Bình luận

Giải quyết bài toán nhân lực ngành bán dẫn

Gia Nguyễn 07/09/2024 03:00

Để đảm bảo thực tế phát triển liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, theo chuyên gia, Việt Nam cần nắm bắt rõ các yêu cầu của đối tác và điều chỉnh chương trình đào tạo nhân lực cho phù hợp…

Theo đó, chỉ trong tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản chỉ đạo liên quan phát triển công nghiệp bán dẫn. Đầu tiên là Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó trưởng ban thường trực.

nhan-luc-nganh-ban-dan-24.1.1.2.jpg
Chỉ trong tháng 8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 văn bản chỉ đạo liên quan phát triển công nghiệp bán dẫn - Ảnh minh họa: ITN

Mới đây nhất, Thủ tướng ban hành Công điện số 83/CĐ-TTg về việc tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây. Trong đó, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại, là “trái tim” của cuộc cách mạng công nghệ, cơ sở cho sự phát triển của nhiều ngành công nghệ cao. Vì vậy, Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng tới năm 2050 là hoàn toàn phù hợp. Nhất là trong bối cảnh, mô hình liên kết Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn.

nhan-luc-nganh-ban-dan-24.1.1.1.jpeg
Để phát triển ngành công nghiệp này, theo chuyên gia, Việt Nam cần nắm bắt rõ các yêu cầu của đối tác và điều chỉnh chương trình đào tạo nhân lực cho phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Trước đòi hỏi đã nêu, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng, quá trình xây dựng chương trình, tuyển chọn học viên, tổ chức đào tạo và thực hành cần được thực hiện trên cơ sở liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa trường học và doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết với thực hành là cần thiết. Bởi, Statista Market Insights dự báo, doanh thu bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 11,6% trong giai đoạn 2023-2027, đạt 31,28 tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, mạch tích hợp - phân khúc quan trọng nhất trong ngành bán dẫn - được dự báo có giá trị 16,44 tỷ USD trong năm 2024.

Đặc biệt, trong “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2050” mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng, nhân lực cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển này.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, một trong những bước đi của “Chiến lược Bán dẫn Việt Nam” là xây dựng Việt Nam thành trung tâm nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn, và từ trung tâm nhân lực này sẽ tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

“Trung tâm nhân lực sẽ như thỏi nam châm thu hút đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại Việt Nam. Trung tâm nhân lực cũng bao gồm cả gia công, xuất khẩu lao động về công nghiệp bán dẫn”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng theo ông Hùng, thiếu hụt nhân lực bán dẫn đang có tính ngắn hạn, cho nên, ngoài việc đào tạo, nghiên cứu dài hạn, thì vẫn phải chú trọng việc đào tạo nhanh trong ngắn hạn.

“Lời giải ở đây là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn và trường đại học, là đầu tư cơ sở vật chất của Nhà nước cho các cơ sở đào tạo. Việc đào tạo lại giáo viên, hoặc thu hút giáo viên bán dẫn nước ngoài có thể là ưu tiên cao nhất lúc này”, ông Hùng cho hay.

Đồng quan điểm, không ít chuyên gia cũng khuyến nghị, theo các doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới, Việt Nam có thế mạnh và khả năng phát triển ở các mảng lắp ráp, đóng gói, kiểm thử trong chuỗi bán dẫn toàn cầu. Đây là cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, GS TS Phan Mạnh Hưởng - Giám đốc Phòng Thí nghiệm vật liệu nano và công nghệ điện tử, Trường Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ cho rằng, khi vào Việt Nam, các công ty và tập đoàn quốc tế sẽ có những yêu cầu cụ thể về nguồn nhân lực. Để đáp ứng hiệu quả, Việt Nam cần nắm bắt rõ các yêu cầu này và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp.

Theo vị chuyên gia này, để có chương trình đào tạo phù hợp, cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, bao gồm việc mời doanh nghiệp tham gia phát triển chương trình đào tạo, để đảm bảo các yêu cầu và nhu cầu của họ được phản ánh trong nội dung đào tạo. Ngược lại, các doanh nghiệp cũng phải nhận thấy lợi ích từ việc tham gia đào tạo và được hỗ trợ, như được giảm thuế trong những năm đầu. Việc này giúp doanh nghiệp chuyển đổi một phần nguồn kinh phí để đầu tư vào đào tạo.

Ngoài ra, việc phát triển các chương trình đào tạo liên kết giữa các trường là rất quan trọng. Mỗi trường có điểm mạnh riêng và việc liên kết các trường sẽ tạo ra sức mạnh chung, giúp đào tạo đội ngũ chất lượng và đảm bảo đầu ra tốt. Những chiến lược này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống đào tạo hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong khi đó, dẫn ví dụ từ câu chuyện Chính phủ Nhật Bản xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn, ký kết liên kết đào tạo với các trường đại học lớn của Mỹ, bà Nguyễn Thị Vân Anh - Trung tâm Khoa học và Đổi mới trong nghiên cứu thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản cũng cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo mô hình này.

Theo bà Vân Anh, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển chip bán dẫn một cách phù hợp. Xây dựng cơ chế phù hợp để có thể đẩy mạnh hợp tác 3 bên: Doanh nghiệp - Nhà trường - Chính phủ.

Không chỉ ở khâu đào tạo, nhiều ý kiến cũng cho hay, việc thu hút nhân tài bán dẫn từ nước ngoài, kiều bào là vấn đề cấp thiết. Kiều bào sẽ hỗ trợ đào tạo, xây dựng phòng thí nghiệm, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam. Đây cũng trở thành cầu nối với các tập đoàn đa quốc gia, nâng cao hình ảnh Việt Nam, cũng như tìm kiếm đối tác, chuyển giao công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải quyết bài toán nhân lực ngành bán dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO