Theo chuyên gia, việc kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước. Nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang khát vốn thì “một đồng cũng quý” và đề xuất này là rất đáng mừng.
Kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí
Vừa qua, Bộ Tài chính vừa có công văn 12312/BTC-CST gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tư pháp cho ý kiến với đề xuất ban hành Thông tư tiếp tục giảm phí, lệ phí theo trình tự thủ tục rút gọn và gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 03/11/2021 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.
Bộ Tài chính đánh giá, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã gây ra những hậu quả nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt quý 3/2021, kinh tế tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, dẫn đến tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay. Do đó, dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6%. Đồng thời, khó khăn, thách thức có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.
Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép tiếp tục kéo dài thời gian hết 6 tháng đầu năm 2022 đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí khác để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2022.
Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam từng đề nghị, cần kéo dài thêm thời gian giảm lệ phí cho các doanh nghiệp. Do Dự thảoThông tư đưa thời gian thực hiện giảm phí, lệ phí chỉ kéo dài tới hết 31/12/2021 là quá ngắn.
Theo ông Dũng, Nhà nước hỗ trợ đến đâu thì doanh nghiệp đỡ khó khăn đến đó. Nhưng trong tình hình dịch bệnh còn khó lường và bất định, riêng với ngành hàng không, các chuyên gia thế giới đều dự báo theo kịch bản lạc quan nhất, cũng phải đến hết năm 2022 mới phục hồi lại được và chỉ đạt được mức như trước dịch vào năm 2024.
“Thực tế, nhiều chính sách ban hành năm 2020 dự kiến chỉ có hiệu lực tới hết năm 2020, nhưng đã lần lượt được gia hạn, kéo dài thời gian hiệu lực. Đương nhiên, những quy định tại Thông tư sau khi hết thời gian có hiệu lực, vẫn có thể được gia hạn hoặc kéo dài nếu tình hình chưa được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng được kế hoạch ứng phó nhất quán hơn, thì Chính phủ nên quy định thời gian có hiệu lực thích hợp ngay từ đầu, kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm phí/ lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Dũng đề nghị.
Một đồng cũng quý!
Trước đó, Bộ Công an đã gửi công văn số 3244/BCA-H01 ngày 13/9/2021 về đánh giá tình hình thực hiện thu phí, lệ phí thuộc quản lý của Bộ Công an và đề nghị kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí đến khi dịch bệnh kết thúc.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng gửi công văn số 8236/BGTVT-TC ngày 10/8/2021 đề nghị tiếp tục giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến hết năm 2022; công văn số 10062/BGTVT-TC ngày 27/9/2021 đề nghị giảm phí sử dụng đường bộ đến hết tháng 6/2022. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đề nghị miễn phí sử dụng đường bộ trong thời gian bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND cấp tỉnh trong thời gian giãn cách.
Hay tại Diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Tổng giám đốc T&M Forwarding đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng và tới đây là TP HCM.
“Đề nghị các Bộ, ngành quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển vô kiềm tỏa (thiếu kiểm soát) như hiện nay. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao như hiện nay. Đây là một vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp sản xuất, XNK của nước ta đang yêu cầu được giải quyết”, ông Khoa nói.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang khát vốn thì “một đồng cũng quý” và đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.
Ông cho rằng, thuế, phí là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định để còn yên tâm làm ăn, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
14:00, 27/10/2021
09:00, 27/10/2021
16:27, 25/10/2021