Hội thảo Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm diễn ra sáng 17/7/2018 tại trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Hội thảo do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) tổ chức.
Toàn cảnh Hội thảo Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải: Phương án khả thi cho doanh nghiệp bảo hiểm
Trong những năm trở lại đây, cùng với sự tăng trưởng tốt trở lại của nền kinh tế, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã thể hiện sự tăng trưởng ổn định và bền vững, ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trong nền kinh tế quốc dân.
Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
Tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng.
Số liệu Cục Quản lý Bảo hiểm công bố năm 2017 cho thấy thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng bền vững, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 40,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,61% (so với năm 2016).
Tuy nhiên, ông Dương cũng khẳng định bên cạnh các cơ hội, doanh nghiệp nghiệp kinh doanh bảo hiểm và người mua bảo hiểm thường phải đối mặt với những rủi ro nhất định.
“Một số rủi ro có thể tránh được bằng biện pháp phòng ngừa kịp thời nhưng một số không thể tránh khỏi và nằm ngoài tầm kiểm soát của một doanh nghiệp. Đối với những loại rủi ro không thể phòng ngừa trước này, bảo hiểm đã thực hiện được vai trò quan trọng của mình đó là giúp san sẻ tổn thất, giảm thiểu gánh nặng tài chính, thiệt hại cho các doanh nghiệp, qua đó đem lại sự an toàn, trật tự cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, tranh chấp bảo hiểm phát sinh là điều khó tránh khỏi. Thống kê cho thấy tranh chấp bảo hiểm có xu hướng tăng trong thời gian gần đây với tính chất ngày càng phức tạp hơn, điều này đòi hỏi phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi tham gia các quan hệ hợp đồng bảo hiểm”, ông Dương nói.
Với tính ưu việt về thời gian giải quyết, tính linh hoạt của thủ tục cũng như việc trao quyền cho các bên được lựa chọn chuyên gia am hiểu và uy tín trong lĩnh vực bảo hiểm để giúp các bên phân xử, trọng tài thương mại thực sự là phương án khả thi và hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp bảo hiểm, góp phần mang lại niềm tin và công lý cho các doanh nghiệp và cộng đồng.
Đồng thời, ông Dương cũng nhấn mạnh, ngày 24/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại. Trước đó, vào năm 2015 Quốc hội đã ban hành Bộ luật tố tụng Dân sự, trong đó dành hẳn 1 chương để quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ công nhận các kết quả hòa giải được tiến hành theo thủ tục hòa giải.
Ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm (IAV)
Theo quan điểm của ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm, hiện nay, tranh chấp trong hoạt động bảo hiểm đang được các doanh nghiệp hội viên quan tâm nhiều hơn bởi cùng với sự tăng trưởng của thị trường thì sẽ có sự gia tăng của các tranh chấp, và các vụ tranh chấp thì cũng ngày càng phức tạp hơn. Giải quyết được những tranh chấp này thì mới có thể hoàn thành thủ tục bồi thường bảo hiểm và càng thực hiện nhanh chóng thì càng đạt được mục tiêu của bảo hiểm và tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bảo hiểm.
“Vấn đề giải quyết tranh chấp hiện đang được thực hiện tại Tòa án và Trọng tài và theo như chúng tôi được biết thì hiện tại, VIAC cũng đã thành lập trung tâm hòa giải, đây là trung tâm duy nhất được Bộ Tư pháp cấp giấy chứng nhận”, ông Bùi Gia Anh nói.
VIAC là trung tâm có uy tín, có đội ngũ trọng tài có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, nắm rõ quy định pháp luật trong thông lệ quốc tế và trong thực tiễn đã xét xử khá nhiều các tranh chấp bảo hiểm ở nhiều loại hình sản phẩm bảo hiểm.
“Tôi mong rằng, tại hội thảo hôm nay, Trung tâm hòa giải sẽ đồng hành cùng Trung tâm Trọng tài Quốc Tế để làm sao các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có giải pháp của doanh nghiệp mình để lựa chọn phương thức tranh chấp trong thời gian tới. Qua nghiên cứu, tôi cho rằng phương thức giải quyết bằng hình thức hòa giải là phương thức đỡ tốn kém thời gian và chi phí. Đây cũng là phương thức được cộng đồng đón nhận”, ông Bùi Gia Anh khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thanh Hải - Trưởng ban bán chuyên trách, Pháp chế phi nhân thọ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, kinh doanh bảo hiểm là ngành đặc thù, rủi ro. Phí bảo hiểm không lớn nhưng số tiền bồi thường lớn với các điều khoản phức tạp. Có những doanh nghiệp có hàng ngàn sản phẩm bảo hiểm.
