Thị trường vốn hiện đang được áp dụng 2 quy định, 1 yêu cầu về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, theo đó cho phép điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ.
Quy định thứ nhất là Thông tư 06/2024, được sửa đổi, bổ sung từ Thông tư 02/2023 do NHNN ban hành, cho phép các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng vì Covid-19. Quy định thứ hai là Nghị định 08/2023 do Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
“Quy định” thứ 3, theo dự thảo Thông tư của NHNN, sẽ cho phép các TCTD thực hiện giãn, hoãn nợ cho những khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do thiên tai gây ra, hiệu lực cơ cấu lại nợ đến hết ngày 31/12/2025. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ tối đa là 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại (không muộn hơn 31/12/2026).
Trên thực tế, việc giãn, hoãn nợ, cho người đi vay có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn, phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa giúp ngân hàng giảm thiểu nợ xấu, giúp trái chủ không mất vốn đầu tư và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi… vẫn đang được áp dụng ở 2 quy định chính thức.
Trong đó, đáng chú ý là quy định được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ trái phiếu đang được nhiều doanh nghiệp bất động sản, chủ đầu tư dự án áp dụng tối đa, giúp giảm áp lực thanh toán nợ và qua đó giảm rủi ro vi phạm nghĩa vụ nợ chéo gây tác động tới hệ thống ngân hàng.
Mới đây, Novaland - một trong những chủ đầu tư lớn ở thị trường phía Nam đã có kiến nghị cơ quan chức năng xem xét cho phép ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ kéo dài kỳ hạn trái phiếu, nợ vay do ngân hàng đầu tư mà không bị trích lập dự phòng và chuyển nhóm nợ. Và cho phép các ngân hàng thương mại hỗ trợ Novaland vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu và hỗ trợ linh hoạt các phương án.
Novaland không hẳn là một trường hợp riêng biệt bởi theo thống kê của VCBS, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn tăng mạnh vào năm 2025, khoảng 250 ngàn tỷ đồng và 2026 khoảng 230 ngàn tỷ đồng. Sau thời gian gia hạn tối đa 2 năm, lượng trái phiếu chậm trả gốc lãi có thể tăng trở lại từ nửa sau 2025.
Chuyên gia của FiinGroup cũng nhận định đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản, cũng thường là các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án. Áp lực tài chính với họ tương đối lớn trong khoảng 12-18 tháng tiếp theo và khả năng tái tài trợ hoặc huy động vốn mới gặp nhiều thách thức.
Do đó, trong nỗ lực tái cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp, đặc biệt nhóm tổ chức phát hành bất động sản, việc giãn kỳ hạn trả nợ trái phiếu có thể là “lối thoát” quan trọng giữa bối cảnh các dự án chưa thể lập tức mang lại nguồn tiền trả nợ.
Tuy nhiên, giãn kỳ hạn thanh toán phải luôn đặt trên mối quan hệ bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu; Tương tự, việc tạo điều kiện kéo dài thời gian trả nợ phải làm sao để đảm bảo được sự an toàn của tổ chức tín dụng. Đây là những vấn đề rất cần được các cơ quan chức năng sớm rà soát, đánh giá, hóa giải, tránh mối nguy vốn nợ trở thành “máu đông” gây bất lợi cho nền kinh tế.