Hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" là không hề đơn giản, bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố, từ chính sách, pháp luật cho đến cơ chế vận hành của thị trường.
Đây là chia sẻ của GS, TS Vũ Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội nghị thông tin về Hội thảo quốc tế "Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc "Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" trong lĩnh vực đầu tư" chiều 28/3.
Theo GS, TS Vũ Hồng Hạnh, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh thông điệp "Rủi ro chúng ta chia sẻ, lợi ích thì hài hòa”, từ đó, thông điệp này đã được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trở thành kim chỉ nam trong các cuộc thảo luận về hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế và quan hệ quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm giải pháp để đối phó với rủi ro, một yếu tố bất ngờ mà các nhà đầu tư không thể lường trước chính là sự thay đổi thể chế. Dẫn chứng thực tế, GS, TS Vũ Hồng Hạnh cho biết, một trong những vấn đề lớn mà các nhà đầu tư đang gặp phải là sự thay đổi quy hoạch. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị động, không thể triển khai dự án một cách suôn sẻ. Chẳng hạn, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, có những dự án đã hoàn tất mọi thủ tục nhưng đột ngột bị thay đổi quy hoạch, gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp
Hay việc hủy các quyết định hành chính không cần hiệu lực cũng là một dạng rủi ro mà chuyên gia này đã nghiên cứu và gặp nhiều trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp. Một quyết định hành chính được ban hành 30 năm trước bây giờ được một UBND TP lôi ra để hủy bỏ, gây ảnh hưởng rất lớn tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, người dân.
"Ai cho phép hủy như vậy? Văn bản hành chính trải qua 30 năm còn lôi ra để hủy, thì đó cũng là một rủi ro. Tôi đã tham gia nhiều phiên tòa, giúp người dân nhiều vụ rồi, tôi thấy đó là thực tiễn không thể chấp nhận được. Sai thì phải trị người ra quyết định chứ không thể đẩy việc đó cho người dân chịu", ông Hạnh bày tỏ.
Đáng nói, không chỉ riêng doanh nghiệp trong nước, các tập đoàn nước ngoài cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Đơn cử như trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng của Samsung, khi các nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và cam kết đầu tư, nhưng lại gặp khó khăn trong việc nhận lại những khoản hoàn thuế theo quy định, điều đó tạo ra tâm lý e ngại, khiến nhiều doanh nghiệp cân nhắc việc rót vốn vào Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ sự ổn định chính trị, nhưng nếu không giải quyết được những vấn đề về thể chế, các nhà đầu tư sẽ không thể yên tâm mở rộng kinh doanh. GS, TS Vũ Hồng Hạnh cho biết, những điểm nghẽn, rủi ro này sẽ được phân tích, thảo luận kỹ lưỡng tại Hội thảo “Hoàn thiện thể chế nhằm hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong lĩnh vực đầu tư” sắp tới, diễn ra vào ngày 5/4 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Thông tin thêm nội dung này, đại diện ban tổ chức chia sẻ, hội thảo được tổ chức nhằm xác định các giá trị thúc đẩy và những rào cản trong thể chế hiện hành về đầu tư trực tiếp hướng tới hiện thực hóa nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” trong bối cảnh hoạt động đầu tư được điều chỉnh bởi nhiều luật mới gồm Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020, Luật Đấu thầu 2023, Luật Đất đai 2024...
Từ việc phát hiện những bất cập, hạn chế trong pháp luật thực định cũng như thực tiễn thi hành, hội thảo đề xuất các giải pháp khắc phục để thúc đẩy nguyên tắc “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hoàn thiện thể chế, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong ước và nước ngoài cho giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của đất nước, chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như chủ trương của Đảng được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.