Bà Phạm Thanh Hải - Trưởng ban bán chuyên trách, Pháp chế phi nhân thọ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Hoạt động bảo hiểm không tránh khỏi những tranh chấp. Tranh chấp có thể liên quan các vấn đề như đóng phí; Chưa ký hợp đồng nhưng tổn thất xảy ra cũng dẫn tới tranh chấp; Khi tổn thất xảy ra tranh chấp về nguyên nhân và mức độ tổn thất; Giá trị bảo hiểm,...
“Xã hội càng phát triển, lĩnh vực trở lên quan trọng và những tranh chấp trở lên gia tăng đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Các văn phòng luật sư, trung tâm trọng tài đang tiếp nhận số vụ tranh chấp bảo hiểm ngày càng cao”, bà Hải cho biết.
Đối với giải quyết tranh chấp bảo hiểm liên quan tới toà án đa số kéo dài từ 3-5 năm. Thậm chí, có một số vụ việc, thời gian xử lý kéo dài đến 10 năm vẫn quay đi sơ thẩm, về phúc thẩm. Trong khi đó, giải quyết bằng con đường trọng tài là phương án cần xem xét lựa chọn bởi đa phần được giải quyết nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo bà Hải, vẫn có một số khó khăn, trở ngại kiến nghị đối với một số vụ tranh chấp bảo hiểm giải quyết thông qua trung tâm trọng tài.
Thứ nhất, trọng tài thiếu các thiết chế hỗ trợ đi kèm và không có đầy đủ các quyền năng như Tòa án nên trong quá trình xét xử, trong một số thủ tục liên quan. Trọng tài không thể tự mình mà cần phải thông qua Tòa án để thực hiện, ví dụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đảm bảo chứng cớ, trọng tài không thể ra quyết định mang tính chất bắt buộc về điều đó mà phải thông qua Tòa án thi hành.
Thứ hai, sự thành công của quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chủ yếu phụ thuộc vào thái độ, thiện chí của các bên tranh chấp. Thực tiễn các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp khác, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân (khách hàng của doanh nghiệp bảo hiểm) hiện nay chưa thực sự quan tâm đến việc lường trước các tranh chấp có thể phát sinh nên vẫn mơ hồ về các hình thức trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài...
“Hiện các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân chưa hiểu về trọng tài nên lựa chọn toà án, dẫn đến quá trình thương lượng rất khó khăn. Đặc biệt với các cá nhân như doanh nghiệp tư nhân tàu cá, xe cộ, bảo hiểm con người... sự hiểu biết về trọng tài còn thiếu. Do đó cần đẩy mạnh hơn nữa những ưu điểm của trung tâm trọng tài trong quá trình đàm phán hợp đồng liên quan tranh chấp này”, bà Hải cho biết.
Cùng với đó, có những tranh chấp liên quan người thụ hưởng. Có thể khi làm hợp đồng chỉ đưa tên người thụ hưởng nhưng bản thân người thụ hưởng không trực tiếp ký vào hợp đồng, dẫn tới vụ việc kéo dài và khó giải quyết.
“Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời làm giảm sự quá tải về số lượng vụ việc cho hệ thống tòa án”, bà Hải nhận định.
Bà Trương Thanh Thủy - Trọng tài viên của VIAC cho biết, thực tế số vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trong những năm gần đây kể từ 2011 đến nay gia tăng đáng kể tại VIAC, sự gia tăng các vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận điều khoản xử lý tranh chấp tại VIAC cho thấy hoạt động của VIAC ngày càng hiệu quả, các phán quyết của VIAC đã phần nào thuyết phục được các doanh nghiệp bảo hiểm và bên được bảo hiểm gửi chọn niềm tin vào chúng tôi.
Hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có nhiều mảng như: Đầu tư, Chứng khoán, Ngân hàng và các nghiệp vụ bảo hiểm. Trong các nghiệp vụ bảo hiểm thì hiện tại các tranh chấp mà thực tế đưa ra VIAC phân xử hiện tại mới có các mảng nghiệp vụ sau: Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu; Bảo hiểm rủi ro trong xây dựng, lắp đặt và trách nhiệm với bên thứ 3; Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản /Bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt; Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu/ vận chuyển nội địa.
Theo bà Thủy, các vấn đề pháp lý thường có tranh cãi trong các vụ tranh chấp bảo hiểm bao gồm các trường hợp:
Thứ nhất: Hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm ( Khi nào hợp đồng bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực?hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực nếu bên được bảo hiểm chậm nộp phí bảo hiểm?...)
Thứ hai: Giải thích hợp đồng bảo hiểm (giải thích điều khoản loại trừ, giải thích điều kiện, điều khoản khi tham gia bảo hiểm…)
Thứ ba: Giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất ( nghĩa vụ giám định thuộc về DNBH, trường hợp các bên k thống nhất sẽ chỉ định bên thứ 3 hoặc thuê chuyên gia giám định chuyên môn sâu về những lĩnh vực chuyên ngành…)
Thứ tư: Xác định sự kiện bảo hiểm và trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm (giải thích về các rủi ro được bảo hiểm)
Trên thực tế, đặc thù của tranh chấp hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm là bên soạn thảo hợp đồng bảo hiểm và đưa ra quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm luôn được coi là bên “Mạnh thế”. Bên cạnh đó, bên mua bảo hiểm luôn được coi là bên “Yếu thế”.
“Vì vậy, để tránh những vấn đề trên doanh nghiệp bảo hiểm nên lưu ý “nghĩa vụ giải thích điều kiện, điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm và nên lưu ý có những bằng chứng để chứng minh việc đã giải thích cho bên hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại Điều 16,17,19,21 Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm. Lưu ý các quy định về hợp đồng mẫu về giải thích hợp đồng trong Bộ luật Dân sự”, bà Thủy nhấn mạnh.
Vế vấn đề nhận diện các loại tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm mà VIAC giải quyết trong thời gian qua, theo bà Thủy việc nhận diện này có thể dựa trên yếu tố như sau:
Thứ nhất, tranh cãi về doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm gồm: Điều khoản bảo hiểm “Mọi rủi ro” có phần loại trừ chung (theo bên được bảo hiểm bảo hiểm mọi rủi ro là tất cả các rủi ro đều được bảo hiểm nên khi doanh nghiệp bảo hiểm từ chối vì nguyên nhân tổn thất thuộc rủi ro loại trừ ghi trong hợp đồng bảo hiểm dẫn đến tranh chấp…); Giải thích từ ngữ trong hợp đồng bảo hiểm hay trong các sửa đổi bổ sung còn hạn chế dẫn đến các cách hiểu khâc nhau về rui ro được bảo hiểm; Bên doanh nghiệp bảo hiểm và bên được bảo hiểm đều phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh các ý kiến của mình đưa ra là phù hợp với hồ sơ và quy định của pháp luật.
Theo bà Thủy, những tranh cãi về hiệu lực của đơn vị bảo hiểm thường tập trung ở các khía cạnh như: Bên mua bảo hiểm gửi yêu cầu bảo hiểm cho doanhnghiệp bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm gửi chào phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm gửi thông báo thu phí bảo hiểm có quy định thời gian đóng phí; doanh nghiệp bảo hiểm gửi hợp đồng bảo hiểm yêu cầu bên mua bảo hiểm ký vào hợp đồng bảo hiểm; Sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn thu phí ghi trên thông báo thu phí; Bên mua bảo hiểm đóng phí theo thông báo thu phí; Bên mua bảo hiểm ký hợp đồng bảo hiểm và gửi công văn yêu câu trả tiền bảo hiểm; Doanh nghiệp bảo hiểm từ chối với lý do hợp đồng bảo hiểm không có hiệu lực.
Còn tranh cãi về nộp chậm phí bảo hiểm, bà Thủy cho rằng nó thường tập trung ở các vấn đề như thường tập trung ở các điểm như: Bên được bảo hiểm đã xuất trình bằng chứng của việc chuyển phí bảo hiểm qua ngân hàng trước thời hạn đóng phí bảo hiểm ghi trên hợp đồng bảo hiểm; Phí bảo hiểm thu theo kỳ, tuy nhiên ngay từ kỳ đầu bên ĐBH đã nộp phí chậm và các kỳ tiếp theo cũng vậy. Doanh nghiệp bảo hiểm nhận phí bảo hiểm mà không kèm theo bất kỳ thông báo nào. Khi sự kiện bảo hiểm xảy ra từ chối bồi thường do “hợp đồng bảo hiểm chấm dứt” khi bên ĐBH không đóng phí đầy đủ và đúng hạn.
Ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và ông Bùi Gia Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm (IAV) chủ trì Hội thảo.
Cung cấp thêm thông tin, bà Thủy cho hay những tranh cãi trong việc nhận “Thế quyền” truy đòi bên thứ 3 thường tập trung vào các vấn đề như thế quyền trong hợp đồng và ngoài hợp đồng; Việc ký Biên bản không khiếu nại bên thứ 3 của bên được bảo hiểm không làm mất đi quyền đòi bên thứ 3 của doanh nghiệp bảo hiểm khi kiện “Thế quyền”
Tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm bảo hiểm phát sinh do doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm, do không thể tìm được tiếng nói chung trong giải quyết các quyền lợi bảo hiểm thì các bên tìm đến các phương thức giải quyết tranh chấp được pháp luật công nhận. Trong các phương thức giải quyết tranh chấp đó thì phương thức dùng trọng tài phân xử những tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng của mình là ưu việt hơn với các phương thức khác.
Giải quyết tranh chấp tại trọng tài có các ưu điểm sau: Thủ tục nộp đơn khỏi kiện đơn giản, thuận tiện, Không phải dịch thuật tài liệu sang tiêng Việt; Phán quyết chỉ có các bên trong phiên họp được biết (bảo mật thông tin); Phán quyết là chung thẩm sẽ cưỡng chế thi hành theo luật thi hành án dân sự; Không mất thời gian, không mất cơ hội kinh doanh với khách hàng và giữ được chữ tín.
Có mặt tại Hội thảo, Luật sư Võ Nhật Thăng cho biết, điều kiện kinh doanh bảo hiểm cực kỳ phức tạp, những nhân viên bảo hiểm thiếu trình độ không nhận ra mà có thể tư vấn thiếu chính xác cho khách hàng. Cụ thể, việc giải thích cho khách hàng trong thực hiện hợp đồng bảo hiểm đòi hỏi nhân viên bảo hiểm có các kiến thức liên quan đến bảo hiểm mà còn cả các kiến thức liên quan đến quan hệ thương mại.
Lấy ví dụ về một doanh nghiệp nhập khẩu lô hàng từ Singapore theo hình thức EXW, tức hàng giao tại kho người bán, ông Thăng cho biết nhân viên đã tư vấn doanh nghiệp sử dụng bảo hiểm hàng hoá từ cảng Singapore về kho người mua.
“Doanh nghiệp này kinh doanh điện tử giỏi nhưng các hiểu biết về giao nhận thương mại chưa tốt. Thêm vào đó, việc nhân viên bán bảo hiểm trả lời cảng Singapore và kho người bán là một và tư vấn mua bảo hiểm từ cảng Singapre về kho người mua là chưa chính xác. Bởi ở đây người ta mua hàng bằng hình thức giao tại kho người bán. Từ kho người bán ra đến cầu cảng sẽ có những rủi ro tiềm ẩn. Do đó đáng lẽ phải tư vấn mua bảo hiểm ngay từ khi nhận hàng của người bán. Điều này đỏi hỏi nhân viên bán bảo hiểm phải có kiến thức nhất định về thương mại”, ông Thăng cho biết.
Vấn đề thứ hai mà ông Thăng lưu ý là vấn đề người giám định. Nếu làm không tốt sẽ dẫn tới tranh cãi sau này.
Lấy ví dụ vào năm 2014 lô hàng sắt thép từ Thượng hải về Việt Nam. Sau 8 ngày vận chuyển, lô hàng thép nguội có hiện tượng sắt rỉ, tàu có nước. Chủ hàng đề nghị giám định xác định nguyên nhân.
Nhưng từ tháng 2 đến giữa tháng 4 bảo hiểm mới làm giám định và 5 tháng sau tức là đến tháng 9 mới đưa biên bản giám định cho doanh nghiệp. Đồng thời biên bản giám định chỉ ghi rõ nguyên nhân chứ không ghi mức độ hư hại. Như vậy rất khó để giám định bổ sung để thời gian đã qua quá lâu. Biên bản giám đinh phải kịp thời nói lên hai vấn đề trên để tránh dẫn tới tranh chấp. Do đó, ông Thăng lưu ý việc thu thập phải khoa học và kịp thời.
Cùng với đó, ông Thăng đặt vấn đề, Điều 48 luật kinh doanh bảo hiểm có quy định về trường hợp thống nhất với chủ hàng rằng “trường hợp hai bên không nhất trí thì toà án chỉ định phương thức giải quyết tranh chấp”. Nhưng nếu trường hợp ở nước ngoài thì toà án chỉ định thể nào? Ông Thăng đề xuất nên có sự sửa đổi dùng phương thức trọng tài ở đây.
Ông Phan Trọng Đạt - Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam cho biết, giữa phương thức và hoà giải thì các bên hạn chế xứt mẻ
Chính sách của nhà nước về hoà giải có Nghị quyết 49 năm 2005, các đạo luật như Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Liên quan mật thiết nhất là Nghị định 22/2017/NĐ-CP.
Các Nghị định, chính sách này tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại. Tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải.
Đồng thời, đảm bảo quyền lợi của các bên khi sử dụng hòa giải. Giải quyết được các bất cập (hiệu lực kết quả hòa giải, Tòa án công nhận kết quả hòa giải). Giảm tải công việc của tòa án, tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Cùng với đó, ông Đạt cho biết, thành phần đáng chú ý trong Chỉ số Thực thi Hợp đồng của World Bank’s Ease of Business report có thành tố “ADR” mới đánh giá tính sẵn có của khung pháp lý phù hợp một quốc gia cho hoạt động ADR tại quốc gia đó.
Các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ADR) được chính thức bổ sung là một thành tố để đo lường Chỉ số thực thi hợp đồng trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2016.
Tại VIAC, ông Đạt cho biết có hai dịch vụ là dịch vụ trọng tài và dịch vụ hoà giải. Trung tâm nhận được nhiều câu hỏi về quy trình thủ tục và hướng dẫn thủ tục tranh chấp. Trong đó, hòa giải trong tố tụng trọng tài phổ biến hơn, số vụ nhiều hơn.
Theo đó, hòa giải là thủ tục không bắt buộc nhưng luôn được Hội đồng Trọng tài tiến hành, khuyến nghị trước khi xét xử. Đặc trưng của phương thức này là doanh nghiệp thường không chủ động hoà giải trước khởi kiện, đến khi khởi kiện thông qua Trọng tài, các bên mới chịu ngồi lại với nhau…
“Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp”, ông Đạt cho biết.
Chúng tôi thấy rằng trong số các vụ tranh chấp bảo hiểm giải quyết bằng trọng tài tại VIAC có một số vụ tranh chấp không kết thúc bằng một phán quyết trọng tài mà bằng một biên bản hòa giải thành; hay có thể hiểu, các bên trong thủ tục trọng tài cũng đã thấy được sự ưu việt của một kết quả hòa giải thành và nỗ lực hòa giải với nhau.
Ngày 29/05/2018 vừa qua, VIAC đã tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam và công bố Quy tắc hòa giải của VMC.
Ông Đạt mô tả một thủ tục hòa giải điển hình bao gồm 4 bước (i) Bắt đầu hòa giải; (ii) Lựa chọn hòa giải viên; (iii) Tiến hành hòa giải và (iv) Chấm dứt thủ tục hòa giải
Quy tắc VMC quy định rất cụ thể rằng các bên có thể bắt đầu thủ tục hòa giải tại VMC nếu giữa các bên đã có một thỏa thuận hòa giải (Điều 3) và kể cả khi giữa các bên chưa có thỏa thuận hòa giải (Điều 4). Ông Đạt đánh giá rằng, do hòa giải thương mại còn mới ở Việt Nam nên có lẽ việc các bên khi có tranh chấp đã có sẵn một thỏa thuận hòa giải sẽ không nhiều và vì thế các trường hợp quy định tại ĐIều 4 sẽ xảy ra nhiều hơn.
Ông Đạt nhấn mạnh rằng, Ban thư ký VMC sẽ hỗ trợ các bên trong trường hợp bắt đầu hòa giải theo Điều 4 và hoàn toàn, trong các tranh chấp bảo hiểm, các doanh nghiệp BH có thể sẽ là bên gửi đề nghị hòa giải để có thể bắt đầu một thủ tục hòa giải tại VMC.
Cũng giống như đã nhấn mạnh về các ưu điểm về chuyên môn và khả năng ngôn ngữ của trọng tài viên, đối với Hòa giải viên thuộc danh sách của VMC cũng là các chuyên gia, bao gồm cả các chuyên gia bảo hiểm am hiểu sâu về nghiệp vụ bảo hiểm với khả năng ngoại ngữ tốt. Do đó hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu của các tranh chấp bảo hiểm áp dụng pháp luật nước ngoài, các hợp đồng bảo hiểm có các quy tắc bảo hiểm bằng tiếng nước ngoài, v..v
Các hòa giải viên sẽ tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên theo Quy tắc VMC và pháp luật; tuy nhiên, cần nhấn mạnh, đây không phải là giải đoạn các bên tranh luận về việc ai đang đúng hay sai, theo điều khoản nào của pháp luật mà đây là giai đoạn mà các bên, cùng với sự hỗ trợ của hòa giải viên, nhìn lại toàn bộ sự việc và tìm phương án tốt nhất cho cả hai.
Kết quả tốt đẹp nhất của một thủ tục hòa giải sẽ là một biên bản kết quả hòa giải thành. Văn bản này sẽ có hiệu lực theo quy định của Pháp luật dân sự và có thể được công nhận và cho thi hành theo BLTTDS 2015.
Ngoài ra, hiện VIAC-VMC đang có cơ chế liên thông hòa giải trọng tài; để đảm bảo các bên có thể cùng lúc tận dụng ưu điểm của cả hai hình thức giải quyết tranh chấp này.
Tại phiên thảo luận, trọng tài viên Ngô Khắc Lễ đặt câu hỏi về trường hợp từ kết quả giám định tàu không đủ khả năng đi biển, dẫn đến tranh chấp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tàu cá. Liệu có thể sử dụng đề xuất: Các bên cùng thoả thuận về cơ quan giám định sẽ đưa ra kết quả giám định cuối cùng, để loại bỏ khả năng xảy ra tranh chấp này không?
Trọng tài viên Ngô Khắc Lễ
Trả lời câu hỏi vấn đề này, bà Trần Thanh Thuỷ cho biết, khoản 2 điều 48 có quy định chỉ định toà án nơi xảy ra tổn thất để chỉ định giám định khi kết quả giám định không được đồng thuận.
“Nhưng theo kinh nghiệm của tôi là khó có chuyện khi xảy ra tranh chấp rồi hai bên có thể ngồi lại với nhau về thoả thuận cơ quan giám định đưa ra kết quả giám định cuối cùng. Thực tế cũng có nhiều vụ đi vào ngõ cụt khi hiện trường không còn”, bà Thuỷ cho biết.
Tại Hội thảo, một doanh nghiệp đặt câu hỏi về thẩm quyền của hoà giải đối với tranh chấp bảo hiểm nhân thọ với cá nhân, không phải thương mại?
Ông Phan Trọng Đạt
Trả lời câu hỏi này, ông Phan Trọng Đạt cho biết, Nghị định Hoà giải thương mại có quy định rất rõ về thẩm quyền của các trung tâm hoà giải, trong đó các vấn đề liên quan đến một bên là cá nhân và một bên là doanh nghiệp bảo hiểm có hoạt động thương mại.
Và như đã trình bày ở trên, kể cả trong trường hợp trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chưa có điều khoản thoả thuận về hoà giải tại VMC thì không sao. Các bên có thể theo quy định tại điều 4 của VMC với sự hỗ tợ của ban thư ký VMC để bắt đầu thủ tục hoà giải.
Nói về thế mạnh, thế yếu trong ngành bảo hiểm, bà Trần Thanh Thuỷ cho rằng, chuyên ngành sâu của bảo hiểm là tất cả các quy tắc, điều khoản đều theo mẫu. Khi thế mạnh thuộc về người đưa ra mẫu, đưa cho doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể nghiên cứu nhưng không thể đàm phán toàn bộ hay làm khác đi quy tắc, điều khoản theo mẫu.
Trong ngành bảo hiểm, từ mẫu giấy, quy tắc… đã thành ISO, đã báo cáo Bộ Tài chính. Hợp đồng theo mẫu, điều khoản của hợp đồng theo mẫu chính là thế mạnh của doanh nghiệp và là thế yếu của người được bảo hiểm.
Ông Võ Nhật Thăng - Trọng tài Viên Trung tâm trọng tài Quốc tế đặt câu hỏi: Khách hàng mua bảo hiểm bao giờ cũng muốn bất kỳ cái gì thiệt hại đưa ra cũng được bồi thường. Nhưng tư vấn có đưa ra trường hợp loại trừ hay không?
Trả lời câu hỏi này, bà Trương Thanh Thủy cho biết: "Đã có những vụ đó rồi, tôi từng làm một vụ về doanh nghiệp mua đơn bảo hiểm xây dựng, sau bị sạt lở. Trong trong trường hợp này người bán bảo hiểm phải giải thích, phải có phần loại trừ từ bản thân hàng hóa hoặc nội tại của công trình, đây là nguyên tắc chung trên toàn thế giới".
Giải thích và làm như thế nào để doanh nghiệp hiểu và phải có bằng chứng là người ta đã hiểu, điều 17 là nghĩa vụ loại trừ, phải ghi rõ trong hợp đồng là giải thích, có giải thích không, quy trình khai thác rất khó, đã giải thích nhưng bắt buộc phải hiểu thì rất khó thành công.
Ở góc độ khác, bà Phạm Thanh Hải cho biết, bà Hải cũng đang ở vị trí thường phải xử lý các vấn đề như câu hỏi của Trọng tài viên Lễ vừa nêu tại Tổng Bảo Minh. "Cá nhân tôi cũng đã tham gia khoảng 4 hay 5 vụ có vấn đề tương tự này. Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp bảo hiểm được chỉ định nhà giám định và chi phí dám định do doanh nghiệp bảo hiểm chi trả. Trường hợp người mua bảo hiểm không đồng ý với kết quả giám định thì các bên được độc lập chỉ định nhà giám định và tiến hành giám định độc lập. Và đã có trường hợp hai công ty giám định đưa ra hai kết quả giám định không giống nhau. Vấn đề này, ở Tòa, thẩm phán hoàn toàn có quyền xem xét các kết quả giám định và quyết định sử dụng kết quả giám định nào mà Tòa án cho là hợp lý hơn. Tất nhiên cũng có nhiều vấn đề dẫn tới quan điểm tiếp cận như trên, và một trong số đó là việc giám định lại nhiều khi không thể thực hiện được do hiện trường sự việc đã không còn.” - bà Hải nói.
Bà Vũ Thị Hồng Ngọc - Công ty luật EPLEGAL đặt câu hỏi: Trong quá trình tư vấn liên quan đến tranh chấp đặc thù giữa người thứ ba và người tranh chấp bảo hiểm thì thực tiễn xảy ra như thế nào? Người tư vấn phải tư vấn cho khách hàng tiếp theo.
Trả lời câu hỏi này, bà Trương Thanh Thủy - Trọng tài viên của VIAC, trong đặc thù ngành bảo hiểm, sau khi bồi thường thì có thế quyền. Điều này được quy định tại Luật Dân sự, Luật Kinh doanh Bảo Hiểm hay Luật Hằng hải Việt Nam cùng một số văn bản pháp luật liên quan.
Việc thế quyền liên quan đến bên thứ ba trong bồi thường thiệt hại. Bên thứ ba không có quan hệ hợp đồng với bên bảo hiểm. Việc thế quyền cũng có hai trường hợp: thế quyền trong hợp đồng (tranh chấp phát sinh từ một hợp đồng giữa người mua bảo hiểm và người thứ ba) và thế quyền ngoài hợp đồng (tranh chấp phát sinh từ các quan hệ ngoài hợp đồng)
Ví dụ: Trong một vụ tranh chấp tại VIAC, sự cố cháy nhà máy do lỗi của một thợ hàn, thì ông thợ hàn chính là người thứ ba. Sau khi chúng tôi thấy rằng thuộc trường hợp bồi thường và trả tiền bồi thường bảo hiểm cho người mua bảo hiểm (chủ nhà máy) thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thế quyền người mua bảo hiểm để truy đòi ông thợ hàn bồi hoàn thiệt hại do lỗi của ông đó.
Liên quan đến vấn đề này, bà Phạm Thanh Hải cho rằng, việc thế quyền đúng như bà Thủy vừa trao đổi, có trường hợp không có hợp đồng, có trường hợp thế quyền theo hợp đồng và có việc xác định lỗi của bên thứ ba để thực hiện thế quyền để truy đòi. Thông thường, các bên sẽ ngồi lại thương lượng về khoản tiền bồi thường do lỗi này; nếu thương lượng không thành thì mới phải khởi kiện ra tòa. Vấn đề này, các nhà bảo hiểm cũng hay ngồi với nhau để xem xét và có thể mua lại cuả nhau. Đây cũng là một tiềm năng cho hoạt động này.