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo lựa chọn được các nhà thầu tốt, đảm bảo chất lượng công trình và không gây thất thoát vốn. Cắt giảm chi thường xuyên từ 10% đến 20% cũng là điều nên làm để giảm áp lực cho ngân sách. Chính sách tiền tệ trong thời điểm này sẽ ít hiệu quả.
Khi dịch bệnh còn tồn tại thì một số nhu cầu đặc thù sẽ biến mất, theo đó các ngành kinh doanh phục vụ các nhu cầu đó cũng sẽ không trở lại được, dù lãi suất có giảm cũng không tạo được động lực để doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Dư địa chính sách tiền tệ có thể còn, tuy nhiên việc tính toán dùng vào thời điểm vào và mức độ ra sao cần phải cân nhắc kỹ, vì chính sách tiền tệ còn đối mặt với ràng buộc về tỷ giá và lạm phát.
VND không phải là đồng tiền mạnh, nếu NHNN hạ lãi suất quá thấp hay thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng như các nước khác, rất có thể sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại. Mục tiêu chính của chính sách tiền tệ lúc này là phải giữ được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phải ở vị thế tốt để sẵn sàng tăng tốc khi dịch bệnh được khống chế.
Về các chính sách trong dài hạn, VEPR cho rằng có thể thấy cú shock tới nền kinh tế lần này cũng mang lại những bài học lớn về việc đa dạng thị trường thương mại, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc.